Vì sao người dân Palestine không rời khỏi Dải Gaza?

01/08/2014 13:30 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Những tuần qua, các cuộc pháo kích liên tục dội xuống Dải Gaza khiến cho hàng ngàn người dân Palestine thiệt mạng và hàng trăm nghìn người phải bỏ nhà tìm nơi tránh bom đạn. Nhưng quá trình trốn khỏi "nhà tù lộ thiên" này lại không phải việc dễ dàng.

Người dân Palestine chỉ biết im lặng sợ hãi rằng những xe tăng chở pháo, tên lửa các và những cuộc pháo kích ngoài kia có thể lấy đi mạng sống của mình và người thân bất cứ lúc nào. Một số khác lại nhận được các tờ rơi và các cuộc điện thoại từ quân đội Israel thúc giục nhanh chóng sơ tán cho tới khi cuộc chiến đẫm máu này kết thúc.

Nhưng họ biết đi đâu? Người dân Dải Gaza chẳng có nơi nào an toàn để trú ẩn, bởi ngay cả trường học của Liên Hợp Quốc – nơi họ tin tưởng nhất cũng vừa bị pháo kích của Israel tấn công ngày 30/7. Tồi tệ hơn, hàng nghìn người còn không có lấy một cơ hội nhỏ nhoi nhất để tồn tại trên “vùng đất chết” này.

Vậy tại sao người dân Palestine không rời khỏi Dải Gaza? Câu trả lời duy nhất: Họ không thể khi Dải Gaza bị người ta ví như một “nhà tù lộ thiên”.

Trên đất liền

Cách duy nhất hợp pháp để thoát khỏi Gaza là vượt qua biên giới chính thức giữa hai nước Israel và Ai Cập. Nhưng những lo ngại về an ninh trước đó đã khiến cả hai nước siết chặt vòng dây đối với những người có ý định vượt biên hay vận chuyển hàng hóa qua biên giới.

Cửa khẩu Kerem Shalom – cổng thương mại duy nhất của Israel và Dải Gaza, cũng bị kiểm soát bởi chính quyền Israel. Họ giới hạn những hàng hóa có thể ra vào dải Gaza, đồng thời ngăn chặn nhập khẩu những mặt hàng được cho là có thể sử dụng để làm vũ khí hoặc đào đường hầm, trong đó bao gồm cả xi măng và cốt thép, vật liệu quan trọng để xây dựng nhà cửa, đường phố. Không những thế, Israel còn cấm cửa hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của dải Gaza.

Ngay cả biên giới Rafah nối liền dải Gaza với Ai Cập, người dân cũng gặp khó khăn. Kể từ lúc lật đổ Tổng thống Hồi giáo Ai Cập Mohammed Morsi, chính quyền mới đã ra lệnh đóng toàn bộ các cửa khẩu. Thậm chí đến khi biên giới này được khai thông, quyền lợi vượt biên vẫn bị hạn chế và chỉ được áp dụng đối với một số nhóm người nhất định như các bệnh nhân và người dân có hộ chiếu nước ngoài. "Theo chính quyền biên giới Hamas, ngay cả đối với những người được phép, họ vẫn phải đứng sau danh sách 15.000 người thuộc nhóm ưu tiên. Rất rất lâu mới có thể đến lượt họ” - AP chú thích thêm.

Dưới lòng đất

Người dân Dải Gaza xây dựng nhiều đường hầm bên dưới biên giới của Israel và Ai Cập nhưng người sử dụng chủ yếu lại là lính chiến đấu hoặc các tay buôn lậu vượt biên. Bởi thế, cách đây một năm, Ai Cập đã cho phá hủy hơn 150 đường hầm phía biên giới của họ để tránh việc Hamas sử dụng hệ thống đường hầm này hỗ trợ quân đội Hồi giáo trên bán đảo Sinai của Ai Cập. Hiện giờ, đường hầm bên phía Israel là một trong những mục tiêu chính của quân đội nước này, vì Hamas vẫn lợi dụng nó thực hiện các cuộc công kích vào Israel.

Theo AP, việc phá hủy các đường hầm với Ai Cập là một đòn giáng mạnh xuống nền kinh tế của Hamas, bởi hàng nhập lậu mang lại một nguồn lợi khá lớn cho lực lượng này. Quan trọng hơn, điều này gây nên thảm họa cho người dân Gaza, khi họ hoàn toàn trông cậy vào con đường vận chuyển hàng hóa duy nhất là những đường hầm này.

Bản đồ Dải Gaza

Đường biển và hàng không

Một lí do khiến người dân Palestine không rời khỏi Dải Gaza bởi Israel còn kiểm soát các vùng ven biển của Gaza bằng cách hạn chế thuyền của người dân Palestine không được đi xa quá 6 hải lý tính từ bờ biển. Trong thời gian xảy ra xung đột, giới hạn đó rút ngắn xuống còn 3 hải lý. Sự phong tỏa trên biển của Israel không chỉ ngăn cản những con thuyền có ý định thoát khỏi hay tiếp cận vùng chiến sự này, mà còn hạn chế số lượng cá biển –  từng là một trong những thế mạnh công nghiệp của Gaza.

Các nhà hoạt động quốc tế từng cố gắng phá vỡ sự phong tỏa của hải quân bằng cách tiếp cận Dải qua đường biển. Nỗ lực lớn nhất phải kể đến là năm 2010, khi 6 con tàu tìm cách chở hàng cứu trợ từ Thổ Nhĩ Kỳ vào Dải Gaza.

Ngay cả không phận của Gaza cũng nằm trong phạm vi quản lý của Israel khi nước này không cho phép bất cứ nguồn lực nào tiếp cận dải Gaza bằng đường hàng không.

Trước đó, rời khỏi Dải Gaza không phải là điều không thể. Năm 1998, sân bay quốc tế Yasser Arafat của Gaza chính thức khai trương và mở cửa với các doanh nghiệp sau khi được đưa vào hiệp ước Oslo. Nhưng đến năm 2001, trong cuộc nổi dậy lần thứ hai của người Palestine, sân bay đã bị quân đội Israel phá hủy nặng nề và trở thành nơi hoang vu không người lui tới.

Duy Quỳnh
Theo Huffington Post

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm