Tết rồi, đi trốn... lì xì thôi!

20/02/2015 07:06 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Lên vùng cao phía Bắc. Lên Tây Nguyên. Chạy vào mũi Cà Mau. Thậm chí chịu chơi thì sang Trung Quốc, Campuchia, Lào hoặc xa hơn nữa. Với số lượng ngày càng đông trong giới trẻ, Tết Nguyên đán chính là cơ hội để thực hiện những chuyến đi xa, thay vì ngồi nhà và chờ... cái Tết đi qua từng ngày.

Đến giờ, chưa một thống kê cụ thể nào được thực hiện về độ tuổi của những người hưởng ứng trào lưu này. Nhưng, nếu để phác thảo chân dung của một “phượt thủ ngày Tết” qua các diễn đàn mạng, hẳn những thông tin sau sẽ được sự đồng thuận của thành viên: tuổi chừng 18 tới dưới 40, đã có chút kinh nghiệm hoặc đang háo hức với những chuyến du lịch bụi. Có một công việc ổn định, hoặc ít ra là một món tiền tích cóp vào dịp cuối năm. Và tất nhiên, không mặn mà lắm với cách ăn Tết truyền thống.

Muôn nẻo đường phượt

“Chẳng màng thiên hạ đón Xuân sang/ Ngựa ta lại phi giữa đại ngàn”. Câu ứng tác kiểu... con cóc của một tác giả vô danh nào đó thường xuyên được lặp lại tại các diễn đàn của dân du lịch bụi trong những ngày này. Đúng hơn, là diễn đàn của dân “phượt” - như cách gọi phổ biến trong chục năm qua. Ngựa tất nhiên là “ngựa sắt mui trần hai chỗ”, với điều kiện được bảo dưỡng đầy đủ và mang theo săm, bugi dự phòng, đồ vá xe dã chiến... trong hành trình.

So với kỳ nghỉ lễ 30/4 và ngày Độc lập 2/9, Tết âm lịch là thời điểm lý tưởng nhất, khi các điểm đến quen thuộc của dân phượt không rơi vào tình trạng quá tải. “Nếu lên Hà Giang, Mù Căng Chải hay Si Ma Cai vào dịp 30/4 mà không đặt chỗ sớm, người đi rất dễ phải loay hoay vì cảnh cháy phòng” - Bình Đức, một phượt thủ lâu năm, nhận xét. “Còn đi vào dịp Tết âm, việc tìm chỗ ăn nghỉ dễ dàng hơn nhiều. Chưa kể, đường xá luôn vắng vẻ, ít xe cộ. Đi thong thả, thư thái trong không khí đặc trưng của ngày Tết sẽ ra một cảm giác rất riêng”.


Niềm vui tràn ngập trên các nẻo đường. Ảnh: nhomphuot.com

Đức làm việc tại một ngân hàng. Vợ chồng anh lấy nhau được dăm năm, nhưng đều là người ưa xê dịch. Tết năm ngoái, với một chiếc xe Dream, họ vượt gần 500 km lên cực Tây A Pa Chải để thăm cột mốc số 0. Còn năm nay là một kế hoạch hấp dẫn hơn: bay vào Đà Nẵng, thuê xe máy rồi lên tận Ngã ba Đông Dương tại cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum). Đức kể rằng, bộ đội biên phòng ngày Tết rất hiếu khách. Tới thăm, các bạn trẻ thường mang ít bánh chưng, kẹo mứt đi góp vui, rồi ngủ lại cùng anh em một đêm để hiểu thêm cảm giác tại những vùng đất đặc biệt này.

Nhưng, không phải dân phượt nào cũng có sự chọn lựa như Đức, dù chung một thú vui. Những điểm đến quá xa với cung đường offroad (chỉ có đường mòn, không trải nhựa) đòi hỏi kỉ luật và tay lái cứng như A Pa Chải, Bắc Yên - Trạm Tấu, Tây Côn Lĩnh, Chế Tạo - Mường La... thường được dân “phượt” tìm đến vào mùa khô trong năm. Còn với hành trình thưởng Tết, những đường đèo đã trải nhựa khá đẹp, đi qua những vùng cao Tây Bắc với màu sắc rực rỡ của hoa đào, hoa ban, hoa mận... vẫn là lựa chọn hợp lý hơn.

“Chạy kiểu hành xác, thử cảm giác mạnh trong năm thì được. Ngày Tết đầu năm thì cứ tà tà nhẹ nhàng, lập cung vừa phải thôi. Vừa vãn cảnh, vừa chụp ảnh, vừa sẵn sàng tạt vào nếm thử cái Tết của bà con dân tộc là vui nhất” - Hồng Quân, một thành viên lâu năm tại trang web phuot.vn, nháy mắt nói.

Vài năm trước, Quân và nhiều thành viên từng phản ứng rất mạnh với “kì tích” của một phượt thủ phía Nam. Muốn lập kỉ lục xuyên Việt vào dịp Tết, phượt thủ này một mình rời TP.HCM vào giao thừa trên xe máy, với một bịch sữa lớn trên lưng và chiếc ống hút vắt qua vai. Chạy liên tục không nghỉ, khi nào đói thì... hút sữa, nhân vật này tới Hà Nội sau hành trình gần 30 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, cách chơi theo kiểu “lấy số” ấy lại nhận về những lời chê thậm tệ vì lý do phá sức, thiếu an toàn, và đặc biệt là... không thể mang lại cảm nhận gì về không khí Tết cho người đi.


Một nhóm phượt ở miền Nam rong ruổi lên đường

Và... xuyên biên giới

So với thú phượt bằng xe máy tới các vùng xa vào dịp Tết, việc “xuyên biên giới”, ra nước ngoài du lịch trong những ngày này giống như một dòng chảy ngầm: xuất hiện sớm hơn, lặng lẽ hơn, và... tổ chức mất công hơn nữa, bởi thông thường, những thành viên có nhu cầu thưởng Tết ở nước ngoài phải lên kế hoạch từ trước Tết ít nhất 3 tháng.

Họp mặt, thống nhất lịch trình, thu tiền tạm ứng, tìm người biết ngoại ngữ, phân công thủ quỹ và trưởng đoàn... là những việc đầu tiên họ phải làm. Chưa kể, để chuyến đi thuận lợi trôi chảy, việc săn vé máy bay giá rẻ, thuê trước nhà nghỉ, nghiên cứu hướng dẫn về điểm đến (thường là qua cẩm nang Lonely Planet) cũng phải được triển khai luôn.

Sự thực, việc tham gia các tour du lịch nước ngoài do những hãng lữ hành tổ chức vào dịp Tết cũng có thể xếp vào dạng “phượt” này. Tuy nhiên, với đa phần các bạn trẻ, việc tự tổ chức những chuyến đi “xuyên biên giới” vẫn có sức hấp dẫn hơn. Lý do nằm ở việc tiết kiệm chút ít về giá thành, sự chủ động trong lịch trình đi, tránh khỏi cảnh bị “dắt” vào các hàng lưu niệm và nhất là cảm giác “đi bụi” với những người bạn cùng lứa tuổi, cùng sở thích...

Từ phía Bắc đi Lào thăm cố đô Luong Prabang. Từ TP.HCM sang Campuchia thăm Angkor Wat, Angkor Thon. Đó là hai lựa chọn dễ chịu - khi các bạn trẻ dành ra 7 - 8 triệu đồng là có thể tham gia một cách thoải mái. Nếu cố thêm vài triệu, các thắng cảnh tại Trung Quốc là điểm đến có sức hút mạnh nhất trong vài năm trở lại đây. Chỉ cần chịu khó đi một chuyến bus nhanh 8 tiếng đồng hồ từ Hà Nội sang sân bay Nam Ninh, cộng thêm những tấm vé bay nội địa được đặt mua từ trước, các phượt thủ có thể bay tới Bắc Kinh, Côn Minh, cố đô Tây An, hoặc đi tiếp tới Phượng Hoàng cổ trấn, Đại Lý, thành cổ Lệ Giang... bằng đường bộ.

“Trung Quốc vào đầu năm khá lạnh. Đi lên Bắc Kinh, Shangrila thì hay có tuyết” - Thu Hương, một thành viên Box Du lịch (thuộc trang web www. ttvnol.com) kể - “Nhưng cảnh vật và kiến trúc bên đó thì... hệt như trong phim. Chưa kể, có những nơi vẫn cho phép đốt pháo. Mình mua một bánh pháo, đốt xong mà thấy nhớ những ngày Tết cũ tại Hà Nội vô cùng”.

Ba năm trước, Hương cùng một nhóm bạn vừa kết nối trên mạng đã có một chuyến đi nhớ đời tại thành cổ Lệ Giang (Vân Nam). Trung Quốc sử dụng tiếng Anh không nhiều, việc mua vé đi lại hay thuê phòng trọ trông cả vào một thành viên biết “tiếng Bông” (tiếng Hoa) duy nhất trong đoàn. Giờ chót, phiên dịch viên bất đắc dĩ không tham gia vì bị ốm. Cả đoàn bảy người ngập ngừng, rồi quyết định... đi liều. Vậy mà chuyến đi vẫn suôn sẻ, cho dù như lời cô kể, tất cả mọi người đều phải liên tục dùng tay chân hoặc... vẽ ra giấy để trao đổi với người bản xứ.

Không bì được vói các tour du lịch sang châu Âu, Australia, hay vùng lãnh thổ Hong Kong, Ma Cao (Trung Quốc)... vào dịp Tết nhưng nếu muốn đi xa hơn nước giáp giới với Việt Nam, Myanmar, Thái Lan, Singapore và thậm chí Ấn Độ cũng là những lựa chọn khả thi của phượt thủ có mức thu nhập trung bình khá. Ngược lại, trong trường hợp muốn nhấm nháp cảm giác mạnh, một chuyến đi bằng xe máy từ Hà Nội sang Lào hay từ TP.HCM sang Campuchia có thể được tiến hành. Thậm chí, nếu chịu chơi, một chuyến chạy xuyên Đông Dương (qua Lào và Campuchia) hoặc từ Đông Dương sang tận Thái Lan cũng có thể thực hiện. Có điều, theo kinh nghiệm chung, thành viên trong những chuyến đi đặc biệt này thường không tuyển nữ, phải có sức khỏe, tiếng Anh tốt, giàu kinh nghiệm đi phượt và kinh nghiệm... sửa xe máy.

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa Xuân Ất Mùi 2015

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm