Tranh cãi bất tận về Hugh Hefner: Lật lại cổ tích về ông chủ 'Playboy'

07/10/2017 07:21 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Hầu như không có xu nào trong túi, Hugh Hefner (1926-2017) bắt tay vào một dự án táo bạo và gây nhiều tranh cãi cho đến tận hôm nay. Thiết tưởng nên vẽ lại chân dung sau khi từ trần của một tỉ phú “tay không bắt giặc, sinh thời chịu nhiều đối kháng từ phía Giáo hội Thiên Chúa mà vẫn ngoan cường xây nên một đế chế xuất bản hùng mạnh.

Hugh Marston Hefner hay “Hef là con trai cả của vợ chồng Glenn Lucius Hefner và Grace Caroline Swanson, sinh ở Hoa Kỳ nhưng mang trong mình hai dòng máu Đức và Thụy Điển.

Marilyn Monroe với giá 50USD

Với tài năng chữ nghĩa ở mức tầm tầm, ông vào lính và được giữ chân cạo giấy, trước khi học đại học tâm lý ở Illinois, một môn học khá rộng vì hàm chứa cả nội dung về giải phẫu cơ thể người, nghệ thuật và sáng tác văn học.

Chú thích ảnh
Hugh Hefner 1969 với người tình là Barbi Benton giữa đàn thỏ “Bunny Girls”

May mắn cho ông ra trường đúng lúc tạp chí Esquire đang tìm một người sáng tác văn bản ngắn cho quảng cáo. Chỉ một năm sau Hef lên ghế giám đốc quảng cáo, song ông không đòi được tăng lương 20 USD (!) nên bỏ Esquire đi tổ chức mạng lưới phân phối cho Children's Activities, một họa báo cho trẻ em.

Hef tâm sự, ông không kén chọn việc, mà chỉ vươn đến tự do và công bằng như một giá trị cao nhất trong cuộc sống, do đó không nhớ đã thành lập bao nhiêu doanh nghiệp trong đời.

Ý tưởng làm một tạp chí đàn ông nảy ra hồi mùa Xuân 1953, khi xã hội Mỹ đang nhức đầu về cái gọi là “cuộc cách mạng tình dục”, và số đầu do ông viết hầu như 100% các bài cùng minh họa và ảnh chụp.

Chú thích ảnh
Số đầu của chuỗi thành công hy hữu: Hugh Hefner cầm số báo khai trương không ghi ngày tháng, vì cũng chẳng tin có số tiếp theo

Ông khoe với bố và chỉ nhận được cái bĩu môi dè bỉu, thậm chí không vay bố được đồng nào để khởi nghiệp. Mẹ ông cũng chẳng tin vào sáng kiến của con, nhưng trái lại, bà tin vào đứa con trai năng động của mình. Bà trích sổ tiết kiệm riêng, đưa con 1.000 USD.

Liệu có nên nhắc thêm một yếu tố tưởng chừng vô giá trị đối với thành công của Hef sau này? Trong gia đình ông, ai cũng mắc chứng mysophobia. Đây là một chứng bệnh tưởng, người mắc bệnh này nhìn đâu cũng thấy vi trùng hoặc dơ bẩn, như ông vua nhạc pop Michael Jackson không hề bắt tay ai hoặc chạm vào đâu là phải lấy cồn sát trùng ngay!

Hef thèm vòng tay ôm của cha mẹ mà không có, chắc chắn ông tìm một xuất bản phẩm để tạo đất sống cho các tưởng tượng bay bổng của mình. Để gây điểm nhấn, Hef mua lại bản quyền tranh “thiếu vải” của cô đào mới nổi Marilyn Monroe từ một cuốn lịch với giá 500USD, và cô đào trẻ ngày ấy cần ngay phần được chia của mình là 50 USD để thanh toán tiền nhà…

Chú thích ảnh
Để sản xuất ra “Playboy”, Hugh Hefner cá cược tất cả: Gia đình ông bán hết giường tủ lấy 400 USD, mượn được ngân hàng 200 USD, mua bản quyền ảnh cũ của Marilyn Monroe với giá 500 USD và vay mẹ 1.000 USD - một hiện tượng cộng sinh thú vị, vì Monroe làm “Playboy” nổi tiếng, và không có trang bìa táo bạo của “Playboy” thì chắc gì cô đào có giá như sau này…

Như không có ngày mai

Mỗi cuốn tạp chí đàn ông của Hef có giá khiêm tốn là 50 cent, và tổng cộng 50.000 cuốn rời nhà in ra kệ. Hôm nay có lẽ ai cũng phì cười vì tờ báo không có ngày tháng, chỉ vì ông tổng biên tập kiêm cộng tác viên duy nhất tràn trề lạc quan Hef không tin là sẽ có… số thứ 2!

Năm năm sau Playboy đạt con số 1 triệu ấn bản. Một sáng kiến độc đáo nữa của Hef là kẹp một bức ảnh khỏa thân màu vào giữa tạp chí - ở cái thời mà Hoa Kỳ khuyến khích dùng ảnh đen trắng cho tranh khỏa thân cho đỡ… nhạy cảm. Marilyn Monroe sau này thú nhận nửa đùa nửa thật, không có Playboy có lẽ chả ai thèm để ý đến côlà quả “bom sex.

Giờ thì nhà thờ thấy có trách nhiệm phải lên tiếng. Kể cũng lạ, khi họ chưa bao giờ đấu tranh cho phụ nữ bình quyền, chưa bao giờ phản đối vai trò chui rúc bếp núc của các bà nội trợ hay luật cấm phụ nữ bầu cử! Đột nhiên đại diện của Chúa Trời nơi hạ giới thấy phụ nữ bị biến thành món hàng mua bán trên chợ tình dục.

Hef mới 27 tuổi khi phát triển ra tờ Playboy, khi ông đã thấy chán những tranh ảnh khêu gợi lấp lửng của thập kỷ 1930. Playboy cần lội ngược dòng, minh chứng cho niềm vui của cuộc sống phồn thực không nhất thiết phải liên quan đến đạo đức. Nho giáo, may sao, chưa đặt chân tới Thế giới mới bên kia cái ao to Đại Tây Dương.

Ngay trong lời nói đầu, Hef công bố tôn chỉ của tác phẩm: Tình dục và vẻ đẹp, văn học và hài hước, thời sự và biếm học. Cái mà nhà thờ gọi là “khiêu dâm” chiếm một tỉ lệ rất nhỏ, và khiến người đọc đầy định kiến quên mất những bài luận văn giá trị, những bình luận về thời cuộc hay sau này là một loạt bài viết sắc sảo lên án chiến tranh do Mỹ gây ra ở Việt Nam. Khi đã rủng rỉnh tiền trong túi, Hef từng gửi máy bay riêng qua Sài Gòn để đón một chuyến trẻ em mất bố mẹ trong chiến sự, trong đó rất nhiều đứa còn uống sữa từ bình.

Ông trùm Playboy Hugh Hefner nói gì về tình dục, công việc và cuộc sống riêng?

Ông trùm Playboy Hugh Hefner nói gì về tình dục, công việc và cuộc sống riêng?

Ông trùm Playboy Hugh Hefner là nhân vật đầy màu sắc. Triệu phú này đã qua đời ở tuổi 91, song khi sinh thời ông từng được cả đàn ông và phụ nữ "thèm muốn". Hefner đã có một cuộc đời ý nghĩa và tuyệt vời đến mức trước khi trút hơi thở cuối cùng, Hefner tuyên bố: "Ngay cả trong những giấc mơ điên cuồng nhất tôi cũng không thể tưởng tượng ra một cuộc sống ngọt ngào hơn".

Những tính toán và ngẫu nhiên thần thánh

Nhìn lại những bước đi ban đầu của tỉ phú Hefner, có lẽ sẽ nhiều người đọc được bài học khởi nghiệp quý giá hơn trong các cẩm nang làm giàu nhan nhản sạp sách.

Hef tìm các sáng tác cũ đến nỗi được in ra mà không cần trả tác quyền, thậm chí của các tên tuổi như Ernest Hemingway và F. Scott Fitzgerald, những trích đoạn từ Sherlock Holmes,trong khi một truyện ngắn của John O'Hara ngày ấy đã có giá 1.000 USD và có lẽ là án tử cho Playboy.

Lại một chi tiết thú vị: Playboy lẽ ra không mang tên Playboy, mà là Stag Party (Stag là con hươu đực, biểu tượng của sức mạnh tình dục của đàn ông và có lẽ sẽ thô tục hơn nhiều). Nhưng thời ấy cũng có một báo đàn ông mang tên Stag, họ dọa kiện Hef, khiến ông mất một Chủ nhật để nhái cái tên vô hại từ chiếc ô tô của công ty Playboy Motor Car Corporation đã biến khỏi thị trường không kèn không trống trước đó ít lâu. Và thay cho biểu tượng hươu, giờ đây Playboy dùng Bunny, một con thỏ dễ thương vui vẻ trong áo đuôi tôm, dĩ nhiên cũng có ý nói đến sự mắn đẻ! 

Vậy là giá báo 50 cent, một loạt sáng kiến thần thánh cũng như chừng ấy tình cờ đã xây nên thành công độc nhất vô nhị của Hefner. Chưa số Playboy nào bị ế quá 2 tuần trên kệ. Và trái với lời thóa mạ của Giáo hội Thiên Chúa, độc giả Playboy trân trọng cả các bài viết sắc sảo, hài hước và thời sự, thậm chí nặng ký về chính trị. Vô số tạp chí đàn ông từ nghiêm túc đến tục tĩu xưa nay đi theo dấu chân của Playboy, để rồi ngấm ngầm đình bản hay lạc bước vào địa hạt khiêu dâm, không đạt được chất lượng một bản photocopy nhòe nhoẹt của Hef.

Và dù qua đời, Hugh Hefner đã để lại cho Playboy một kỷ vật tinh nghịch: Con thỏ Bunny sẽ sống lâu hơn ông chủ của nó nhiều! 

Lê Quang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm