Vũ khí hiệu quả chống COVID-19

08/04/2020 17:40 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn thế giới mà chưa có phương thuốc điều trị và vaccine ngừa virus SARS-CoV-2, giãn cách xã hội hay cách ly xã hội đang được hầu hết các nước áp dụng để ngăn chặn sự lây lan của chủng virus gây chết người này.

Dịch COVID-19: Mỹ dự phòng thêm 110.000 máy thở khi các ca nhiễm bệnh tăng chóng mặt

Dịch COVID-19: Mỹ dự phòng thêm 110.000 máy thở khi các ca nhiễm bệnh tăng chóng mặt

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7/4 cho biết chính phủ liên bang đã có 8.675 máy thở trong kho dự trữ vật tư y tế quốc gia để sẵn sàng cung cấp cho các bang cần trong bối cảnh số ca mắc bệnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tăng đột biến, và trong vài tuần tới sẽ có thêm 110.000 máy.

Với khoảng 4 tỷ người, tương đương hơn 50% dân số thế giới đang thực hiện yêu cầu ở nhà theo các quy định về cách ly xã hội, đây được xem là biện pháp tối ưu và hiệu quả để chống dịch COVID-19.   

Về cơ bản, giãn cách xã hội được hiểu là biện pháp nhằm hạn chế tiếp xúc, nghĩa là mọi người nên ở nhà, nếu phải ra đường thì giữ một khoảng cách 2m với người xung quanh, không tụ tập đông người, hạn chế sử dụng phương tiện công cộng… Các nước đang tích cực khuyến cáo người dân thực thi những biện pháp này bằng vô vàn các cách thức khác nhau. Bang Florida của Mỹ đã dùng hình ảnh một con cá sấu để nói về khoảng cách 2m khuyến cáo giãn cách xã hội. Những tấm tranh cổ động vẽ hình hai người và một con cá sấu nằm ngăn giữa họ khá hài hước, giúp người dân dễ nhớ và làm theo khuyến cáo này hơn.

Tại bang Wisconsin, miền Trung nước Mỹ, người ta còn giải thích khoảng cách 6 feet một cách đơn giản hơn, là nếu hai người đứng gần ở mức khi dang tay ra không thể chạm tay nhau thì đã đủ khoảng cách cần thiết. Có nơi thì so sánh khoảng cách này với một chiếc ghế sô-pha 3 chỗ ngồi, hay hai chiếc xe đẩy chở đồ trong siêu thị. Và cụm từ “giãn cách xã hội” đã trở thành xu hướng thời thượng trên mạng Twitter, nhất là sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng lên tiếng ủng hộ biện pháp này.   

Chú thích ảnh
Cảnh sát hướng dẫn phân luồng giao thông tại khu vực Keys, bang Florida (Mỹ) trong bối cảnh lệnh giới nghiêm được ban bố nhằm ngăn dịch COVID lây lan, ngày 27/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong lịch sử, biện pháp giãn cách xã hội đã được áp dụng hiệu quả với đại dịch cúm Tây Ban Nha (năm 1918-1919), dịch viêm đường hô hấp cấp SARS (năm 2003) ở Trung Quốc, và tại thành phố Mexico trong đại dịch cúm (năm 2009)… Trong đại dịch COVID-19, trường học đóng cửa, các điểm vui chơi giải trí ngừng hoạt động, các cơ quan và công ty giới hạn giờ làm và số nhân viên có mặt tại trụ sở, hàng loạt sự kiện thể thao, văn hóa và chính trị thu hút đông người tham gia đều phải hoãn, hủy… tất cả đều nhằm đảm bảo thực thi tốt giãn cách xã hội.   

Thông điệp từ giới chức y tế trên khắp thế giới đều thống nhất và rõ ràng: để làm chậm lại sự lây lan của virus, giãn cách xã hội là một trong những vũ khí tốt nhất hiện nay. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, nếu một người  nhiễm bệnh, sau 5 ngày có thể lây cho 2,5 người và sau 30 ngày, số người nhiễm có thể tăng lên 406 người. Nhưng nếu người đó hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm khoảng một nửa, thì sau 5 ngày, số người bị lây nhiễm chỉ còn là 1,25 và sau 30 ngày thì chỉ còn 15 người lây. Điều này cho thấy thực hiện giãn cách xã hội càng sớm, hiệu quả càng lớn.   

Chuyên gia dịch tễ học, bác sĩ đa khoa Jeff Martin ở Trung tâm y tế UC San Francisco (Mỹ) cho biết có nhiều nhân tố quyết định chỉ số lây nhiễm (tức là số người nhiễm từ một ca bệnh), gồm cách virus lây nhiễm như thế nào, người có cơ địa, thể tạng như thế nào thì dễ nhiễm, số lần tiếp xúc giữa người với nhau và thời gian tiếp xúc. Bác sĩ Martin nhấn mạnh: “Chúng ta không thể thay đổi hai nhân tố đầu – hành vi sinh học của virus hay cơ địa của các cá nhân dễ nhiễm bệnh – nhưng mỗi chúng ta có thể giảm tần suất và thời gian tiếp xúc với người khác”. Nói cách khác, giãn cách xã hội hiện là yếu  tố quan trọng nhất giúp giảm tốc độ lây lan của virus, qua đó có thể kiểm soát dịch tốt hơn. Theo chuyên gia Jeff Martin, giãn cách xã hội nên được hiểu rộng ra, gồm cả các biện pháp phòng ngừa trong môi trường như khử trùng các bề mặt thường xuyên tiếp xúc, nhằm “giãn cách” giữa con người với virus.  

Chú thích ảnh
Một khu vui chơi ở New York, Mỹ đóng cửa do dịch COVID-19 ngày 2/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Mặt khác, giãn cách xã hội còn có hiệu quả trong việc giúp giảm tải cho các bệnh viện. Các chuyên gia dịch tễ cho biết chỉ số lây nhiễm cao đồng nghĩa với tình trạng gia tăng mạnh số bệnh nhân cần điều trị tích cực, sẽ tạo gánh nặng quá sức lên hệ thống chăm sóc y tế. Khi hệ thống y tế quá tải, đồng nghĩa với nguy cơ gia tăng cao số ca tử vong. Bác sĩ Martin nhấn mạnh: “Giãn cách xã hội không chỉ là để bảo vệ chính mình, mà đó thực sự là biện pháp để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất”. Các thống kê về số ca tử vong cho thấy đa số là bệnh nhân cao tuổi và những người đang có bệnh lý nền. Nói một cách dễ hiểu, nếu bạn còn trẻ và khỏe, bạn có thể nhiễm virus và không có triệu chứng bệnh, nhưng nếu tiếp xúc gần với người dễ bị tổn thương, bạn sẽ truyền virus cho người đó, gây nhiều hệ lụy xã hội và có thể ảnh hưởng đến tính mạng của họ. Theo bác sĩ Martin, giãn cách xã hội chính là một cách để thể hiện lòng bao dung và tình thương với con người.   

Chuyên gia về bệnh dịch tại Đại học Dịch tễ và Y tế nhiệt đới ở London (Anh), tác giả cuốn “Các quy tắc của bệnh truyền nhiễm”, ông Adam Kucharski khẳng định giữ khoảng cách xã hội là cách tốt nhất để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng thực sự tồi tệ. Ông phân tích virus SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm rất cao, và đáng lo ngại là virus có thể lây lan trước cả khi xuất hiện triệu chứng. Hơn nữa, đây là một chủng virus mới và chưa ai có miễn dịch chống lại nó. Trong khi đó, bà Jennifer Nuzzo, chuyên gia nghiên cứu dịch bệnh tại Trung tâm An ninh y tế Johns Hopkins (Mỹ), cũng nhất trí rằng các biện pháp giữ khoảng cách xã hội cần được áp dụng ít nhất vài tháng.   

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại nhà ga tàu Waterloo, một trong những nhà ga đông đúc nhất ở London (Anh), ngày 20/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Kết quả nghiên cứu của  Đại học Hoàng gia London (Imperial College London) cho thấy việc thực hiện giãn cách xã hội có thể cứu sống 38,7 triệu người trên toàn thế giới. Ngược lại, nếu không thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, dịch COVID-19 có thể giết chết tới 40 triệu người trên toàn cầu, riêng ở Mỹ là hơn 2,2 triệu người. Cũng theo nghiên cứu trên, nhờ áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, tính tới cuối tháng 3 vừa qua, ít nhất 59.000 người ở 11 nước châu Âu gồm Italy, Tây Ban Nha, Áo, Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Đức, Na Uy, Thụy Điển, Thụy Sĩ và Vương quốc Anh đã tránh khỏi phải “chạm mặt thần chết”.   

Tình hình chống dịch COVID-19 ở Trung Quốc là ví dụ điển hình cho thấy hiệu quả của biện pháp này. Ở thành phố Vũ Hán (Wuhan), tỉnh Hồ Bắc (Hubei), lệnh phong tỏa quy mô lớn (mức độ cao hơn của giãn cách xã hội) được áp dụng đã khiến chỉ số lây nhiễm giảm từ 2,35 xuống gần 1. Khi chỉ số lây nhiễm là 1, số ca mắc bệnh ngừng tăng vì một người nhiễm virus chỉ truyền cho một người khác. Theo các nhà nghiên cứu của Đại học Pennsylvania (Mỹ), nếu Vũ Hán không áp đặt lệnh phong tỏa và hạn chế tiếp xúc, số ca mắc COVID-19 tại gần 350 thành phố khác của Trung Quốc sẽ tăng thêm 65%. Mô hình ở Trung Quốc đã cho thấy tầm quan trọng của giãn cách xã hội trong phòng chống dịch bệnh. Hiện lệnh phong tỏa tại thành phố tâm dịch Vũ Hán đã được dỡ bỏ, khi không còn ghi nhận ca nhiễm và tử vong mới, song các biện pháp nhằm đảm bảo giãn cách xã hội và cách ly cộng đồng vẫn được áp dụng nhằm phòng ngừa và ngăn chặn nguy cơ tái bùng phát dịch.   

Tại Italy, quốc gia có số ca tử vong cao nhất trên toàn cầu, Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza  cũng khẳng định giãn cách xã hội là vũ khí duy nhất đẩy lùi dịch bệnh. Thực tế cho thấy ở hai tỉnh thuộc vùng Lombardia, tâm dịch tại miền Bắc Italy, việc áp dụng giản cách xã hội sớm đã cho kết quả rõ rệt. Ở tỉnh Lodi lệnh cấm đi lại được ban hành ngày 23/2, chỉ 2 ngày sau khi phát hiện ca nhiễm virus đầu tiên. Cùng ngày, các ca nhiễm cũng được phát hiện tại tỉnh Bergamo, nhưng đến ngày 8/3 các biện pháp cách ly xã hội mới được áp dụng. Kết quả là  ngày 13/3, số ca nhiễm tại Bergamo đã lên tới 2.300 ca, trong khi ở Lodi số lượng ca nhiễm ít hơn một nửa, là 1.100 người.   

Tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan, Singapore, Việt Nam, Malaysia, Philippines hay Indonesia đều đang áp dụng các biện pháp cách ly xã hội ở nhiều mức độ khác nhau. Như tại Indonesia, quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới, thủ đô Jakarta triển khai giãn cách xã hội trên diện rộng, đóng cửa các trung tâm thương mại, các chợ chuyển sang bán hàng trực tuyến và các nhà hàng chỉ cung cấp dịch vụ cho khách mang đi, việc tụ họp trên 5 người bị cấm. Thái Lan coi giãn cách xã hội là “một vũ khí mạnh” để chống lại COVID-19 và đặt mục tiêu đạt 80% dân số thực hiện giãn cách xã hội. Việt Nam đã thực hiện cách ly toàn xã hội từ ngày 1/4 , trong khi Malaysia, quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 lớn nhất Đông Nam Á, với hơn 3.960  trường hợp tính đến ngày 8/4, áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc với những biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt ít nhất cho tới ngày 14/4 tới.  

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế xét nghiệm COVID-19 nhanh cho người dân tại sân bay Juanda, Surabaya, Indonesia ngày 7/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Hiệu quả của các biện pháp giãn cách xã hội là không cần bàn cãi. Tuy nhiên, để thay đổi một thói quen không phải là điều dễ dàng, nhiều nước đã áp dụng mức phạt nặng để đảm bảo biện pháp này được thực thi. Đức là ví dụ điển hình, từ ngày 2/4, người dân Đức sẽ phải nộp phạt lên tới 500 euro (540 USD) nếu đứng quá gần nhau, không đảm bảo khoảng cách an toàn tối thiểu trong giao tiếp xã hội.

Tại Nga, chính quyền Moskva đưa ra mức phạt tù lên tới 5 năm đối với những người vi phạm quy định tự cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày. Quốc hội Hàn Quốc cũng đã thông qua luật, theo đó, những người cố tình vi phạm lệnh cách ly sẽ phải đối mặt với án tù 1 năm hoặc khoản tiền phạt lên tới 10 triệu won (8.200 USD). Tại Singapore, một người đàn ông ngoại quốc không thực hiện quy định cách ly xã hội đã bị tước thẻ cư trú dài hạn đồng thời bị cấm nhập cảnh.

Theo quy định của chính quyền Singapore, bất cứ ai cố tình ngồi cạnh người khác dưới 1 mét tại nơi công cộng, hoặc đứng xếp hàng cách người khác dưới 1 mét, đều bị phạt. Mức phạt tài chính có thể lên tới gần 7.000 USD, hoặc có thể bị phạt tù tới 6 tháng, hoặc phải chịu cả hai án phạt này tùy thuộc mức độ vi phạm.   

Giới chuyên gia ước tính nếu 80% dân số thế giới thực hiện nghiêm chỉnh giãn cách xã hội, thì ngày virus SARS-CoV-2 “tuyệt chủng” sẽ không còn xa. Đó là lý do thông điệp Stay home (Hãy ở nhà) hay Keep distance (Giữ khoảng cách) bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau đã được truyền đi khắp thế giới trong những ngày toàn cầu chống dịch đại này, như một nguồn sức mạnh to lớn để con người đương đầu với “kẻ thù vô hình” COVID 19.   

Bạch Dương/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm