Titanic và những thảm kịch hàng hải khủng khiếp nhất trong lịch sử

14/04/2018 07:03 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Một đêm lạnh giá hơn trăm năm trước, 14/4/2012, con tàu Titanic đâm vào băng trôi trong chuyến đi đầu tiên. Tín hiệu cứu nạn khẩn cấp được phát đi trên Đại Tây Dương: Titanic - chiếc tàu hoàn hảo nhất hành tinh - đang gặp nạn.  Lời kêu cứu đã không được đáp trả kịp thời. Và thảm kịch đã diễn ra, nó chìm hẳn vào khoảng 2 giờ 30 rạng sáng hôm sau 15/4/1912.

Sau hơm trăm năm, con tàu nổi tiếng Titanic vẫn nằm dưới đáy biển Đại Tây Dương, nơi nó đã kết thúc chuyến đi đầu tiên và cũng là cuối cùng của mình. Thảm kịch đối với con tàu đến nay vẫn là lời nhắc nhở day dứt về những bất trắc tiềm ẩn trên hành trình con người chinh phục đại dương.

Thảm kịch bất ngờ

Trải qua hơn trăm năm, thảm họa mang tên Titanic đã được dựng lại đến từng chi tiết. Trong chuyến vượt biển đầu tiên, con tàu Royal Mail Ship Titanic đi từ Southampton đến New York đã đâm vào một tảng băng trôi khi đang chạy với tốc độ gần như tối đa.

Hai tiếng rưỡi sau va chạm đó, Titanic chìm xuống đáy biển Đại Tây Dương, mang theo mạng sống của trên 1.500 sinh mạng, trong tổng số hơn 2.200 hành khách và thủy thủ trên tàu.

Còn được biết đến với cái tên “Con tàu của những giấc mơ”, Titanic là đỉnh cao của tất cả thành tựu về kết cấu, kỹ thuật, thiết kế của trí tuệ con người trong kiến trúc hàng hải thế kỷ hai mươi. Đó là chiếc tàu có chi phí xây dựng tốn kém và đắt đỏ: 7,5 triệu đô la Mỹ, tương đương khoảng 180 triệu đô la theo giá trị hiện nay. Ba nghìn công nhân lành nghề nhất Belfast đã làm việc liên tục trong thời gian ba năm để chế tạo ra con tàu khổng lồ có chiều cao của ngôi nhà 16 tầng và dài gấp 2,5 lần một sân bóng đá tiêu chuẩn.

Chú thích ảnh
Hình ảnh xác tàu Titanic do tàu ngầm Mir ghi lại

Vào thời của mình, Titanic là một chiếc tàu hơi nước cực kỳ tối tân với vỏ đáy hai lớp, động cơ hơi nước được đốt nóng bởi 159 lò đốt than cùng hệ thống đảm bảo an toàn độc nhất vô nhị. Chính vì vậy, tạp chí chuyên ngành hàng hải The Shipbuilder từng ca ngợi con tàu xa hoa này là “không thể chìm”.

Đến nay, xác con tàu khổng lồ “không thể chìm” vẫn đang nằm im lìm ở độ sâu hơn một nghìn mét dưới đáy đại dương.

Thảm kịch bất ngờ với Titanic đã dẫn đến một loạt thay đổi căn bản trong thiết kế tàu thủy và luật Hàng hải sau đó. Titanic được ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất thời bấy giờ, tuy nhiên, chiếc đáy hai lớp của nó đã không thể vượt qua thử thách đầu tiên. Ngay lập tức, những chiếc tàu thủy tương tự đã được tái trang bị để tăng độ an toàn với toàn bộ phần vỏ được gia cố hai lớp và các cửa khoang kín nước hoàn toàn.

Bên cạnh đó, thay vì chỉ cần tối đa 16 chiếc thuyền cứu sinh, luật mới yêu cầu số thuyền cứu sinh trên mỗi tàu phải đảm bảo đủ chỗ cho tất cả hành khách. Các quy định về công tác cứu hộ, cứu nạn cũng được siết chặt và thực hiện thống nhất trên toàn thế giới. Nhằm đảm bảo không có tai nạn tương tự xảy ra, tháng 1-1914, cơ quan Tuần tra núi băng Quốc tế được thành lập, có nhiệm vụ theo dõi và thông báo vị trí các núi băng có thể đe dọa đến giao thông xuyên Đại Tây Dương. Cơ quan này trực thuộc Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ vẫn tiếp tục hoạt động cho đến ngày nay.

Những thảm kịch tiếp diễn

Tuy nhiên, những nỗ lực thay đổi của con người là chưa đủ để ngăn chặn các thảm kịch xảy ra. 5 năm sau sự cố với Titanic, rạng sáng ngày 6-12-1917, trên khu cảng Halifax, tàu Mont Blanc của Pháp bị lạc hướng, đâm vào một chiếc tàu của Nauy và bốc cháy. Mọi người kịp sơ tán khỏi tàu, nhưng đám đông hiếu kỳ tụ tập trên bến cảng không ai ngờ con tàu lại chứa hàng nghìn tấn vũ khí và thuốc nổ. Vào lúc 9 giờ sáng, con tàu phát nổ. Hơn 1.900 người chết, và gần như toàn bộ thành phố cảng nhỏ bé của Canada đã bị phá hủy hoàn toàn.

Chú thích ảnh
Tàu Titanic

Chiến tranh cũng là một nguyên nhân gây ra các thảm kịch hàng hải. Ngày 31-1-1945, tàu Wilhelm Gustloff chở binh lính và thường dân người Đức bị trúng ngư lôi của tàu ngầm Liên Xô trên vùng biển Baltic. Hơn 1.000 người được cứu sống, nhưng sinh mạng của 9.400 người khác đã kết thúc cùng con tàu xấu số dưới đáy biển sâu.

Trong vụ va chạm giữa tàu Dona Paz của Philippines với tàu chở dầu MT Vector vào đêm 20-12-1987, sai sót của con người được coi là lý do chính. Vụ va chạm làm bùng lên một trận hỏa hoạn lớn khiến hơn 4.300 người trên cả hai con tàu thiệt mạng, chỉ có 26 người sống sót. Điều tra sau đó cho thấy, các nhân viên trên tàu Dona Paz đang xem truyền hình và uống bia khi sự cố xảy ra.

Ngày nay, các tuyến đường biển đã trở nên an toàn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, do vô tình hoặc cố ý, danh sách các thảm kịch hàng hải vẫn ngày càng dài thêm. Ngoài các vụ tai nạn tàu thuyền đơn lẻ, những năm gần đây, Liên Hợp Quốc liên tục cảnh báo về số lượng người di cư tử nạn khi vượt biển Địa Trung Hải để tới châu Âu tăng cao chưa từng thấy. Trên những con thuyền tròng trành, cũ nát, hàng trăm, hàng nghìn người vẫn liều lĩnh vượt biển để tìm đến giấc mơ châu Âu yên bình. Chỉ rất ít trong số đó đến được đích, nhưng mỗi năm có khoảng ba đến bốn nghìn người tị nạn đã kết thúc giấc mơ dưới làn nước lạnh lẽo của đại dương.

Công tác cứu hộ, cứu nạn và các quy định về an toàn hoàng hải không ngừng được hoàn thiện, thế nhưng, biển cả chưa bao giờ là nơi bình yên đối với con người. Phải chăng, phía chân trời luôn là vùng đất mơ ước, và vượt đại dương vẫn luôn là một thách thức, một giấc mơ lớn của con người trong mọi thời đại.

"Nóng" sau hàng trăm năm

Thảm họa Titanic đã là đề tài cho hàng loạt các cuộc điều tra, kiện tụng, giả thuyết ly kì đồng thời dẫn đến các thay đổi lớn trong quy định an toàn hàng hải quốc tế. Titanic cũng trở thành bối cảnh và đề tài cho rất nhiều tác phẩm văn học, hội họa và điện ảnh.

Vụ đắm tàu Titanic đã trở thành chủ đề của nhiều cuốn tiểu thuyết mô tả những sự kiện hư cấu xảy ra trên boong tàu, như “Titanic: The Long Night” của Diane Hoh. Một số người sống sót như thủy thủ Lightoller và hành khách Jack Thayer đã viết những cuốn sách kể lại kinh nghiệm của mình.

Hai bài báo viết về chiếc tàu này là “The Secrets of How the Titanic Sank” do Justin Ewers viết ngày 25/9/2008 (nói về những nhà chuyên môn đặt lại vấn đề làm sao chiếc tàu Titanic rất sang trọng, được đóng chắc chắn để ‘không thể chìm được,’ mà lại chìm ngay trong chuyến hải hành đầu tiên); và bài “Titanic Survivor Sells Mementos to Pay for Care” do Jill Lawless viết ngày 16/10/2008 (nói về bà Millvina Dean là hành khách duy nhất còn sống, đã 96 tuổi, lúc được cứu sống, bà mới hai tháng tuổi). Nhiều cuốn sách tham khảo khác về thảm họa này cũng đã được xuất bản từ khi Titanic đắm, những cuốn đầu tiên xuất hiện chỉ sau vài tháng. 

Chú thích ảnh
Kate Winslet và Leonardo DiCaprio vai Rose và Jack trong “Titanic”

Titanic cũng là đề tài và bối cảnh của rất nhiều bộ phim nhựa và phim truyền hình như: :“A Night to Remember” (1958) và “Titanic” (1997). Bộ phim “Titanic” đạo diễn bởi James Cameron với hai vai diễn chính của Leonardo DiCaprio và Kate Winslet vai Rose và Jack, được xem nhiều nhất và trở thành một trong những bộ phim có lãi cao nhất trong lịch sử, đồng thời đã đoạt 11 trên 14 giải Oscar, ngang ngửa với bộ phim huyền thoại Ben-Hur (1959) và sau đó là “Chúa tể của những chiếc nhẫn: Sự trở về của Đức vua” (2003).

Bức thư của nạn nhân tàu Titanic được bán với giá kỷ lục

Bức thư của nạn nhân tàu Titanic được bán với giá kỷ lục

Trong thư viết gửi người mẹ vào ngày trước khi con tàu định mệnh gặp nạn, ông Holverson miêu tả những ấn tượng về con tàu với những thiết kế và trang trí nguy nga và lộng lẫy

TTXVN/Thu Hạnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm