Thế giới trước nguy cơ đại tuyệt chủng lần thứ 6

24/04/2019 20:22 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Có tới 1 triệu loài động thực vật đang có nguy cơ biến mất khỏi Trái Đất trước sự tàn phá thiên nhiên của con người.

Chim lạ xuất hiện ở Bát Xát - Lào Cai là Cò Nhạn có nguy cơ tuyệt chủng

Chim lạ xuất hiện ở Bát Xát - Lào Cai là Cò Nhạn có nguy cơ tuyệt chủng

Các chuyên gia sinh học Hội Bảo vệ Môi trường và Thiên nhiên Việt Nam cho biết, những con 'chim lạ' xuất hiện trên những cánh đồng lúa ở xã Bản Qua, Bản Vược (Bát Xát - Lào Cai) trong những ngày gần đây là loài Cò Nhạn.

Đây là cảnh báo được đưa ra trong một bản dự thảo báo cáo kết luận dài 44 trang của Liên hợp quốc (LHQ) về tình trạng mất đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái được hãng tin AFP ngày 23/4 tiết lộ. 

Báo cáo này tổng hợp các nội dung chính từ báo cáo lên tới 1.800 trang của Chương trình liên chính phủ về đa dạng sinh học và các dịch vụ sinh thái (IPBES) của LHQ. Các chuyên gia đã cảnh báo về tốc độ tuyệt chủng nhanh chóng của nhiều loài động, thực vật trên Trái Đất trong tương lai. Tốc độ này nhanh gấp hàng chục tới hàng trăm lần so với mức trung bình được ghi nhận trong 10 triệu năm qua.

Cụ thể, trong số 8 triệu loài động, thực vật đang tồn tại trên Trái Đất thì có tới nửa triệu đến 1 triệu loài được dự báo sẽ tuyệt chủng trong những thập kỷ tới. Nhiều nhà khoa học thậm chí đã liên tưởng rằng Trái Đất đang trong giai đoạn đầu của đợt đại tuyệt chủng lần thứ sáu trong 500 năm qua. Đợt tuyệt chủng gần đây nhất được ghi nhận là sự kết thúc của thời kỳ kỷ Phấn trắng cách đây 66 triệu năm khi có khoảng 17% số họ, 50% số chi và 75% số loài đã biến mất sau biến cố này. Báo cáo dự báo số động vật có vú hoang dã có thể sụt giảm mạnh tới 82% trong tương lai, trong khi con người và vật nuôi chiếm tới hơn 95% các động vật có vú.

Chú thích ảnh
Một cuộc đại tuyệt chủng thứ 6 đang diễn ra. (Ảnh minh họa)

Báo cáo cũng ước tính có khoảng 3/4 diện tích mặt đất, 40% môi trường biển và một nửa đường thủy nội địa trên khắp toàn cầu đã bị thay đổi nghiêm trọng. Các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là nơi mà người dân bản địa đặc biệt phụ thuộc vào thiên nhiên. Trong khi đó, dân nghèo cũng dễ bị tổn thương hơn trước tác động của biến đổi khí hậu. Gần một nửa hệ sinh thái đất và biển đã bị tổn hại nghiêm trọng do sự can thiệp của con người trong 50 năm qua.

Theo bản báo cáo, các nguyên nhân trực tiếp dẫn tới sự mất đa dạng sinh học lần lượt là tình trạng thu hẹp môi trường sống và sự thay đổi trong việc sử dụng đất đai, hoạt động săn lùng thực phẩm và buôn bán bất hợp pháp các bộ phận cơ thể, biến đổi khí hậu, ô nhiễm và sự xâm nhập của các loài ngoại lai. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân gián tiếp dẫn tới tình trạng mất đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu là dân số thế giới tăng kéo theo tăng mức tiêu thụ của con người. 

Sự biến mất của đa dạng sinh học tác động trực tiếp tới con người do con người lệ thuộc rất lớn vào thiên nhiên. Một ví dụ cụ thể là hơn 2 tỷ người phụ thuộc vào việc khai thác gỗ để có năng lượng, 4 tỷ người sử dụng thuốc chữa bệnh từ thiên nhiên, và hơn 75% cây trồng trên toàn cầu cần được thụ phấn nhờ côn trùng. 

Tài liệu này cũng nhấn mạnh tới mối quan hệ mật thiết giữa mất đa dạng sinh học với biến đổi khí hậu. Nhà khoa học Robert Watson, người đứng đầu IPBES, nhấn mạnh cần phải nhìn nhận rằng biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học đều rất quan trọng, không chỉ với môi trường, mà còn đối với các vấn đề phát triển và kinh tế. Ông cho rằng cách thức mà con người sản xuất lương thực - thực phẩm và năng lượng đang hủy hoại "những dịch vụ điều tiết" (điều tiết các đặc điểm khí hậu, lũ lụt, bệnh tật, chất lượng nước...) mà thiên nhiên mang lại. 

Báo cáo của IPBES là bản tổng hợp các kết quả nghiên cứu trong suốt 3 năm qua của 150 chuyên gia đến từ 50 quốc gia trên thế giới. Dự kiến bản thảo cuối cùng sẽ được công bố vào ngày 6/5 tới.

Phương Oanh - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm