F1 trở lại Florida sau 63 năm: Hứa hẹn một chặng đua tuyệt vời nhất

04/05/2022 14:52 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Sáu năm sau khi Liberty Media sở hữu giải đua Công thức 1 (F1), một chặng Grand Prix cuối cùng cũng trở lại Florida, đánh dấu sự trở lại của F1 ở đây kể từ lần gần nhất vào năm 1959.

Đua Công thức 1: Những quy định ít người biết về các tay đua F1

Đua Công thức 1: Những quy định ít người biết về các tay đua F1

Được góp mặt ở một mùa giải F1 là niềm vinh dự của rất nhiều tay đua trên thế giới. Nhưng con đường đến với chiếc vô-lăng phía sau các xe đua tân tiến không hề bằng phẳng chút nào cùng những yêu cầu khắt khe dưới đây.

Ngày 12/12/1959, tại chặng United States Grand Prix ở Sebring, Florida, Bruce McLaren, người New Zealand, đã lao qua vạch đích trên chiếc Cooper T51 của mình, trước tay đua người Pháp Maurice Trinticy chưa đầy một giây. Đây là chiến thắng F1 đầu tiên của McLaren, khi đó mới 22 tuổi, trong sự nghiệp lái xe và nhà sáng tạo xe đua.

Đồng đội của McLaren, Jack Brabham, đã có một vòng cuối hơi khó khăn hơn một chút. Đoạn phim được lưu trữ cho thấy anh hết xăng và sau đó đẩy xe qua vạch ở vị trí thứ 4 tại Sebring, chặng đua cuối cùng của mùa giải F1. Brabham giữ vững vị trí dẫn đầu trên bảng xếp hạng F1 và giành chức vô địch bất chấp sự cố.

Kết thúc lộn xộn đó đánh dấu lần cuối cùng một vòng đua F1 diễn ra ở Florida trong hơn 60 năm. Như đã biết thì sau khi tập đoàn truyền thông đại chúng Liberty Media mua lại F1 vào năm 2016, một chiến dịch để đưa F1 trở lại Florida đã được tiến hành. Thậm chí, F1 đã làm việc với ông chủ của Miami Dolphins, Stephen Ross để tìm một vị trí lâu dài cho các chặng đua trong khu vực Miami.

Nỗ lực này ngay lập tức gây tranh cãi, vì nhiều người Miami phản đối sự trở lại của F1, với lí do lo ngại về tiếng ồn và ô nhiễm quá mức. Mất 3 năm đàm phán, F1 cuối cùng đã kí một thỏa thuận kéo dài 10 năm, theo đó họ sẽ tổ chức các chặng đua vô địch hằng năm tại Miami Gardens và cung cấp cho đô thị phía Tây Bắc Miami-Dade 5 triệu USD phục vụ lợi ích cộng đồng. Và chặng Miami Grand Prix mở màn sẽ được tổ chức vào Chủ nhật, ngày 8/5 tới, tại sân vận động Hard Rock.

Kí ức một thời

Lịch sử đua xe bánh mở của Miami có từ gần 100 năm trước, với việc xây dựng đường đua tốc độ Fulford Miami bởi nhà đầu tư bất động sản và đam mê đua xe Carl Fisher. Được hoàn thành trong bối cảnh bùng nổ bất động sản phía Nam Florida những năm 1920, đường đua gỗ ở bãi biển Bắc Miami đã tổ chức một chặng đua dài 300 dặm vào tháng 2/1926 thu hút tới 20.000 người. Fisher, người đã giúp phát triển giai đoạn đầu của đường đua xe Indianapolis, tin rằng đường đua Fulford sẽ biến Miami trở thành trung tâm đua xe toàn cầu.

Chú thích ảnh
Phối cảnh đường đua Công thức 1 ở Miami, Florida, nơi sẽ diễn ra chặng thứ 5 của mùa đua năm nay

Theo Paul George, nhà sử học của Bảo tàng HistoryMiami, "Mọi điều đều đã xảy ra trong thời đại đó. Đó không gì khác ngoài một Miami đầy sức hút, thu hút khách du lịch, các nhà đầu tư trong bối cảnh bất động sản tăng cao. Vào những năm 20, điều đó thật điên rồ. Miami, Greater Miami, đã là một địa điểm du lịch nổi bật mang đến tất cả các loại sự kiện - đua ngựa, đua chó, các trận đấu bóng đá".

Thế rồi trận bão lớn Miami vào tháng 9/1926 đã quét sạch đường đua, cùng với vô số diễn biến khác ở Nam Florida. Cơn bão là một trong những cú đánh cuối cùng vào bong bóng bất động sản địa phương, vốn đang chớm nở do cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng đường sắt.

Trong thời đại đua xe hiện đại, bối cảnh bánh xe mở ở Miami phát triển không ngừng. Một loạt các chặng đua của Giải vô địch các cuộc đua xe đồng đội (CART) được tổ chức trên đường trường tại Công viên Tamiami vào giữa những năm 1980, tại Công viên Bicentennial vào năm 1995 và tại Công viên Bayfront từ năm 2002 đến 2003. Homestead Miami Speedway là nơi tổ chức các sự kiện CART và IndyCar trong 15 năm liền sau khi mở cửa vào năm 1995.

F1 xuống đường

Miami Grand Prix diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với F1 ở Mỹ, khi sự nổi tiếng của thương hiệu này đang tăng lên nhanh chóng ở các tiểu bang. Xếp hạng trung bình của ESPN cho mùa giải F1 năm 2021 đã tăng hơn 50% so với cùng kỳ các năm trước. Lượng người xem còn tăng vọt hơn nữa trong năm nay, với các chặng đua từ mùa giải 2022 giành được một số vị trí cao nhất trong tỉ lệ rating ở Mỹ. Không có gì ngạc nhiên khi tháng Ba vừa qua, F1 thông báo một chặng đua ở Las Vegas sẽ được bổ sung vào năm 2023 - đánh dấu năm đầu tiên kể từ đầu những năm 1980, 3 chặng đua ở Mỹ sẽ được tổ chức trong một mùa giải.

Theo phóng viên Maurice Hamilton, ngoài thuyết âm mưu xung quanh sự hồi sinh của Red Bull trong năm 2021 và việc F1 thay đổi hoàn toàn thiết kế động cơ trong năm nay, việc F1 ngày một nổi tiếng ở Mỹ có thể là do "cái nhìn cởi mở hơn của Liberty Media về cách quảng cáo F1 nên được quảng bá như thế nào".

Được biết thì ngoài F1, Liberty Media còn sở hữu Atlanta Braves, Đài phát thanh vệ tinh SiriusXM và công ty quảng bá sự kiện LiveNation, cùng các tài sản khác. (Công ty được kiểm soát bởi John Malone, một người theo chủ nghĩa tự do tự cho mình là một trong những chủ sở hữu đất tư nhân lớn nhất ở Mỹ. Ông từng là kĩ sư điện tại Phòng thí nghiệm Bell vào những năm 1960 trước khi đảm nhận vị trí Giám đốc điều hành của công ty truyền hình cáp Tele-Communications Inc. và vươn lên hàng ngũ những giám đốc điều hành truyền thông giàu có nhất quốc gia).

Chú thích ảnh
Lần gần nhất một chặng đua F1 diễn ra ở bang Miami là năm 1959, tổ chức tại Sebring

Trước khi Liberty Media mua lại F1, Bernie Ecclestone được cho là đã thắt chặt thương hiệu và giúp F1 phát triển thành một môn thể thao trị giá hàng tỉ USD với lượng người xem truyền hình toàn cầu. Tuy nhiên theo Hamilton, Ecclestone đã cố gắng giấu kín những vấn đề chính trị và hoạt động bên trong của F1.

Hamilton cho biết: “Trước khi có vụ mua lại, các hãng đã phải trả rất nhiều tiền để có thể quay được bất cứ thứ gì. Liberty Media đã xóa bỏ quy định này ngay lập tức. Và họ đã khuyến khích mọi người đến và quay phim".

Hamilton cho biết, dưới quyền sở hữu của Liberty Media, F1 đã ủy quyền cho Netflix thực hiện loạt phim nổi tiếng Drive to Survive, bộ phim đã giúp phổ biến giải F1 vốn thống trị ở châu Âu đến khán giả Mỹ. Loạt phim bao gồm các cuộc phỏng vấn chuyên sâu với các thành viên trong mỗi đội đua và biên niên sử về hậu trường phim truyền hình và những trò hề giữa chặng đua.

Hamilton phỏng đoán: "Họ có quyền truy cập không giới hạn vào các đội đua. Vào thời của Bernie Ecclestone, điều đó chưa từng được nghe đến, chỉ đơn giản là sẽ không được phép. Điều đó đã tạo cho F1 một diện mạo mới, điều mà trước đây nó không thực sự có". Và Hamilton nói thêm: "Thời điểm Miami Grand Prix xuất hiện thật phù hợp và hoàn hảo theo quan điểm đó".

Sergio Perez sẵn sàng giải nghệ nếu F1 mở rộng lịch thi đấu

F1 vẫn có cơ hội phá kỉ lục về số chặng đua nhiều nhất trong một mùa giải, với 23 chặng đua ​​trong mùa giải này nếu như chặng Russian Grand Prix dự kiến ​​diễn ra vào tháng 9 tới được thay thế. Thỏa thuận Concorde hiện tại giới hạn số lượng chặng đua là 24 chặng trong một mùa, sẽ được nâng cấp tối đa vào mùa giải tới, và lợi ích thương mại của việc vượt quá 24 chặng đua đang ngày càng có nhiều triển vọng đối với các đội đua và F1.

Tuy nhiên, các tay đua và nhân viên làm việc bằng cách di chuyển khắp thế giới không quá hứng thú với việc mở rộng lịch trình vốn đã dày đặc của họ. Sergio Perez của Red Bull gần đây đã tiết lộ rằng anh sẵn sàng sẽ từ bỏ môn thể thao này nếu họ muốn mở rộng lịch đua hơn nữa.

Trên trang The Athletic, tay lái người Mexico cho biết: "Hiện tại, về cơ bản, anh đang đắm chìm vào nó bởi vì chúng tôi có rất nhiều chặng đua. Chúng tôi có các buổi đua giả lập trước mỗi sự kiện. Chúng tôi có các sự kiện đối tác. Vì vậy, về cơ bản chúng tôi không có thời gian dành cho bản thân và gia đình. Tôi có một vài đứa con. Tôi nghĩ nếu lịch mở rộng nhiều hơn, thì tôi chắc chắn sẽ không chịu được".

Vậy mà trước đó, Giám đốc điều hành F1 là Stefano Domenicali có tuyên bố rằng, tất cả đang muốn có thêm những chặng đua mới, đến mức họ có thể tổ chức 30 chặng đua mỗi mùa.

Mạnh Hào

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm