15 năm Bùi Giáng về trời: Một người điên kỳ dị

15/09/2013 07:02 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Hôm qua, 14/9, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM kết hợp với gia tộc họ Bùi (Vĩnh Trinh, Duy Xuyên, Quảng Nam) đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học về thi sĩ Bùi Giáng nhân giỗ 15 năm của ông.

Có 20 tham luận của các nhà nghiên cứu viết về Bùi Giáng được trình đọc trong dịp này cũng như hàng ngàn trang khác đã viết về ông. Theo thống kê chưa đầy đủ, sự nghiệp cầm bút của Bùi Giáng đã để lại khoảng: 25 tập thơ; 26 công trình nghiên cứu triết học, phê bình văn học; 16 dịch phẩm. Nhưng trước hết người đời nhớ đến Bùi Giáng như một thi sĩ điên “ngao du ngày tháng” trong cõi riêng của ông.

Năng lực ngôn ngữ thâm hậu

Bùi Giáng sinh năm 1926 tại Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, mất ngày 7/10/1998 tại TP.HCM. Lúc trẻ, ông học hành bài bản với những người thầy nổi tiếng: Lê Trí Viễn, Cao Xuân Huy, Trần Đình Đàn, Hoài Thanh, Đào Duy Anh... Một thời ông sống bằng nghề dạy học tại Sài Gòn. Thế nhưng, Bùi Giáng đã bỏ học hai lần.

Theo nhà thơ Lê Minh Quốc: “Lần thứ nhất, năm 1950 khi có kỳ thi Tú tài đặc biệt do Liên khu V tổ chức (gọi đặc biệt vì đề thi từ Liên khu IV gửi vào và sau đó chấm luôn bài thi của thí sinh), Bùi Giáng đã thi đậu Tú tài II Văn chương rồi lên đường ra Liên khu IV để học. Nhưng sau khi đến Hà Tĩnh, ông lại quyết định bỏ học, quay về nhà đi… chăn dê.


Chân dung do Bùi Giáng tự họa, hiện đang được họa sĩ Phạm Cung lưu giữ


Lần thứ hai, năm 1952 ông thôi chăn dê ở triền núi Trung Phước, trở về Huế thi Tú tài tương đương, rồi vào Sài Gòn ghi danh Đại học Văn khoa. Nhưng sau khi nhìn danh sách các vị giáo sư đáng kính sẽ dạy dỗ mình, ông quyết định… chấm dứt việc học ở trường!”.

Tuy bỏ học ở trường nhưng sự tự học của Bùi Giáng khiến nhiều nhà nghiên cứu kính nể. GS Huỳnh Như Phương cho biết: ‘Việc ông giỏi chữ Hán, tiếng Pháp thì không khó hiểu. Nhưng chỉ 10 năm ở Sài Gòn, không qua trường lớp nào, mà ông thông thạo tiếng Anh, có thể đọc Shakespeare trong nguyên tác, và am hiểu một cách chuẩn xác, sâu sắc, khi đọc, dịch, trích dẫn Friedrich Hölderlin, Martin Heidegger, như sự xác nhận qua kiểm chứng trong thực tế của nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn, thì quả là một năng lực ngôn ngữ thâm hậu”. 

Thời trẻ, Bùi Giáng từng đi bộ đội kháng Pháp. Theo GS Huỳnh Như Phương: ‘Ông lập gia đình với bà Phạm Thị Ninh, nhưng bà mất sớm. Sau khi chịu tang vợ, vì mắt kém, sức khỏe yếu, ông xin xuất ngũ rồi vào Sài Gòn làm nghề dạy học vào năm 1952”.

Bùi Giáng điên khi nào?

Nhiều nghiên cứu cho biết: Năm 1969, sau một vụ hỏa hoạn thiêu rụi bản thảo, tranh và sách báo ở nhà trọ, Bùi Giáng phát bệnh tâm thần, phải vào điều trị ở Dưỡng trí viện Biên Hòa.

GS Huỳnh Như Phương cho rằng: “Theo lời kể của gia đình, bệnh án Bùi Giáng có ghi ông mắc bệnh “tâm thần phân liệt dạng sáng tạo chữ”. “Máu cuồng và hồn điên”, phải chăng là một tố chất nghệ sĩ? Điên là cách thoát khỏi thế giới thực tại để đi vào trong một thế giới huyễn ảo của tâm hồn. Nói cách khác, điên là lìa xa thế giới của người, ẩn sâu vào thế giới của mình, không còn bị gò bó, vướng bận…

Điên như Bùi Giáng có hai cái lợi. Một mặt, ông không tùy thuộc vào đời sống vật chất, không theo những quy ước thông thường của con người xã hội. Mặt khác, ông có thể phóng mình vào thi giới của mình, một thi giới mang ít nhiều ảnh tượng của hiện thực nhưng lại do chính ông tái tạo và chế biến. Có thể nói ông là đấng toàn năng, là hoàng đế trong thế giới của riêng ông”.

Thế nhưng, theo nghiên cứu của Lê Minh Quốc, Bùi Giáng đã điên trước đó khá lâu, nhất là từ ngày vợ ông sinh con khó khiến cả hai qua đời, cơn điên của Bùi Giáng càng trở nên “rực rỡ”.

Như nhận định của nhiều người, không ai có thể hiểu Bùi Giáng bằng chính ông. Ông tự nói về “bệnh điên” của mình: “Nó điên? Nhưng điên một cách vui vẻ. Bạ đâu gọi đó là mẫu thân bát ngát của con. Có kẻ bảo rằng nó giả vờ điên, thì trước hết phải đặt câu hỏi: Sao gọi là điên? Nhưng mà? Nhưng mà đó là một câu hỏi chưa hề có lời giải đáp dưới gầm trời và suốt xưa nay vậy” - Ngày tháng ngao du, NXB An Tiêm, 1971.

HOÀNG NHÂN
Thể thao & Văn hóa

Tôi chấp thuận trăm lần trong thổn thức

Tôi bàng hoàng hốt hoảng những đêm đêm

Tôi xin chịu cuồng si để sáng suốt

Tôi đui mù cho thoả dạ yêu em.

(thơ Bùi Giáng)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm