Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức tái tranh cử: Lợi thế vào thách thức

20/06/2019 13:07 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 18/6/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bắt đầu chiến dịch vận động tái tranh cử tổng thống năm 2020. Quyết định tranh cử thêm một nhiệm kỳ tổng thống nữa, Tổng thống Trump được nhận định là sẽ có những lợi thế nhất định nhờ những thành tựu mà ông đã đạt được trong hơn 2 năm qua, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn những khó khăn và thách thức không nhỏ.

Bầu cử Mỹ 2020: Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden vượt Tổng thống Donald Trump

Bầu cử Mỹ 2020: Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden vượt Tổng thống Donald Trump

Theo kết quả thăm dò của hãng Fox News công bố ngày 16/6, ở thời điểm một năm trước cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đang nhận được nhiều sự ủng hộ hơn so với Tổng thống đương nhiệm Donald Trump.

Chính thức tái tranh cử thêm một nhiệm kỳ tổng thống

Buổi lễ khởi động chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Trump diễn ra tại sân vận động với sức chứa lên tới gần 20.000 người của thành phố Orlando, bang Florida. Đây cũng  được xem là một trong những cuộc vận động cử tri lớn nhất của Tổng thống Donald Trump.   

Đối với ông chủ Nhà Trắng, bang Florida là nơi từng góp phần quan trọng trong lần đầu đắc cử của ông hồi năm 2016 và tiếp tục được xem là bang bầu cử quan trọng có tính quyết định sự thắng, thua của ông Trump trước ứng cử viên của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.   

Phát biểu trước đám đông người ủng hộ tại thành phố Orlando ngày 18-6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra cam kết tiếp tục tạo dựng nền tảng để xây dựng nước Mỹ lớn mạnh hơn nữa. Trong bài phát biểu gần 1 tiếng rưỡi của mình, Tổng thống Trump đã dành phần lớn thời gian chỉ trích các hãng tin giả luôn tìm cách không phản ánh thực tế những gì nước Mỹ đang trải qua, cũng như phe Dân chủ luôn tìm cách đảo ngược kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 cũng như cản trở nền dân chủ và sự tiến bộ của nước Mỹ. Ông Trump cũng chỉ trích mạnh mẽ cuộc điều tra tốn kém của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller và những nỗ lực của phe Dân chủ nhằm cáo buộc nhóm vận động của ông Trump thông đồng với Nga nhằm ảnh hưởng tới cuộc bầu cử năm 2016 và cá nhân ông Trump đã cản trở công lý.  

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo trước khi rời Nhà Trắng ở Washington DC., ngày 18/6/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Trump cũng nhấn mạnh các thành tựu đã đạt được trong thời gian ông tại vị như tăng trưởng kinh tế ấn tượng, tạo ra hơn 6 triệu việc làm, tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong hơn 50 năm, bắt đầu xây dựng bức tường biên giới với Mexico, tăng cường xây dựng quân đội Mỹ, cắt giảm nhiều quy định, chỉ định nhiều thẩm phán, rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, rút quân Mỹ khỏi Trung Đông, và đàm phán lại các thỏa thuận thương mại theo hướng có lợi cho Mỹ…   

Với khẩu hiệu tranh cử mới: “Giữ cho nước Mỹ vĩ đại”, Tổng thống Trump đưa ra một số lời hứa bao gồm tiếp tục cải thiện hệ thống y tế, ngăn chặn di cư trái phép, bảo vệ quyền sở hữu và mang súng cũng như thúc đẩy nỗ lực đặt chân lên Sao Hỏa….   

Theo nhận định của giới quan sát, nhìn chung chiến dịch tái tranh cử năm 2020 của Tổng thống Trump có nhiều điểm tương đồng với năm 2016, như tiếp tục tập trung vào các chính sách nhập cư và thương mại cứng rắn, bên cạnh những chiến thuật công kích phe Dân chủ.   

Quyết định sẽ tái tranh cử thêm một nhiệm kỳ tổng thống nữa đã được ông Trump đưa ra ngay từ khi ông nhậm chức ở nhiệm kỳ đầu tiên, hồi tháng 1-2017. Đến nay, ông đã tổ chức hơn 50 cuộc vận động cử tri tại nhiều bang trên khắp nước Mỹ.

Những lợi thế…

Quyết định tái tranh cử được ông Trump đưa ra trong bối cảnh kinh tế Mỹ tiếp tục có những diễn biến tích cực, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất và tăng trưởng kinh tế cao, khiến tỷ lệ ủng hộ ông tăng vọt. Đây được xem là lợi thế lớn của ông Trump trong cuộc chạy đua với ứng viên đảng Dân chủ vào năm 2020 tới.   

Kể từ năm 2017, chính quyền Trump đã rất tích cực cải tổ nền kinh tế, khắc phục được tình trạng thất nghiệp và lạm phát, đặc biệt là xóa bỏ tình trạng thâm hụt thương mại bằng cách tái thiết lập các thỏa thuận thương mại song phương và đa phương. Theo các nhà quan sát, dấu ấn mà tổng thống Trump đạt được khá rõ nét, từ “hồi sinh” ngành công nghiệp, tạo ra nhiều việc làm, giảm gánh nặng thuế cho doanh nghiệp, thắt chặt chính sách di dân và sửa đổi các hướng đi trong chính sách đối ngoại.   

Trong hơn 2 năm qua, dưới sự chèo lái của Tổng thống Trump, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã khởi động một chu trình khác với những bước tiến mà hầu hết các chuyên gia trước đó đều tin là điều không tưởng. Để hiện thực hóa chính sách “Nước Mỹ trước tiên”, ông Trump đã đưa ra một loạt chính sách nhằm đưa nền kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt hơn. Đó là thực thi ngay lập tức những chính sách bảo hộ kinh tế, tăng cường chi tiêu cho việc xây dựng các cơ sở hạ tầng, tăng chi tiêu chính phủ, giảm thuế và nới lỏng các quy định kiểm soát các doanh nghiệp. Kết quả, bức tranh kinh tế Mỹ với nhiều gam màu sáng đã chứng minh những điểm đúng đắn trong chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Trump.   

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chiến dịch vận động tái tranh cử tổng thống tại Orlando, Florida, Mỹ ngày 18/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Nền kinh tế Mỹ đã đạt tăng trưởng tích cực và ổn định nhất trong nhiều năm qua. Bất chấp những tác động tiêu cực của thiên tai như bão lụt hay cháy rừng, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng liên tục trong năm 2018 dưới sự dẫn dắt của Tổng thống Trump, đạt mức kỷ lục 4,2% trong quý II-2018, 3,2% trong quý III-2018 và cả năm 2018 đạt 3% (ngang với mục tiêu đề ra lúc ông vận động tranh cử). Trong quý I-2019, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế ghi nhận ở mức tăng 3,2%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức 3,6%, mức thấp nhất trong 50 năm qua ở nước này. Trong khi ở thời điểm ông Donald Trump tuyên thệ nhậm chức hồi tháng 1-2017, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ là 4,7%.   

Các nhà phân tích đánh giá, thị trường việc làm ở Mỹ hiện đang sôi động hơn bao giờ hết. Nền kinh tế Mỹ đã liên tục tạo thêm nhiều việc làm người cho người lao động trong 13 tháng liên tiếp. Nhiều người thất nghiệp trước đây hiện đều đang có lựa chọn việc làm. Những người thuộc nhóm người có trình độ học vấn thấp và những người làm việc với mức thù lao thấp nhất cũng đang được tăng lương.   

Theo số liệu thống kê của một chi nhánh của Cục Dự trữ Liên bang (FED) tại Atlanta, trong tháng 3-2019, 1/4 số lao động nghèo nhất tại Mỹ có thu nhập tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2018, trong khi số liệu tương ứng của 1/4 số lao động giàu nhất ở Mỹ tăng 3%.  

Các nhà phân tích cho rằng, những thành tích trên khiến cả những người khó tính nhất cũng phải thừa nhận rằng tình hình "sức khỏe" hiện tại của nền kinh tế lớn nhất thế giới đang giúp Tổng thống Mỹ Donald Trump “ghi điểm” trước thềm cuộc bầu cử 2020. Nhiều cử cử tri Mỹ khi được hỏi đã nói rằng họ ủng hộ ông Donald Trump vì họ bị thuyết phục bởi khả năng điều hành nền kinh tế của ông chủ Nhà Trắng. 

Bên cạnh đó, trong hơn 2 năm qua, Tổng thống Trump còn ghi điểm nhờ việc thực hiện những lời hứa khi ông tranh cử, trong đó có việc thông qua một dự luật cải cách thuế, trong đó thuế doanh nghiệp đã giảm từ 35% xuống 21% và tạm thời cả thuế cá nhân cũng đã giảm, đúng như lời cam đoan của ông trước các cử tri khi tranh cử rằng ông sẽ cắt giảm thuế ở mọi mức thu nhập.   

Ông cũng từng hứa sẽ áp dụng các chính sách thương mại cứng rắn với Trung Quốc và điều này đã được ông thực hiện và nhận được sự ủng hộ của đông đảo nghị sỹ Mỹ. Nếu như chính sách dùng thuế quan để gia tăng sức ép với Mexico nhằm ngăn chặn làn sóng người nhập cư trái phép của ông Trump còn gây ra những phản ứng trái chiều trong các nghị sỹ thì ngược lại, với chính sách cứng rắn với Trung Quốc nhằm giúp Mỹ giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc, Tổng thống Trump đã nhận được sự ủng hộ cao từ các nghị sỹ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.   

Một lợi thế khác nữa đối với Tổng thống Donald Trump khi tham gia tái tranh cử là ở thời điểm hiện tại, ông đang nhận được gần như toàn bộ sự ủng hộ của nội bộ đảng Cộng hòa cho cuộc đua sắp tới. Thay vì ngó lơ ông như trong chiến dịch vận động tranh cử hồi năm 2016, thì nay nhiều thành viên đảng Cộng hòa đã và đang bày tỏ ý định sát cánh và hỗ trợ Tổng thống Donald Trump trong nỗ lực tiếp tục tại vị. Theo kết quả điều tra do Viện Gallup thực hiện, tỷ lệ ủng hộ ông Donald Trump trong nội bộ đảng Cộng hòa hiện xấp xỉ 90%. Nếu con số này vẫn duy trì được ở mức cao, ông sẽ không phải đối mặt với thách thức quá nghiêm trọng để trở thành ứng cử viên của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử năm 2020.   

Ngoài ra, nhiều nhà phân tích còn cho rằng, việc ông Donald Trump thường xuyên vận động tranh cử bằng hình thức không theo truyền thống là viết trên Twitter, cũng mang lại những thuận lợi đáng kể cho ông. Nhờ sự vận động liên tục trên mạng Twitter, lẫn cả ngoài đời thực, ông đã tạo được nhiều hiệu ứng cho hình ảnh của mình, nhất là trong giai đoạn các đối thủ bên đảng Dân chủ chưa thực sự sẵn sàng.   

Cùng với những thành công trên, Tổng thống Trump còn giành lợi thế trong cuộc đua năm 2020 tới đây khi ông vừa vượt qua "sóng gió" của cuộc điều tra do Công tố viên đặc biệt Robert Mueller tiến hành liên quan cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. Kết quả cuộc điều tra này đã phần nào phá tan "đám mây đen" bao phủ trong suốt hơn 2 năm đầu nhiệm kỳ, góp phần củng cố lòng tin của cử tri chủ chốt và sẽ được Tổng thống Trump sử dụng như một vũ khí chống lại đảng Dân chủ trong thời gian tới.  

Về đối ngoại, trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Trump đã ghi những dấu ấn ngoại giao đặc biệt quan trọng, đó là 2 cuộc gặp quan trọng với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore và Việt Nam (tháng 6-2018 và tháng 2-2019), và cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Phần Lan (tháng 7-2018)… Những chuyển động tích cực này trong chính sách đối ngoại của Mỹ năm qua đã có tác động mạnh tới cục diện tình hình thế giới, đồng thời cho thấy vị thế và vai trò cường quốc có trách nhiệm của Mỹ trên trường quốc tế.   

Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng nhận định, bên cạnh bước ngoặt trên thì trong 2 năm qua, hầu như những chuyển động trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump đa phần vẫn chỉ là nhằm thực hiện tôn chỉ “Nước Mỹ trước tiên” kể từ khi ông ra tranh cử. Việc Tổng thống Trump đảo ngược các chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm đã làm dấy lên sự hoài nghi của dư luận về vị thế của nước Mỹ trên toàn cầu. Bằng việc rút, rời Mỹ khỏi nhiều tổ chức đồng minh, nhiều hiệp ước và cam kết quốc tế, Tổng thống Donald Trump đã thay đổi hoàn toàn cách nhìn nhận của thế giới về những vai trò mà nước Mỹ đảm trách trên trường quốc tế từ trước tới nay. Những hành động này của Tổng thống Trump đã bị đánh giá là “điểm trừ” trong chính sách ngoại giao của ông Donald Trump cho đến thời điểm này.

…và khó khăn

Với một vị Tổng thống “khó đoán” như Donald Trump, lợi thế đã rõ xong khó khăn phía trước cũng là không nhỏ. Hiện nay, ông Trump vẫn còn khá nhiều khó khăn trong việc thực hiện lời hứa khi còn tranh cử hồi năm 2016. Có thể kể đến như vấn đề chăm sóc sức khỏe, hiện ông vẫn chưa thể thực hiện lời hứa từ bỏ Đạo luật Chăm sóc sức khỏe Giá phải chăng của Tổng thống Obama (Obamacare) để thay thế bằng Dự luật chăm sóc sức khỏe Mỹ (AHCA); hay một trong những mục tiêu khác mà nhà lãnh đạo Mỹ theo đuổi kể từ khi ông tranh cử là xây dựng bức tường biên giới Mỹ-Mexico thì đến nay ông vẫn chưa thể thực hiện được…   

Bên cạnh đó, với kết quả khả quan trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018 vừa qua, đảng Dân chủ hiện đang rất lạc quan vào khả năng có thể đánh bại ông Trump trong cuộc đua tranh vào năm 2020.   

Trong đường đua nhằm tái tranh cử chức tổng thống vào năm 2020, hiện Tổng thống Trump cũng đang phải đối mặt với nhiều đối thủ đáng gờm từ đảng Dân chủ, mà nổi lên hiện nay là 2 cái tên cựu Phó tổng thống Joe Biden và Thượng nghị sỹ Bernie Sanders.   

Theo kết quả thăm dò của hãng Fox News tiến hành và vừa công bố ngày 16-6 cho thấy, ông Trump đang phải đuổi theo ông Biden và 4 ứng cử viên khác của đảng Dân chủ trong giai đoạn đầu của chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020. Cụ thể, ông Biden hiện đang dẫn trước với 49% sự ủng hộ, trong khi Tổng thống Trump chỉ nhận được 39% sự ủng hộ của các cử tri. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ độc lập Bernie Sanders hiện cũng đang chiếm ưu thế hơn so với Tổng thống Trump với cách biệt là 9%. Ngoài ra, các nghị sĩ như Elizabeth Warren, Kamala Harris và thị trưởng Pete Buttigieg của South Bend, bang Indiana, cũng là những ứng cử viên đang nhỉnh hơn ông Trump từ 1-2%.   

Còn trong một cuộc khảo sát khác do hãng CBS thực hiện thì ông Biden cũng đang nhận được nhiều sự ủng hộ của cử tri Dân chủ tại các bang chiến địa như Iowa, New Hampshire và Nam Carolina, cũng như các bang đông dân tại vùng Thượng Trung Tây, nơi Tổng thống Trump từng giành chiến thắng sít sao và mang tính quyết định năm 2016. Tại đây, ông Biden nhận được 31% tỷ lệ ủng hộ của cử tri đảng Dân chủ, tiếp đó là nghị sĩ Elizabeth Warren (17%), Sanders (16%) và Kamala Harris (10%).     

Tuy nhiên, trước những kết quả thăm dò trên, Tổng thống Trump vẫn tự tin và phủ nhận kết quả của các cuộc khảo sát, đồng thời cho rằng trong năm 2016, hầu hết mọi cuộc thăm dò đều dự báo ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton sẽ giành chiến thắng, nhưng kết quả cuối cùng lại không như vậy.

TTXVN/Trọng Đức (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm