Thể thao & Văn hóa và báo chí thể thao đương thời

19/08/2022 05:51 GMT+7 | Thể thao

Cách đây hơn 10 năm, khi còn dẫn dắt đội tuyển bóng đá Việt Nam, HLV Henrique Calisto từng thông báo không hợp tác với 3 tờ nhật báo thể thao, với lý do được đưa ra là bất đồng quan điểm. Theo đó, ông Calisto từ chối trả lời phỏng vấn khi trong số các phóng viên tham gia đặt câu hỏi có sự hiện diện của đại diện 3 tờ nhật báo kể trên, và phải một thời gian dài sau đó HLV người Bồ Đào Nha mới gỡ bỏ “lệnh cấm vận” này.

Thể thao & Văn hóa: Hành trình đi tìm sự khác biệt

Thể thao & Văn hóa: Hành trình đi tìm sự khác biệt

Không lúc nào mà báo chí thể thao lại đang chịu một sự đào thải khủng khiếp như hiện nay với sự bùng nổ của mãng xã hội và xu hướng cá nhân hóa trải nghiệm. Nhưng cũng như bản chất của thể thao, báo chí cũng ở trong một cuộc hành trình Nhanh hơn - xa hơn và cao hơn.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, nếu HLV Calisto muốn ban hành một thông báo từ chối hợp tác như trên thì đấy sẽ là một nhiệm vụ bất khả thi, bởi số báo giấy chuyên về thể thao ở Việt Nam bây giờ chỉ còn 2 tờ, mà thực sự chuyên về thể thao và bóng đá thì chỉ còn Thể thao & Văn hóa (TT&VH), còn hầu hết các tờ báo thể thao khác hoặc trở thành tuần báo hay tạp chí, hoặc chuyển qua báo điện tử.

Đã qua rồi cái thời mỗi buổi sáng ở sạp báo có gần chục đầu nhật báo thể thao và để chọn được tờ nào ưng ý giữa ngần ấy tờ báo cũng chẳng phải nhiệm vụ đơn giản. Việc báo in dần dần vắng bóng trong đời sống tinh thần của độc giả không chỉ thấy ở Việt Nam mà đã trở thành xu hướng mạnh mẽ trên toàn thế giới, nhưng dù là báo in hay báo điện tử thì yêu cầu và thách thức dành cho những người sản xuất nội dung vẫn không có gì thay đổi, thậm chí còn có thể nói rằng để trở thành một phóng viên báo điện tử đúng nghĩa lại đòi hỏi kỹ năng cao hơn và tốn kém hơn rất nhiều so với phóng viên của một tờ báo in.

Nếu như cách đây hơn 10 năm, nhiệm vụ của phóng viên báo in chỉ là gửi bài viết cho người biên tập rồi có thể kết thúc phần việc của mình, thì bây giờ câu chuyện lại hoàn toàn khác, bởi phóng viên báo điện tử phải tham gia rất sâu vào công tác sản xuất nội dung, từ viết tin bài cho tới chụp ảnh, hay quay dựng video hoặc cả livestream khi cần.

Sự bùng nổ của mạng xã hội càng khiến áp lực dành cho phóng viên báo điện tử trở nên ngặt nghèo hơn nữa, và vì thế cách thức tác nghiệp cũng phải có sự thay đổi tương ứng. Bây giờ không còn chuyện phóng viên ung dung ngồi gỡ băng ghi âm sau khi kết thúc họp báo mà phải hoàn tất phần việc của mình cùng thời điểm cuộc họp báo diễn ra, và khi cầu thủ hoặc HLV đứng dậy thì cũng là lúc phóng viên xong xuôi bài phỏng vấn.

Chú thích ảnh
Nhà báo Hoàng Linh tác nghiệp tại hiện trường

Vấn đề hình ảnh cũng vậy, lựa chọn phổ biến bây giờ là phóng viên báo điện tử vừa viết bài vừa chụp ảnh để có thể minh họa thật chính xác cho những ý tưởng mà mình muốn truyền đạt trong bài viết, hoặc thậm chí có nhiều ý tưởng được khám phá và hiện thực hóa chỉ nhờ sự xuất hiện của một bức ảnh.

Việc một phóng viên phải kiêm nhiệm thêm nhiều công việc khác nhau trong thời buổi báo điện tử lên ngôi mặt khác cũng đem đến nhiều thách thức trong quá trình tác nghiệp ở các giải đấu có quy mô thế giới hoặc châu lục. Sở dĩ nói thế bởi ở các giải đấu tầm cỡ quốc tế thế này thì luôn có sự phân chia rất rõ ràng về mặt chức năng nhiệm vụ của phóng viên, chẳng hạn như phóng viên ảnh được phép xuống sân tác nghiệp nhưng không được tham dự họp báo, còn phóng viên viết được quyền tham dự họp báo nhưng không được phép sử dụng máy ảnh…

Vì thế, để hoàn thành nhiệm vụ ở những giải đấu như thế này là một thử thách không nhỏ với phóng viên báo điện tử, nhất là trong thời buổi cạnh tranh thông tin gay gắt như hiện tại.

Thêm một thử thách khác nữa dành cho phóng viên báo điện tử là sự lên ngôi của mạng xã hội đã kéo theo trào lưu làm fanpage của các tờ báo hoặc trang tin, và một trong những cách thức gia tăng lượng người theo dõi lớn nhất cho các fanpage chính là tiến hành livestream ở những sự kiện thể thao hoặc bóng đá được nhiều người quan tâm.

Thế nhưng, vấn đề cũng chính là ở đây, bởi tại các giải đấu hàng đầu châu lục như Asian Cup hay VCK U23 châu Á thì việc livestream tại sân vận động là không được phép, và lý do được đưa ra là để bảo đảm quyền lợi của những đơn vị mua bản quyền hình ảnh của giải đấu. BTC những giải đấu này không chỉ đưa ra các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt để ngăn chặn việc livestream mà họ còn sẵn sàng thực hiện những hành động rất mạnh tay nếu phát hiện vi phạm, chẳng hạn như tịch thu điện thoại vừa được sử dụng livestream hoặc tước thẻ tác nghiệp của phóng viên.

Chú thích ảnh
Các sạp báo cứ thưa dần những đầu báo giấy. Ảnh: Nguyễn Hòa

Cũng vì việc livestream bị cấm ngặt nên phóng viên ảnh khi tác nghiệp dưới sân không được phép sử dụng điện thoại di động để quay chụp, ngay cả ở thời điểm trận đấu đã hoàn toàn kết thúc và trên khán đài chỉ còn các CĐV ăn mừng.

Với quá nhiều thách thức như vậy, công việc sản xuất nội dung đã đem đến cho phóng viên báo điện tử những thử thách không thể nào tả xiết, nhưng cái gì cũng có 2 mặt của nó, đôi khi việc được đặt vào hoàn cảnh khó khăn sẽ giúp phóng viên trở nên sáng tạo hơn, năng động hơn, không bị trói buộc vào khuôn đúc sẵn có.

Đấy còn chưa kể tới việc khi làm báo điện tử thì khả năng tương tác giữa phóng viên và độc giả cũng được nâng cao hơn rất nhiều, nhờ thế phóng viên có nhiều cơ hội hơn để thỏa mãn những nhu cầu thông tin của độc giả thông qua phản hồi hoặc phản ứng của họ.

Hãy tưởng tượng đơn giản thế này, khi tiến hành livestream buổi tập của một đội bóng nào đấy, nếu một hoặc một số cầu thủ nhận được sự quan tâm đặc biệt của khán giả thì nghiễm nhiên chúng ta sẽ hiểu được rằng nhu cầu thông tin của họ về những nhân vật này cao hơn hẳn so với các đồng đội khác, và từ đấy chúng ta có thể đưa ra cách thức tác nghiệp mà sẽ bám sát nhất với thị hiếu của số đông.

Huy Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm