Tiếp tục chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với vùng áp thấp

06/08/2018 21:51 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Để tiếp tục ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, ngày 6/8, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh miền núi phía Bắc tiếp tục kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; thông tin đến người dân để chủ động phòng tránh; sẵn sàng các phương án ứng phó đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân khi có tình huống xảy ra; chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với vùng áp thấp.

Đối với thành phố Hà Nội, tiếp tục vận hành các trạm bơm tiêu để đảm bảo kịp thời tiêu nước tại huyện Chương Mỹ; sẵn sàng lực lượng, phương tiện tổ chức vệ sinh môi trường phòng tránh dịch bệnh lây lan tại những khu vực nước rút; xử lý nguồn nước đảm bảo nước sạch cho người dân sử dụng, kiểm tra hệ thống điện tránh những sự cố khi cung cấp điện trở lại.

Đối với các tỉnh miền núi phía Bắc, theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất; thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết, chủ động phòng tránh; kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các hộ dân sống ven sông, suối; kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường, các sự cố, báo cáo chính quyền và thông tin đến người dân để chủ động phòng tránh. Đồng thời, các địa phương, lực lượng sẵn sàng các phương án ứng phó đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân khi có tình huống xảy ra; tổ chức lực lượng canh gác, hướng dẫn người dân và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, các đoạn đường giao thông bị ngập, sạt lở đất, có nguy cơ xảy ra đá lăn, bến đò ngang, đò dọc để đảm bảo an toàn.

Đối với các tỉnh hạ du hồ Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, tổ chức kiểm tra phương án bảo đảm an toàn hạ du khi các hồ chứa xả lũ.

Đối với các tỉnh, thành ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa, theo dõi chặt chẽ diễn biến vùng áp thấp trên khu vực giữa biển Đông, kịp thời thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện tàu thuyền biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn về mức độ thiệt hại của các tỉnh trên cả nước. Cụ thể, tại tỉnh Lai Châu, tính đến 13 giờ 5/8/2018, mưa lũ, sạt lở đất tại huyện Phong Thổ đã làm 6 người chết, 6 người mất tích và 3 người bị thương (tăng 1 người mất tích và 1 người bị thương so với báo cáo nhanh ngày 4/8/2018).

Tỉnh Bắc Kạn từ ngày 4-5/8/2018 trên địa bàn thành phố Bắc Kạn đã xảy ra mưa lớn làm 5 nhà bị ngập nước, 2 ha nuôi trồng thủy sản và 2 ha diện tích lúa bị ngập nước (hiện nay nước đã rút). Ước tổng thiệt hại khoảng 200 triệu đồng.

 Tại tỉnh Lào Cai, mưa lũ từ ngày 3-5/8 đã gây thiệt hại về mọi mặt, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống người dân. Cụ thể, về nhà ở có 97 nhà bị ảnh hưởng (82 nhà bị ngập nước; 15 nhà bị sạt lở); về nông nghiệp: 30,5 ha lúa bị thiệt hại (12,5 ha bị thiệt hại trên 70% và 18 ha bị thiệt hại dưới 30%); 0,3 ha rau ngập, hư hỏng; về thủy sản: 0,3 ha ao nuôi trồng thủy sản bị ngập, thiệt hại; Về chăn nuôi: 5 con lợn và 141 con gia cầm bị cuốn trôi. Về giao thông: Quốc lộ 4D bị sạt lở 1 vị trí với khối lượng khoảng 100 m3; Tỉnh lộ 159 bị sạt lở 3 điểm với khối lượng khoảng 1000 m3; 17 vị trí thuộc các tuyến đường huyện, đường xã bị sạt lở với khối lượng khoảng 2.180 m3. Ước tổng thiệt hại khoảng 2,6 tỷ đồng.

 Còn tại tỉnh Sơn La, theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, ngày 5/8/2018 trên Quốc lộ 279D tại Km34+210 thuộc địa phận tỉnh Sơn La đã xảy ra sạt lở ta- luy dương với khối lượng ước tính khoảng 6.000 m3 gây ách tắc giao thông. Sở Giao thông Vận tải Sơn La đã cắm biển 2 đầu tuyến, phân luồng các phương tiện và chỉ đạo đơn vị bảo trì đường bộ huy động nhân lực, thiết bị để khắc phục, dự kiến đến ngày 7/8 sẽ thông xe tạm thời.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm