Bóng bầu dục cho cô bé khuyết tật

16/11/2020 06:28 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Bị khiếm thính và rất khó kết bạn, môn bóng bầu dục đã mang lại cho Mai, một vận động viên bóng bầu dục 13 tuổi của tỉnh Hòa Bình, nhiều niềm vui trong 2 năm qua.

Cầu thủ Việt kiều Keven Nguyễn: Cái duyên bóng đá và bóng bầu dục

Cầu thủ Việt kiều Keven Nguyễn: Cái duyên bóng đá và bóng bầu dục

Tại Việt Nam, có một cầu thủ V-League đã chuyển hóa con đường sự nghiệp của mình từ bóng đá sang tới bóng bầu dục. Đó là Keven Nguyễn.

Phải nói rằng, cuộc đời của Mai đã thay đổi khi em đến với môn bóng bầu dục thông qua một dự án với các câu lạc bộ cộng đồng do ChildFund hỗ trợ.

Thay đổi cuộc đời

Ở tuổi 13, em sống với ông bà ngoại tại một ngôi làng nhỏ ở huyện Tân Lạc, phía Bắc tỉnh Hòa Bình. Điều đáng nói là em bị khiếm thính và vì thế, xung quanh em chẳng có bạn bè gì cả. “Trước đây, Mai thường cảm thấy rất cô đơn. Cháu không có bạn bè. Ở trường, cháu thường ngồi một mình trong giờ nghỉ vì cháu không thể nghe được bạn bè đang nói gì”, bà ngoại của Mai giải thích.

Tuy nhiên, chỉ chưa đầy hai năm trước, Mai đã được mời tham gia một buổi học kĩ năng sống gắn với chơi bóng bầu dục đai thẻ do ChildFund Pass It Back, đối tác từ thiện chính của giải Rugby World Cup 2019, tổ chức. Thật không ngờ, cuộc đời em đã bước sang một chương mới.

Hiện nay, Mai đang chơi cho đội bóng bầu dục Forest Flowers và cuộc sống hằng ngày của em đã có những thay đổi đáng kể khi em có nhiều người bạn mới và trở nên tự tin hơn.

Chú thích ảnh
Bóng bầu dục đã mang niềm vui cho Mai, một cô bé bị khiếm thính

“Mai vui vẻ hơn trước rất nhiều. Bây giờ khi ở nhà, cháu rất ham học và đọc nhiều sách. Mỗi ngày sau khi ăn xong, cháu đều xung phong rửa bát. Giờ cháu đã biết chăm sóc bản thân tốt hơn”, bà ngoại em cho biết thêm. “Điều quan trọng là tính cách của cháu cũng đã thay đổi. Mai đã vui hơn kể từ khi tham gia chương trình. Cháu thích đi tập và đạp xe đến sân. Có những lúc, cháu thậm chí còn đạp xe khắp làng để xem có bạn bè nào muốn chơi bóng bầu dục không. Sau các buổi tập, tâm trạng của cháu rất tốt”.

Vượt qua các rào cản

Theo bà ngoại của Mai, gia đình đã nghĩ rằng em sẽ không thể chơi thể thao do bị khiếm thính. “Khi cháu được huấn luyện viên của ChildFund Pass It Back mời tham gia, chúng tôi đã để cháu đi nhưng không hy vọng cháu có thể học được bất cứ điều gì,” bà ngoại của em nói. “Chúng tôi chưa bao giờ thấy một đứa trẻ khuyết tật nào trong cộng đồng tham gia vào bất kì loại hoạt động nhóm nào”.

Tuy nhiên, kể từ khi Mai tham gia chương trình, các huấn luyện viên và đồng đội đã hỗ trợ cho em rất nhiều. Khi bước vào sân, em ngồi gần các huấn luyện viên trong khi thảo luận để có thể nghe họ nói gì.

Ngoài ra, các đồng đội cũng chăm sóc em rất nhiều, và bọn trẻ đến nhà em thường xuyên hơn, cũng như thường xuyên ghé qua rủ em đi học.

“Khi Mai tham gia bóng bầu dục năm 2018, em ngồi cách xa những người còn lại và không giao lưu với ai”, huấn luyện viên của Mai là Thủy cho biết. “Em học chậm hơn các đồng đội và thường xuyên làm rơi bóng. Điều đó càng khiến em cảm thấy rất thất vọng”.

“Ban đầu, một số cầu thủ không muốn để Mai thi đấu trong đội của họ. Chúng tôi đã dành thời gian nói chuyện với đội về điều này. Chúng tôi đã giúp các cầu thủ hiểu được tầm quan trọng của việc hòa nhập. Kể từ đó, họ quý trọng và giờ coi Mai như một thành viên của đội. Nhờ sự giúp đỡ của họ, Mai đã tự tin hơn rất nhiều”.

Chú thích ảnh
Mai ăn mừng với các đồng đội

"Em rất vui vì có thể là một phần của đội bóng"

Mai đã được trao cơ hội thi đấu ở giải đấu đầu tiên của mình vào tháng 11/2018. Tuy nhiên, ban đầu em rất nhút nhát và lo lắng nên không tham gia cùng đội trên sân.

Phải nhờ đến sự giúp đỡ của một trong những đồng đội của em, người đã tìm cho em một chiếc đai và gắn thẻ, đồng thời chỉ cho em cách đeo đai, rồi kéo Mai vào trận đấu.

Khi bước ra sân, Mai rất phấn khích và sự động viên của các huấn luyện viên cũng như các cầu thủ khác đã giúp em tự tin hơn. Có thể nói, đây là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời Mai, giúp em phát triển cảm giác thân thuộc, sự tự tin và lòng tự trọng.

“Em rất vui vì mình có thể là một phần của đội bóng. Em đã nghĩ rằng giải đấu chỉ dành cho những cầu thủ giỏi và khéo léo chứ không phải dành cho mình”, Mai nói.

12 tháng trôi qua, đến giải đấu cuối mùa, và Mai đã tích cực thi đấu trong nhiều trận đấu và thể hiện sự đam mê rất lớn với bóng bầu dục đai thẻ.

Cô Thủy cho biết thêm: “Trước đây, Mai cần rất nhiều người hỗ trợ để bắt đầu trận đấu hay hoạt động, nhưng bây giờ em tự chuẩn bị mọi thứ để sẵn sàng cho trận đấu, giống như các bạn cùng trang lứa”.

Trẻ em khuyết tật thường phải đối mặt với nhiều thách thức do sự phân biệt đối xử khiến chúng không có cơ hội cho thấy một vai trò tích cực trong cộng đồng.

Được World Rugby và Asia Rugby hỗ trợ, các huấn luyện viên của ChildFund Pass It Back đang đưa ra một dự án mới trong cộng đồng. Khi họ tích cực tìm kiếm và chào đón những người chơi như Mai, họ cho thấy một quá trình hòa nhập để những người khác noi theo. Thông qua các hành động của mình, họ chứng minh rằng tất cả trẻ em và thanh thiếu niên, bao gồm cả những người khuyết tật, phải được công nhận và duy trì các quyền của họ. Dự án các câu lạc bộ bóng bầu dục cộng đồng này đã mang đến một nền tảng bền vững để giúp trẻ em hòa nhập và đảm bảo rằng, các huấn luyện viên không chỉ huấn luyện bóng bầu dục mà còn dạy các kĩ năng sống quan trọng khác.

Và những cô gái trẻ như Mai có khả năng làm giàu cuộc sống của chính mình và đóng góp có giá trị cho cộng đồng của các em. Các em chỉ cần một cơ hội, và sự khích lệ, sự tôn trọng trong suốt chặng đường.

Dự án ChildFund Pass It Back ra đời năm 2015 nhằm mục đích dạy cho các bạn trẻ tuổi từ 9 đến 16 kĩ năng sống. Ngoài Việt Nam mà cụ thể là Kim Bôi và sau này là huyện Tân Lạc ở tỉnh Hòa Bình, ChildFund Pass It Back có mặt ở 5 quốc gia khác là Lào, Timor Leste, Philippines, Nhật Bản và Fiji.

Đại sứ New Zealand: “Đây không đơn thuần là thể thao"

Đại sứ New Zealand tại Việt Nam, bà Wendy Matthew cho biết: "Người New Zealand rất đam mê bóng bầu dục và chúng tôi tự hào là những người ủng hộ chương trình 'Pass It Back' tại Hà Nội. Chương trình này không chỉ đơn thuần là thể thao, mà còn phát triển các kỹ năng sống quan trọng cho trẻ em trai và gái. Cả trong và ngoài sân cỏ, những thanh thiếu niên đang tham gia chương trình đã xây dựng sự tự tin, kỹ năng làm việc nhóm và học hỏi để tạo ra các cộng đồng gắn kết và gắn bó hơn”.

Mạnh Hào

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm