Đội tuyển Trung Quốc: Mới thắng một trận, đừng vội mơ World Cup

24/03/2017 09:55 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Người Trung Quốc đang sốt xình xịch với chiến thắng 1-0 trước đội láng giềng Hàn Quốc. Nhưng hãy nhớ rằng, đây mới là trận thắng đầu tiên của họ ở vòng loại thứ ba khu vực châu Á. Tấm vé dự World Cup 2018 vẫn còn xa lắm

Dù vừa chấm dứt chuỗi 5 trận chỉ hòa (2) và thua (3) bằng chiến thắng 1-0 trước Hàn Quốc tối qua,Trung Quốc vẫn xếp 5/6 đội ở bảng A, và không có nhiều hy vọng giành vé tới Nga.

Không nhiều hy vọng tới Nga

Trên bảng xếp hạng FIFA, Trung Quốc đứng thứ 86 thế giới và thứ 9 châu Á. Nhưng điều quan trọng hơn cả không phải là thứ hạng mà là khoảng trống về tài năng, so với những đội bóng hàng đầu châu lục như Nhật Bản và Australia. Vấn đề là người hâm mộ và truyền thông nước này không nhận thức được thực tế ấy bởi đơn giản họ quá huyễn hoặc và tỏ ra giận dữ khi đội nhà không đạt kết quả tốt. Phản ứng ấy gần giống cách mà người hâm mộ và truyền thông nước Anh đối xử với Tam sư. Họ đặt quá nhiều kỳ vọng vào một đội tuyển thiếu những ngôi sao đẳng cấp thế giới, để rồi khi thất vọng lại chĩa mũi dùi chỉ trích.

Kể từ sau chiến tích giành vé dự World Cup 2002, Trung Quốc thi đấu cực tồi ở vòng loại. Ba kỳ liên tiếp, họ bị loại ở vòng đấu bảng thứ nhất. Lần này, tuy đi tiếp, nhưng họ cũng hú vía. Bị đối thủ nhược tiểu Hồng Kông cầm hòa 0-0 ở cả hai lượt trận, Trung Quốc bước vào lượt trận cuối với chỉ một tia hy vọng: họ phải đánh bại Qatar (đã giành vé), đồng thời 3 kết quả khác ủng hộ.


HLV Lippi vẫn chưa thể giúp Trung Quốc thắng nổi một trận ở vòng loại thứ ba

Hôm ấy, Trung Quốc thắng đội hình hai của Qatar 2-0 để chiếm ngôi nhì bảng C. Những đối thủ cạnh tranh với họ cho 4/8 đội nhì xuất sắc đều bại trận. Jordan thảm bại 1-5 trước Australia, Oman gục ngã 0-2 trên sân Iran, và đặc biệt, Triều Tiên bất ngờ ngã ngựa 2-3 trên sân Philippines. Dù đi tiếp chẳng vinh quang gì, nhưng CĐV Trung Quốc ăn mừng như phát rồ, và nghĩ đến viễn cảnh như tại Hàn Quốc năm 2002 (thực tế, khi ấy Trung Quốc thua cả 3 trận, không ghi nổi bàn nào). Vòng loại thứ ba, với những đối thủ rắn hơn đã khiến đội bóng của HLV Marcello Lippi trở về với thực tại. Họ thua Hàn Quốc, Uzbekistan, và thậm chí cả Syria, đất nước đã bị tàn phá dữ dội bởi chiến tranh.

Loay hoay với bài toán phát triển cầu thủ trẻ

Đầu năm nay, chính phủ Trung Quốc bắt đầu siết chặt hơn việc chuyển nhượng của các CLB vì cho rằng việc đổ quá nhiều tiền mua các siêu sao nước ngoài ảnh hưởng đến việc phát triển tài năng trẻ. Những biện pháp cứng rắn ấy bao gồm cắt bớt chi tiêu và dồn phần đó sang đào tạo trẻ. Về lý thuyết, đó là những biện pháp cần thiết, nhưng phần lớn được triển khai vội vã, và có nguy cơ khiến các CĐV thất vọng hơn.

Biện pháp mạnh mẽ nhất của Tổng cục TDTT Trung Quốc là cắt số lượng cầu thủ ngoại mỗi đội có thể ra sân mỗi trận từ 4 xuống 3, và nó được đưa ra đúng vào... giữa kỳ chuyển nhượng. Thay đổi ấy ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch của các CLB khi phải bỏ một số cầu thủ ngoại đắt giá ở ngoài. Tạo cơ hội cho các cầu thủ Trung Quốc thi đấu nhiều nhất có thể mà không phải giảm lợi ích tích cực mà các cầu thủ ngoại mang lại mới là bước đi logic. Đáng lo hơn, sự thay đổi hỗn độn ấy tiếp tục chứng minh rằng bóng đá Trung Quốc tiếp tục bị chi phối bởi những quan chức chẳng hiểu gì về môn thể thao này cả.


Zhang Yuning, tài năng trẻ hiếm hoi của bóng đá Trung Quốc

Theo quy định, các CLB nhà nghề của Chinese Super League (CSL) bắt buộc phải có 1 cầu thủ nội U23 trong đội hình xuất phát và 1 trên băng ghế dự bị. Đây là một biện pháp khá được hoan nghênh bởi trong vài năm nay, các cầu thủ trẻ Trung Quốc hiếm khi được trao cơ hội thi đấu. Kể từ khi bóng đá Trung Quốc đi theo con đường chuyên nghiệp, đây là giai đoạn họ thiếu hụt tài năng nhất. Thậm chí, thế hệ được coi là thành công nhất của bóng đá Trung Quốc còn không ghi nổi một bàn thắng tại vòng bảng World Cup 2002. Trong những năm 1990 và đầu những năm 2000, những cầu thủ như Phan Chí Nghị (Crystal Palace) và Tôn Kế Hải (Man City) được đánh giá khá cao, nhưng chẳng là gì ở châu Âu.

Một đội bóng không tương lai

Đội tuyển Trung Quốc hiện tại hiếm có cầu thủ nào đủ chất lượng đứng vào đội hình dự World Cup 2002. Thế hệ hiện tại trưởng thành đúng giai đoạn bóng đá Trung Quốc rơi xuống thấp nhất vào cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, và những năm 2000, khi nạn tham nhũng gần như giết chết nền bóng đá nước này. Các tài năng trẻ ngày càng khan hiếm bởi các cặp bố mẹ - vốn có tầm ảnh hưởng đến việc định hướng con cái hơn ở phương tây – thích con mình rành thời gian rảnh để đi học hơn là chơi thể thao.

Trung Quốc giờ đang trả giá đắt cho việc bắt các đội bóng phải cho những cầu thủ U23 ra sân. Lý do: vì không quy định rõ số phút thi đấu của những cầu thủ U23 là bao nhiêu, nên các CLB đã lách luật. Họ để cầu thủ trẻ đá chính, nhưng rút họ ra chỉ sau 15 phút. Việc này không chỉ hạn chế thời gian thi đấu của các cầu thủ trên sân mà còn gây tổn hại đến sự tự tin của họ.


Trung Quốc vẫn phải dựa rất nhiều vào đội trưởng Trịnh Trí

Rốt cục, tuổi trung bình của đội tuyển Trung Quốc đang rất cao. Hiện tại, họ vẫn phải dựa rất nhiều vào đội trưởng Trịnh Trí, người sẽ 37 tuổi vào tháng Tám này. Trong danh sách được HLV Lippi công bố cho loạt trận vòng loại World Cup lần này, chỉ có 2 cầu thủ trẻ dưới 23 tuổi là Đặng Hàm Văn (22) và Giang Lưu Linh, tiền đạo trẻ đang khoác áo Vitesse Arnhem (20).

Không chỉ khó khăn ở hiện tại, tương lai của bóng đá Trung Quốc, với mục tiêu dự World Cup 2022, cũng rất mịt mờ.


Xem lại trận Trung Quốc - Hàn Quốc 1-0

Thành tích của đội tuyển Trung Quốc, từ sau năm 2002

Vòng loại World Cup

2006: Bị loại ở giai đoạn 2 (thứ nhì bảng)

2010: Bị loại ở giai đoạn 2 (bét bảng)

2014: Bị loại ở giai đoạn 2 (thứ ba bảng)

Asian Cup

2004: Á quân

2007: Vòng bảng

2011: Vòng bảng

2015: Tứ kết


Tuấn Cương
Theo Guardian


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm