Thế giới hơn 89 triệu ca mắc Covid-19, hơn 1,9 triệu người đã chết

09/01/2021 08:47 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang mạng worldometers.info, tính đến 8h15' ngày 9/1 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 89.321.122 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 1.920.726 ca tử vong. Hơn 63,9  triệu bệnh nhân COVID-19 trên toàn thế giới đã phục hồi.

Dịch Covid-19 ngày 8/1: Thế giới có 88.668.711 ca bệnh, 1.909.877 ca tử vong

Dịch Covid-19 ngày 8/1: Thế giới có 88.668.711 ca bệnh, 1.909.877 ca tử vong

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 8/1 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 88.668.711 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 1.909.877 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 63.742.448 người.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 378.057 ca tử vong trong tổng số  22.443.286 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với  150.835 ca tử vong trong số 10.432.525 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 201.542 ca tử vong trong số 8.015.920  bệnh nhân.

Tại Peru, Bộ Y tế nước này thông báo đã phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên ở Anh. Bệnh nhân là một công dân nữ, trước đó đã tham gia vào các cuộc họp mặt gia đình trước ngày Giáng sinh. Giới chức y tế Peru cũng bắt đầu tiến hành xét nghiệm đối với những người có tiếp xúc với bệnh nhân này.

Bộ Y tế Peru cũng cho biết trong vòng 10 ngày qua, nước này ghi nhận các ca mắc COVID-19 tăng trở lại với tốc độ chậm nhưng liên tiếp. Từ ngày 21/12/2020, Chính phủ Peru đã ra lệnh cấm các chuyến bay từ châu Âu và các chuyến kết nối với châu Âu qua nước này tới ngày 5/1, sau đó tiếp tục kéo dài lệnh cấm này thêm 15 ngày nhằm ngăn ngừa sự xuất hiện của biến thể virus mới này. Tính đến nay, Peru đã ghi nhận hơn 1 triệu ca mắc COVID-19 trên cả nước, trong đó có hơn 38.000 ca tử vong.

Chú thích ảnh

Trong khi đó, dịch COVID-19 diễn biến ngày một phức tạp tại Canada khi quốc gia Bắc Mỹ này đã có thêm 53.710 ca nhiễm mới trong 7 ngày qua, tăng 15% so với 7 ngày trước đó. Dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 16.600 người Canada trong tổng số khoảng 640.000 ca nhiễm ở nước này.

Thủ hiến tỉnh Ontario Doug Ford cho biết tỉnh này đang ở trong “tình trạng nghiêm trọng nhất” kể từ khi đại dịch COVID-19 khởi phát. Ontario ngày 8/1 ghi nhận  4.249 ca nhiễm mới, mức cao kỷ lục tính trong một ngày. Ông Ford cảnh báo hậu quả sẽ “thảm khốc hơn” nếu các biện pháp y tế công cộng bị người dân “phớt lờ” và lệnh phong tỏa trên toàn tỉnh có thể không kết thúc vào ngày 23/1 tới. Thủ hiến Ontario kêu gọi người dân phải tiếp tục ở nhà, tránh tụ tập với những người bên ngoài hộ gia đình của mình, đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách và rửa tay. Giới chức y tế Ontario cho biết tại tỉnh này, số người phải nhập viện điều trị và số người phải vào phòng chăm sóc đặc biệt đang có xu hướng tăng. Đáng chú ý là số ca nhiễm ở trẻ em đã tăng đáng kể trong nửa cuối của tháng 12/2020. Sáu ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã được xác nhận ở tỉnh này.

Trong khi đó, Quebec, tỉnh có tỷ lệ nhiễm và tử vong (tính trên 100.000 dân) cao nhất ở  Canada, ngoài biện pháp phong tỏa đã phải bổ sung thêm lệnh giới nghiêm áp đặt vào ban đêm từ ngày 8/1. Các tỉnh Alberta và British Columbia cũng gia hạn các biện pháp hạn chế để làm phẳng đường cong của dịch bệnh.

Tại châu Âu, ngoại trưởng của 13 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) vừa gửi thư ngỏ tới Ủy ban châu Âu (EC) kêu gọi hỗ trợ 6 nước đối tác phía Đông gồm Ukraine, Gruzia, Belarus, Moldova, Azerbaijan và Armenia để đảm bảo tiếp cận với vaccine ngừa COVID-19.

Litva cho biết đã khởi xướng việc viết thư gửi EC và nhận được sự đồng thuận của các ngoại trưởng của Bulgaria, Croatia, Séc, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Hungary, Latvia, Ba Lan, Romania, Slovakia và Thụy Điển. Bức thư nêu rõ: “Chúng tôi cho rằng biên giới của EU sẽ không an toàn nếu không mở rộng hỗ trợ cho các nước láng giềng gần kề của chúng tôi. Các đối tác phía Đông của chúng tôi đã nhiều lần bày tỏ sự đánh giá cao đối với sự hỗ trợ liên quan đến COVID-19 của EU và đã đề nghị được tiếp cận với vaccine một cách thuận lợi”.

Theo các bộ trưởng, các nước đối tác phía Đông sẽ nhận được sự hỗ trợ như đã cam kết với các nước Tây Balkan. Trước đó ngày 28/12/2020, EC đã thông báo rằng 6 quốc gia và vùng lãnh thổ ở Tây Balkan gồm Albania, Bosnia và Herzegovina, Kosovo, Montenegro, Bắc Macedonia và Serbia sẽ được tiếp cận sớm với vaccine ngừa COVID-19 nhờ gói viện trợ trị giá 70 triệu euro.

Trong diễn biến liên quan, Giám đốc Cơ quan y tế Hungary Cecília Müller cho biết, nước này sẽ nhận được hơn 1,7 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 từ công ty dược phẩm Moderna của Mỹ, đủ để tiêm cho 872.000 người. Bà Müller lưu ý  rằng vaccine Moderna đã được EC cấp phép tiếp thị và EU đã đặt hàng chung 160 triệu liều vaccine này. Đây là  loại vaccine thứ hai được phép sử dụng ở châu Âu.

Ngày 25/12/2020, Hungary đã bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 do hãng Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) hợp tác phát triển, cho nhân viên y tế nước này.

Hương Giang - Lê Hà- Công Thuận-Minh Châu/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm