Thế giới hơn 4,2 triệu người mắc Covid-19, hơn 287 nghìn người đã chết

12/05/2020 08:13 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 12/5 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 4.253.799 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 287.250 ca tử vong. Dịch bệnh đã lây sang 212 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Số bệnh nhân phục hồi hiện nay là 1.527.002.   

Số ca tử vong do mắc COVID-19 trong ngày tại Mỹ thấp nhất kể từ tháng 3

Số ca tử vong do mắc COVID-19 trong ngày tại Mỹ thấp nhất kể từ tháng 3

Theo số liệu thống kê mới nhất, số ca nhiễm và tử vong hằng ngày do COVID-19 tại bang New York, vốn là tâm dịch của Mỹ, đang có xu hướng đi xuống.

Mỹ đang là tâm dịch của thế giới với 1.385.834 ca nhiễm và 81.795 ca tử vong. Xếp sau Mỹ là Tây Ban Nha với 268.143 ca nhiễm và 26.744 ca tử vong, Anh với 223.060 ca nhiễm và 32.065 ca tử vong, Nga với 221.344 ca nhiễm và 2.009 ca tử vong, Italy với 219.814 ca nhiễm và 30.739 ca tử vong và Pháp với 177.423 ca nhiễm và 26.643 ca tử vong.   

Tại Mỹ, Thống đốc bang New Yok Andrew Cuomo ngày 11/5 tuyên bố cho phép 3 khu vực nông thôn phía Bắc của bang nối lại các hoạt động thường nhật vào cuối tuần này. Tuy nhiên, trước mắt sẽ chỉ có ngành xây dựng, sản xuất và bán lẻ được phép mở cửa trở lại. Trong ngày 11/5, bang New York đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 thấp nhất từ trước tới nay là 161 ca.

Đây cũng là lần đầu tiên số ca tử vong mới dưới con số 200 kể từ khi dịch bùng phát tại đây. Số ca nhập viện mới liên quan tới virus SARS-CoV-2 cũng đã xuống mức thấp nhất kể từ ngày 19/3, trước cả thời điểm New York bắt đầu áp dụng lệnh phong tỏa vào ngày 22/3.   

Tại Mexico, Bộ Y tế thông báo trong 24 giờ qua, đã ghi nhận thêm 1.305 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm lên 36.327 người, trong đó có 3.573 ca tử vong. Tỷ lệ tử vong do COVID-19 tại Mexico vẫn cao nhất châu Mỹ, ở mức 9,8%. Nguyên nhân là do trên 70% dân số nước này mắc các bệnh về đái tháo đường, huyết áp, tim mạch, thừa cân và béo phì. Dịch COVID-19 đã bước vào giai đoạn đỉnh dịch tại Mexico và dự kiến sẽ kéo dài trong vòng 3 tuần.   

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nghi mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Mexico City, Mexico ngày 23/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Về phần mình, Chính phủ Argentina đã công bố chính thức quyết định kéo dài lệnh cách ly xã hội bắt buộc ít nhất tới ngày 24/5 nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, với một số trường hợp ngoại lệ được áp dụng bên ngoài thủ đô Buenos Aires và khu vực đô thị đông dân để qua đó từng bước tái khởi động các hoạt động kinh tế xã hội thường nhật.   

Trong khi đó, Chính phủ Peru thông báo sẽ phân phát 420.000 khẩu trang y tế cho các cộng đồng thổ dân bản địa sau khi đã có ghi nhận về các trường hợp tử vong do mắc COVID-19 tại khu vực rừng rậm Amazon thuộc Peru. Ngoài ra, Quỹ Khẩn cấp Peru đã chuyển 5 triệu sol (tương đương 1,4 triệu USD) sang Bộ Văn hóa của nước này để hỗ trợ công tác tuyên truyền các thông tin cần thiết bằng ngôn ngữ của cộng đồng thổ dân bản địa liên quan đến việc phòng chống virus SARS-CoV-2.   

Peru hiện có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 cao thứ hai ở Mỹ Latinh chỉ sau Brazil. Theo các dữ liệu chính thức ngày 11/5, Peru ghi nhận tổng cộng 68.822 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 1.961 ca tử vong.    

Tại khu vực Trung Mỹ, số ca mắc bệnh tại Panama, Costa Rica, Honduras, Guatemala và El Salvador đã lên đến 13.231 người, trong đó có 402 ca tử vong, tăng tương ứng 305 ca bệnh và 3 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua.   

Tại Pháp, Hội đồng Hiến pháp đã phê chuẩn văn bản luật về vấn đề gia hạn tình trạng y tế khẩn cấp, được Nghị viện Pháp thông qua hôm 9/5. Tuy nhiên, liên quan đến việc xử lý dữ liệu y tế cá nhân phục vụ mục đích truy vết COVID-19, hội đồng đã quyết định siết chặt kiểm soát nhằm hạn chế số người có thể truy cập dữ liệu này.  

Chú thích ảnh
Chuyển một bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố sẽ ra lệnh phong tỏa các thành phố lớn, trong đó có Istanbul và thủ đô Ankara, trong 4 ngày kể từ ngày 16/5. Biện pháp này nhằm phòng COVID-19 lây lan trước thềm các hoạt động nhân ngày 19/5 tưởng nhớ người sáng lập đất nước - ông Mustafa Kemal Ataturk, và đánh dấu Ngày Thanh niên và thể thao.    

Tại châu Á, giới chức y tế Trung Quốc cho biết trong ngày 11/5, Trung Quốc đại lục đã không ghi nhận thêm ca lây nhiễm mới nào trong nước. Ca mắc COVID-19 duy nhất được ghi nhận trong ngày là ca “nhập khẩu” tại Khu tự trị Nội Mông.   

Tại Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi cho biết đang xem xét dỡ bỏ lệnh phong tỏa toàn quốc được áp dụng trong 7 tuần qua nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 lây lan. Thông tin được đưa ra trong bối cảnh quốc gia Nam Á này vừa ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 theo ngày ở mức cao kỷ lục là 4.214 ca, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 ở quốc gia Nam Á này lên 67.152 người, trong đó có 2.206 ca tử vong.   

Tại Senegal, Tổng thống Macky Sall thông báo sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế tại quốc gia châu Phi này, với việc rút ngắn thời gian giới nghiêm và mở lại các đền thờ. Theo thống kê, cho đến nay, Senegal đã ghi nhận 1.886 ca nhiễm và 19 ca tử vong do COVID-19. Dù không phong tỏa hoàn toàn, nhưng nhà chức trách Senegal đã cho đóng cửa biên giới và cấm đi lại giữa các thành phố.

Đặng Ánh/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm