Sự thật đằng sau cơn sốt vàng thế giới

30/07/2020 17:20 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Liên tiếp trong những ngày qua, giá vàng thế giới liên tục bị xô đổ kỷ lục. Sự kết hợp giữa căng thẳng leo thang Mỹ-Trung Quốc, những lo ngại kéo dài về tác động kinh tế của COVID-19 dường như đã tiếp thêm “nhiên liệu” cho đà tăng giá của vàng và nhiều nhà phân tích nhận định đà tăng này chưa thể tiêu tan ngay trong thời gian tới.

Giá vàng thế giới lập kỷ lục mới

Giá vàng thế giới lập kỷ lục mới

Ngày 27/7, giá vàng thế giới đã lập kỷ lục mới khi các nhà đầu tư đổ xô đi mua kim loại quý này, vốn được coi là kênh đầu tư an toàn trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang lan rộng trên toàn cầu và đồng USD đang suy yếu.

Giá vàng liên tục xô đổ kỷ lục   

Giá vàng thế giới đang tăng mạnh chưa từng thấy và liên tục lập các kỷ lục mới. Thị trường vàng đã chứng kiến đà tăng ấn tượng trong vài tháng qua khi nền kinh tế toàn cầu bị đảo lộn vì dịch COVID-19. Vào ngày 8-7, giá vàng thế giới đã vượt mức 1.800 USD/ounce lần đầu tiên kể từ năm 2011. Đến đầu tuần này, giá vàng đã vượt mức giá kỷ lục thiết lập hồi tháng 9-2011 ở mức hơn 1.900 USD/ ounce. Cụ thể, trong ngày 27-7, giá vàng thế giới đã lập kỷ lục mới khi chạm mức 1.935,90 USD/ounce trong lúc giới đầu tư vẫn tiếp tục đổ xô đi mua kim loại quý này.   

Tuy nhiên cho đến nay các chuyên gia vẫn chia sẻ về một cảm giác không ổn định nếu các nhà đầu tư tham gia vào thị trường vàng trong lúc này. Bởi trên thực tế, sau khi gần chạm ngưỡng 2.000 USD/ounce thì vào trưa ngày 28-7, thị trường vàng thế giới đã xuất hiện dấu hiệu đảo chiều khi chỉ trong thời gian ngắn đã rơi từ mức đỉnh 1.982 USD/ounce xuống dưới ngưỡng 1.940 USD/ounce. Dù đã dự báo giá vàng thế giới sẽ có bước điều chỉnh do tăng quá nhanh trong thời gian qua nhưng cú đảo chiều bất ngờ này cũng đã khiến nhiều người bất ngờ khi bị bốc hơi hơn 40 USD/ounce chỉ trong vài phút. Sau đó đến 11h30 ngày 28-7, giá vàng lại bật trở lại ngưỡng 1.942,7/ounce.

Tiếp đó, đến phiên giao dịch ngày 29-7, giá vàng giao ngay đã tăng 0,5% lên 1.969,16 USD/ounce so với một ngày trước đó. Giá vàng kỳ hạn giao tại Mỹ cũng tăng 0,5% lên 1.953,4 USD/ounce. Việc các nhà đầu tư tiếp tục mua vàng cho thấy họ muốn giảm thiểu rủi ro trong trường hợp thị trường có biến động.   

Diễn biến trên là minh chứng rõ ràng cho thấy thị trường vàng vẫn đang biến động khó lường trước diễn biến phức tạp của thị trường tài chính tiền tệ toàn cầu. Các nhà đầu tư, nhất là ở thị trường nội địa, cần thận trọng để tránh rủi ro. Sự nóng vội của các nhà đầu tư và người dân có thể sẽ gây ra các thiệt hại cho bản thân và nền kinh tế, bởi giá vàng có thể lao dốc không phanh sau đó. Điều này thực tế đã từng xảy ra vào năm 2008 khi thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ Mỹ, vàng đã "đánh bại" tất cả các kỷ lục trước đó để lập đỉnh, rồi lại khiến hàng loạt nhà đầu tư thua lỗ vì mất giá không phanh.

Chú thích ảnh
Giá vàng thế giới đang tăng mạnh. Nguồn: Internet

Lý giải cơn sốt vàng   

Theo đánh giá của các tổ chức đầu tư vàng quốc tế, vàng liên tục chạm các mức giá kỷ lục là do các nhà đầu tư lo lắng về các vấn đề như đại dịch COVID-19, cũng như căng thẳng Mỹ-Trung đã đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư. Điều này cũng không khó hiểu trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang trong tình trạng nới lỏng tiền tệ, thâm hụt tài khoản tăng đột biến; tình hình kinh tế thế giới chưa mấy khả quan, nhiều quốc gia tiếp tục tung ra các gói kích thích kinh tế... là những yếu tố tiếp tục thúc đẩy vàng tăng giá.   

Đặc biệt, việc Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, có dấu hiệu leo thang căng thẳng trong quan hệ được xem là một trong những nguyên nhân chính gây ra tâm lý bất ổn trên thị trường và khiến giá vàng liên tục tăng mạnh trong những ngày qua.   

Thêm một nguyên nhân khác, đó là nhu cầu với đồng USD không còn khi USD giảm xuống mức thấp nhất hai năm qua giữa lúc các nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể thay đổi chính sách hỗ trợ nền kinh tế nước này.   

Các yếu tố trên khi kết hợp với nhau đã gây ra mối lo ngại trong giới tài chính, rằng lạm phát có thể chiếm lĩnh ở nhiều nước phát triển. Trong khi lãi suất ở nhiều quốc gia bằng 0 hoặc gần bằng 0, thì vàng là phương tiện hấp dẫn vì không phải lo lắng về việc không nhận được lãi từ vàng.   

Thêm một yếu tố khiến giá vàng tăng là đại đa số các định chế tài chính, các ngân hàng trung ương trên thế giới hầu như không có ý định bán vàng. Khảo sát của Hội đồng Vàng thế giới năm 2019 cho thấy, hơn 50% ngân hàng trung ương các nước không có kế hoạch bán vàng trong vòng 5 năm tới. Điều này có nghĩa, vàng đang được hỗ trợ trong một chu kỳ dài hạn. Từ năm 2019 trở lại đây, ngoài ngân hàng trung ương các quốc gia, các định chế tài chính, ngân hàng mua vàng vào ngày càng nhiều và lan nhanh.   

Theo các chuyên gia, cũng giống như trong các cuộc khủng hoảng khác, khi mọi thứ đều bất ổn thì vàng được coi là kênh trú ẩn an toàn nhất. Vàng không thể in thêm nhiều như đồng USD, giá trị của nó lại không dễ bay hơi như cổ phiếu, vì thế khi thế giới có biến động, nhiều người lại muốn giữ vàng hơn.

Chú thích ảnh
Vàng miếng được bày bán tại một cửa hàng ở Dubai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Ảnh: AFP/TTXVN

Giá vàng có thể vượt mốc 2.000 USD/ounce?   

Theo dự báo của giới chuyên viên phân tích của Citigroup, giá vàng sẽ vượt 2.000 USD/ounce trong 3-5 tháng tới và sẽ lập kỷ lục mới trong vòng 5-9 tháng. Nhận định về giá vàng trong 18 tháng tới, Ngân hàng Mỹ (Bank of America) đã nâng dự đoán giá vàng sẽ tăng lên 3.000 USD/ounce. Nhu cầu trú ẩn an toàn cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy giá bạc. Các chuyên viên phân tích tại Citigroup dự báo giá bạc sẽ lên 25 USD trong vòng 6-12 tháng tới.   

Trong cuộc khảo sát của trang tin Kitco về giá vàng tại phố Wall từ 1.860 nhà đầu tư trên thị trường, có 1.334 người (72%) cho rằng vàng còn tăng tiếp, 317 ý kiến dự báo kim loại quý này sẽ giảm và 219 người cho rằng thị trường đi ngang. Tuy nhiên, theo cảnh báo từ giới chuyên gia tài chính, xu hướng tăng của vàng thế giới hiện đang ở mức nóng, không ổn định, tiềm ẩn nhiều rủi ro.   

Vì vậy dù cơn sốt vàng toàn cầu đang bùng nổ nhưng cơ hội để ngành khai thác kim loại quí quay lại thời hoàng kim vẫn mong manh. Hơn nữa theo số liệu của Hội đồng Vàng thế giới, tỷ lệ phát hiện mỏ vàng mới trên thế giới đang tụt dốc không phanh trong 30 năm qua. Ngoài ra, trữ lượng vàng có thể được khai thác trung bình trên mỗi tấn của các mỏ mới cũng giảm dần trong những năm gần đây.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 chưa chấm dứt khiến việc khai thác vàng thời gian qua giảm mạnh, việc giao vàng cũng đã từng bị gián đoạn, việc gom vàng trên thị trường hàng hoá với các nước lúc này được ví như việc người dân gom đồ ăn ở siêu thị trong thời kỳ đỉnh dịch. Chính bởi vậy, các nhà phân tích cho rằng, những lo ngại về triển vọng tương lai chính là yếu tố thúc đẩy giá vàng tăng mạnh hiện nay.

Trọng Đức/TTXVN (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm