Golf dành cho ai ở Việt Nam?

03/05/2016 06:15 GMT+7 | Golf

(Thethaovanhoa.vn) - Sự phát triển của golf ở Việt Nam đang đi trên con đường có phần nào đó gợi nhớ tới sự phát triển của tennis.

Một đại biểu quốc hội nói rằng bản thân ông cũng không đủ điều kiện để chơi golf, một môn thể thao đắt đỏ và không dành cho số đông. Đó là câu chuyện của quá khứ và hiện tại. Nhìn về tương lai thì chưa hẳn sẽ đúng, vì tennis có thể trở thành một ví dụ.

Khoảng 10 năm trước, một người có thu nhập chừng chục triệu/tháng khó có thể chọn tennis như môn thể thao tập luyện, và chơi thường xuyên dù đó là cách hữu hiệu để cân bằng cuộc sống.

Nay thì cũng với chục triệu thu nhập đó, và trong bối cảnh trượt giá đáng kể thì họ lại có thể chơi tennis một cách dễ dàng. Sự bùng nổ của tennis với hệ thống sân mọc lên khắp nơi khiến cho chơi tennis không còn quá tốn kém, đặc biệt là chi phí tập luyện ban đầu và sau đó là trả tiền sân.

Golf có vẻ như đang đi trên con đường tương tự như tennis khi sự phát triển của môn thể thao này đã và đang bước vào một giai đoạn mới mà câu chuyện dưới đây là một ví dụ. 



Tới đây, những vùng đất hoang mạc ở Quảng Bình sẽ là sân golf và khu nghỉ dưỡng -Ảnh chụp từ trực thăng

Chiếc trực thăng của hàng không Việt Nam xuất phát từ sân bay Đồng Hới đưa chúng tôi bay trên bầu trời Quảng Bình. Thành phố với những mái nhà san sát nhỏ xíu mà đẹp nhất là dòng Nhật Lệ lùi lại chỉ sau chưa đầy năm phút viên phi công đưa chúng tôi cất cánh lên trời. Cả chặng đường nửa tiếng sau đó đi về phía Nam chỉ toàn thấy cát trắng bỏ hoang như sa mạc.

Đã từng nghe và từng thấy đặc sản cát trắng của Quảng Bình nhưng phải bay trên bầu trời mới thấy được mảnh đất nơi đây đất khó nên bỏ hoang nhiều như thế. Chỉ có lưa thưa vài bụi cây lá kim và lác đác vài những nghĩa địa đơn sơ mà nhiều ngôi mộ chỉ là gạch xếp. Cái lý do cứ xây sân golf là phải lấy đất trồng lúa có thì đúng ở đâu đó chứ không phải ở một nơi chỉ có cát và nắng và hàng thập kỷ trôi qua vẫn bỏ hoang.  

Những chiếc máy xúc đang cặm cụi vẽ ra những con đường mới và những cái hồ nhân tạo chứa nước ngọt đang hình thành. Hình thù của hai sân golf  đang hiện ra. Đó là hai trong số mười sân golf mà tỉnh Quảng Bình đã mời gọi Tập đoàn FLC vào đầu tư nằm trong một quần thể du lịch nghỉ dưỡng biển sẽ bao gồm cả ngàn phòng nghỉ và các khu vui chơi giải trí.

Một dự án như thế là chưa từng có ở Việt Nam và dĩ nhiên là với cả tỉnh nghèo như Quảng Bình, vì tổng số vốn đầu tư của nó là 13.800 tỉ đồng.

Khi tám sân golf còn lại của dự án hoàn thành thì rất có thể lúc ấy Việt Nam sẽ có gần 100 sân golf đúng như quy hoạch đã được quốc hội thống qua mới đây. Hiện Việt Nam đang có khoảng một nửa số sân đã và đang hoạt động.

100 sân có nhiều không với một quốc gia mới thoát nghèo và lương tối thiểu chưa đến 100 USD/tháng? Dĩ nhiên, với phí chơi từ 2-3 triệu đồng/trận thì Golf thực sự là môn thể thao xa xỉ ở Việt Nam.

Nhưng, phải có những lý do thuyết phục thì đề án quy hoạch trên mới được thông qua. Chẳng hạn, sẽ có những sân golf chỉ lấy đất hoang hoá như ở FLC Quảng Bình; mỗi sân golf sẽ tạo công ăn việc làm cho khoảng 2-300 lao động trong đó có rất nhiều vị trí không đòi hỏi bằng cấp. Và tương lai của Việt Nam phải là một nền kinh tế dịch vụ du lịch.

Thái Lan trong năm 2014 đón khoảng nửa triệu khách du lịch tới chơi golf. Có mấy lý do kết hợp lại với nhau để Thái Lan trở thành thiên đường golf ở châu Á: Giá chơi rẻ, kết hợp du lịch biển và hệ thống dịch vụ hoàn hảo.

Vẫn còn lực cản của golf

Nhưng, ở câu chuyện này, chúng ta còn đang bàn tới việc golf có dành cho số đông người Việt hay không? Không thể là số đông, nhưng ngày càng có nhiều người hơn chơi golf là điều không thể phủ nhận.

Sẽ rất khó giải thích cho những người chơi golf về sức đam mê chết người toả ra của nó và những lợi ích của việc chơi golf, nhưng nếu biết rằng Olympic 2016 cũng có golf như môn thi đấu chính thức và Trung Quốc mới đây đã bãi bỏ lệnh cấm quan chức chơi golf. Nhật Bản đất chật người đông nhưng golf rất phát triển và cách nay 15 năm thì phí chơi trung bình chỉ là 25 USD/người/sân 18 hố.   

Sự phát triển về số lượng phần nào đó đã tạo ra những phân khúc thị trường quyết định bởi yếu tố giá đi liền với yếu tố chất lượng. Hiện, bên cạnh những sân vẫn duy trì mức phí cao kèm theo chất lượng dịch vụ đẳng cấp thì có những sân golf có phí chơi cho những người không phải hội viên chưa tới 1 triệu đồng.

Đây là sự thay đổi không tưởng nếu đặt trong bối cảnh 5 năm về trước, và việc trường Đại học TDTT ở Thành phố HCM đưa golf vào giảng dạy cũng là một bước ngoặt không tưởng dù có nhiều người cho rằng thế là quá muộn.

Andrew Hùng Phạm vô địch giải golf TP.HCM mở rộng

Andrew Hùng Phạm vô địch giải golf TP.HCM mở rộng

Sau 2 ngày 15-16/4 diễn ra tại sân Vietnam Golf & Country Club (quận 9, TP.HCM), giải golf TP.HCM mở rộng lần thứ 2 năm 2016 tranh Cúp VinaPhone 088 kết thúc với chức vô địch thuộc về golf thủ Andrew Hùng Phạm.


Nhưng là chưa đủ nếu cho rằng chỉ cần sân golf nhiều lên thì giá chơi golf sẽ rẻ đi, đặc biệt là giá rẻ mà chất lượng vẫn được nâng cao là bất khả.

Ở bề nổi, golf đang phải chịu một loại thuế tiêu thụ đặc biệt lên tới 20%. Còn ở phần chìm, có hàng chục cửa và phí (cả những phí không thể liệt kê) để một doanh nghiệp có được quỹ đất làm sân golf.  

Nó dẫn tới một thực tế là nếu như ở giai đoạn sơ khai trước kia, khi golf chưa phát triển và bất động sản chưa nóng thì chi phí dự án xây dựng một sân golf 18 hố là khoảng 8-9 triệu USD thì nay tăng lên gấp đôi, cỡ 1 triệu USD 1 hố.

Giá thành cao, giá đầu vào ngất ngưởng sẽ làm chậm tiến trình phát triển golf, lấy golf làm một trong những công cụ thúc đẩy du lịch phát triển ở các địa phương, thậm chí đối với một số nơi là sống còn.

Như ở Quảng Bình, dù cho Sơn Đòong có nổi danh trên toàn thế giới thì chỉ có hệ thống nghỉ dưỡng gắn liền với golf mới có thể làm thay đổi bộ mặt của một tỉnh nghèo và chịu nhiều đau thương từ chiến tranh, tạo sức bật du lịch như chính lãnh đạo tỉnh ở đó khẳng định. 

Vỡ đất hoang làm sân golf Golf Links là một hệ thống sân golf được khuyến khích phát triển trên thế giới vì “Links”, theo quê hương của Golf (Vương quốc Anh) tức là tận dụng những mảnh đất bỏ hoang, không có giá trị phát triển nông nghiệp để làm sân golf.


Phạm Tấn
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm