'Sừng tê giác không mang lại sức mạnh, chỉ mang đến sự hổ thẹn cho đàn ông'

04/03/2014 11:28 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - "Đàn ông đích thực thì mang lại niềm tự hào chứ không phải sự hổ thẹn cho đất nước. Và chiếc sừng tê giác không mang lại sức mạnh của đàn ông. Nó mang sự hổ thẹn", nhạc sĩ Quốc Trung gửi thông điệp đến nam giới trong ngày phát động chấm dứt sử dụng sừng tê giác.

Ông Trung chỉ là một trong số rất đông người nổi tiếng tại Việt Nam tình nguyện làm thông điệp viên cho Change, một tổ chức phi chính phủ chuyên bảo vệ động vật hoang dã, hướng tới thay đổi nhận thức của người dân về việc tiêu thụ động vật hoang dã.

Chia sẻ về câu chuyện của mình, Hoa hậu Việt Nam năm 1994 Thu Thuỷ cho rằng, cô tham gia không chỉ vì trách nhiệm với cộng đồng mà còn đứng từ quan điểm của một người mẹ. Cô muốn con mình, những đứa trẻ sau này được thấy những con voi, tê giác sống ngoài tự nhiên chứ không chỉ còn tồn tại trên sách vở hay trong truyện cổ tích.

“Những người sở hữu sừng tê giác là thiếu hiểu biết, thiếu văn minh. Tôi hy vọng nhiều người sẽ hiểu điều đó để cuộc sống của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn”, cô chia sẻ.

Diễn viên Hồng Ánh lại có hành động khá chuyên nghiệp khi ra một quy định nho nhỏ nhưng lại rất thiết thực tại công ty riêng của mình. Đó là mỗi nhân viên sẽ phải làm một đoạn video, đăng status, chia sẻ các thông điệp kêu gọi mọi người không sử dụng sừng tê giác trên Facebook.

Diễn viên Hồng Ánh cho biết: “Mỗi một thông điệp, đoạn video sẽ đến được với một đối tượng nhất định. Sự lan toả của thông điệp đó ít nhiều sẽ đem lại hiệu quả và đó là hành động theo cá nhân tôi là phù hợp với khả năng của mình và các thành viên trong công ty của tôi”.

MC, nhà sản xuất chương trình Anh Tuấn bày tỏ niềm vinh dự của mình khi được trở thành đại sứ của chương trình.

“Những gì tôi có thể làm được chỉ là hạt cát nhưng nhiều người cũng làm thì sẽ thành biển cát. Tất cả chúng ta bắt tay nhau thì chắc chắn sẽ có hiệu quả. Bạn hãy thử tưởng tượng một ngày nào đó bạn thức dậy và thấy bị cắt mất toàn bộ mũi, gương mặt biến dạng và chết dần chết mòn. Đó là những gì đang diễn ra với loài tê giác. Bạn hãy hành động cùng chúng tôi”, MC này chia sẻ.

Cùng ngày với lễ phát động chiến dịch “Chấm dứt sử dụng sừng tê giác” ngày 3/3 cũng là Ngày Loài hoang dã thế giới.

Nhận thức được tình hình của các loài hoang dã đang bị đe doạ nghiêm trọng, Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã chính thức công nhận ngày 3/3 là Ngày Loài hoang dã thế giới (Wold Wildlife Day).

Nhân ngày kỷ niệm lần đầu tiên Ngày Loài hoang dã thế giới, Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam, là cơ quan đại diện cho Chính phủ Việt Nam thực hiện quyền và nghĩa vụ nước thành viên CITES cùng nhiều tổ chức bảo tồn quốc tế như WWF, TRAFIC, WCS và HSI, đã thống nhất hợp tác triển khai các hoạt động đấu tranh, ngăn chặn nạn buôn bán trái phép các loài động, thực vật hoang dã qua biên giới.

CITES sẽ tập trung hỗ trợ Việt Nam thực hiện Bản tuyên bố London về buôn bán trái phép loài hoang dã, đồng thời thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 20/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo và thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo tồn các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.

C.M.T

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm