FIFA yêu cầu giảm 50% lương, bóng đá châu Á phản ứng trái chiều

30/03/2020 06:45 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Hiện tại, nền bóng đá trên toàn thế giới gần như bị tê liệt vì dịch bệnh Covid-19. Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) mới đây đã có cuộc họp với các Liên đoàn thành viên và đề xuất các cầu thủ giảm 50% số lương để chia sẻ gánh nặng cho CLB. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn có nhiều ý kiến trái chiều.

V-League tạm nghỉ, các CLB 'rối' chuyện lương cầu thủ

V-League tạm nghỉ, các CLB 'rối' chuyện lương cầu thủ

LS V-League 2020 tạm nghỉ, bóng chưa biết ngày nào lăn trở lại, các CLB cũng tập cầm chừng hoặc tính đến phương án cho nghỉ, tạm dừng thời gian tùy theo tùy hình. Một vấn đề đáng lưu tâm là chuyện lương của cầu thủ trong tình hình khó khăn hiện nay.

Hiện tại, sau khi xuất hiện ca nhiễm Covid-19 ở quốc gia mình, 2 Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á còn sót lại vẫn cho tiến hành thi đấu giải VĐQG là Lào và Myanmar cũng đã chính thức thông báo trì hoãn. Như vậy tất cả 11/11 thành viên của Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á đưa ra quyết định tạm hoãn giải đấu.

Tuy cùng chung cách ứng xử với dịch bệnh và cùng lắng nghe cuộc họp của FIFA nhưng nhiều Liên đoàn thành viên bóng đá châu Á vẫn chưa quyết giảm lương cầu thủ như đề xuất. Cụ thể, Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp Malaysia (PFAM) không đồng ý đề xuất giảm tiền lương chi trả cho cầu thủ như đề xuất của Liên đoàn bóng đá Malaysia. Chủ tịch PFAM Safee Sali cho biết cầu thủ còn nhiều mối lo và có nhiều gánh nặng từ người thân xung quanh nên đề nghị này khó thành hiện thực.

Trong khi đó, ở Việt Nam, đa số các CLB như Sài Gòn hay B.Bình Dương vẫn chưa có kế hoạch giảm lương của cầu thủ vì lo ngại ảnh hưởng đến tinh thần của họ. So với Malaysia, mức lương của cầu thủ Việt Nam thấp hơn rất nhiều lần và ít nhất trong tháng 5 tới, tình hình mới có thể thay đổi nếu các giải đấu tiếp tục trì hoãn.

Còn tại Thái Lan, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) Somyot Poompanmuang đã thông báo giảm lương đồng loạt đến 50% của hơn 100 nhân viên đang làm việc cho FAT và Công ty tổ chức giải Thai-League.

Chú thích ảnh
Do ảnh hưởng của Covid-19, J-League 2020 sẽ không có đội bóng xuống hạng.

Nhiều CLB Thái Lan chưa thực hiện hành động tương tự Chủ tịch FAT nhưng Port FC, CLB hạng 3 Thai-League 1 năm ngoái, đã chính thức sa thải HLV trưởng Chokthawi Phromrat cùng 2 trợ lý. Lãnh đạo CLB này lý giải sở dĩ họ hành động điều đó bởi hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19 khó khăn và việc cắt giảm 3 nhân sự này giúp CLB tiết kiệm mỗi tháng đến gần 370 triệu đồng.

Tại Australia, các cầu thủ đang chơi ở giải VĐQG nước này đã có hành động đẹp khi chấp nhận giảm 50% lương để chia sẻ cùng CLB. Tình hình này sẽ kéo dài đến cuối tháng 5. Nếu giải đấu trì hoãn lâu hơn thời gian này vì dịch bệnh, các cầu thủ thậm chí sẽ đồng ý giảm đến 70% mức lương.

Còn Nhật Bản, nền bóng đá hàng đầu châu lục đã thông qua phán quyết lịch sử khi mùa bóng 2020 sẽ không để đội bóng nào phải xuống hạng và chỉ cần mùa giải đi được 3/4 chặng đường thì 2 đội bóng có thứ hạng cao nhất ở giải hạng Nhì sẽ tự động được thăng hạng.

Với việc không đội bóng nào phải xuống hạng ở mùa giải 2020, thì sang tới mùa giải 2021, giải VĐQG Nhật Bản sẽ tăng từ 18 đội lên thành 20 đội, và từ 2 suất lên thành 4 suất xuống hạng.

Ở Hàn Quốc, mùa giải 2020 dự định diễn ra vào cuối tháng 2 đã bị hoãn vô thời hạn. Tuần tới, người làm bóng đá Hàn Quốc sẽ họp để bàn bạc thêm. Trước mắt, các CLB đã tập luyện trở lại và cũng như Nhật Bản, Trung Quốc, cầu thủ ở đây chưa nhận được đề nghị giảm lương từ CLB.

So với những nền bóng đá ở châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào tiền bán vé, doanh thu bản quyền truyền hình và trả cho cầu thủ mức lương khổng lồ, các CLB châu Á có vẻ vẫn chưa rốt ráo đề xuất cầu thủ giảm lương để chia sẻ gánh nặng cùng đội bóng.

Việt Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm