Sơn Đoòng phải tin vào nước mắt!

22/02/2015 10:56 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Dự án cáp treo Sơn Đoòng đã tốn nhiều giấy mực của báo chí trong năm 2014, nhưng cũng vì thế mà chúng ta mới biết quan tâm và trân trọng hơn đối với hang động dài nhất thế giới này. Từ đó, ta mới hiểu được vì sao nhà thám hiểm người Anh Howard Limbert, người đã góp công phát hiện 400 hang động ở Việt Nam, lại bật khóc khi nghe tin dữ về dự án cáp treo. Ta cũng hiểu vì sao Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc sinh thời lại quan tâm đến di sản hang động ở Phong Nha và công việc của Howard Limbert đến vậy.

25 năm gắn bó với Việt Nam, cùng với việc tìm ra gần 400 hang động, ông góp công xây dựng hồ sơ trình UNESCO vinh danh Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng. Và đặc biệt, ông đã dẫn đầu đoàn thám hiểm Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh tìm ra Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới ở Quảng Bình, Việt Nam.


Howard (áo vàng) và Debora (giữa) trong cuộc gặp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1992. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ông là Howard Limbert, nhà thám hiểm hang động của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh, người đã gắn bó gần nửa đời người với Việt Nam. Sau bao cống hiến, người đàn ông 56 tuổi đã đứng sững và bật khóc khi nghe tin về dự án cáp treo gần hang Sơn Đoòng. Hy vọng, Sơn Đoòng sẽ tin vào nước mắt. Và ông, vẫn đang nỗ lực từng ngày để bảo vệ hang hang động lớn nhất thế giới này của Việt Nam như lời hứa với Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm xưa…

Mắc kẹt 57 tiếng trong “dòng sông ngầm”

Năm 1990, Howard cùng vợ, bà Debora Limbert (cũng là một nhà thám hiểm hang động) đến Việt Nam. Kế hoạch ban đầu của ông là đến để khảo cứu hệ thống hang động của đất nước này. Song sau một vài sự việc, ông quyết định gắn bó với Việt Nam suốt nửa đời người.


Việc bảo vệ Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới, là tâm bão của dư luận trong năm qua. Ảnh: National Geographic

Nhớ về những ngày đầu, Howard kể: “Tháng Ba năm nay là chẵn 25 năm kể từ lần đầu tôi đến Việt Nam. Tôi đã học được rất nhiều từ những người Việt tôi gặp trong những ngày đầu tiên đó. Lúc mới đến, tôi không biết mình nên mong đợi gì, nhưng tôi sớm nhận ra điều ấy khi người dân tôi gặp ở khắp mọi nơi đều nhiệt tình giúp đỡ tôi. Mặc dù họ đang trải qua những giai đoạn khó khăn đầu thập niên 90 của thế kỷ 20”.

Howard dẫn chứng bằng chuyến khám phá dòng sông trong hang Khe Ry năm 1990. Khi đó, hai thành viên trong nhóm Howard đã ở một hang khác cách đó chừng một ngày đi bộ. Một cơn bão lớn đột ngột đổ về khi họ đang ở trong hang và nước sông dâng lên nhanh chóng. Họ bị mắc kẹt trong hang 57 tiếng.

Howard nhớ lại: “Chúng tôi xây đập ngăn dòng nước và cuối cùng cứu được bạn. Nhưng kỳ lạ là bằng cách nào đó, người dân trong vùng biết được sự cố của chúng tôi và nhờ quân đội đến cứu giúp. Khi nhìn thấy đoàn người áo xanh tới với cử chỉ ân cần, chúng tôi xúc động vô cùng”.

Sau đó, khi đã trở về trạm nghỉ ở Phong Nha, đoàn thám hiểm mới biết, người dân ở ngôi làng gần đó đã đến và cầu nguyện cho họ trở về an toàn. Biết đoàn thám hiểm vừa đói, vừa mệt vì không ăn trong ba ngày, những người dân địa phương đã thức đến 4 giờ sáng để chờ đoàn khách lạ trở về, làm đồ ăn và mở tiệc ăn mừng. Trong khoảnh khắc ấy, Howard đã tìm ra “dòng sông ngầm” đầu tiên. Đó là ân tình của một xứ sở. Cũng từ đây, ông quyết định gắn bó với Việt Nam, bởi Howard biết mảnh đất xa lạ này còn ấp ủ bao điều diệu kỳ đang chờ ông khám phá.

Cuộc gặp bất ngờ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Trong một ngày mùa Thu năm 1992, vợ chồng Howard đang ở làng Phong Nha sau khi trở về từ chuyến thám hiểm hang Tối. Lúc đó, bất ngờ có một chiếc xe hơi xuất hiện (điều rất hiếm vào thời đó) và được hộ tống bởi rất nhiều binh sĩ. Một nhóm đông binh sĩ dẫn đầu bởi vị tướng đĩnh đạc tiến tới vợ chồng nhà thám hiểm.

“Lúc đầu, chúng tôi hơi lo lắng, không biết mình có làm gì sai không, nhưng chúng tôi nhanh chóng an tâm khi nhận ra người tiến đến chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng bắt tay chúng tôi, hỏi han thân mật và sau đó mời một bữa ăn nhỏ với ông và con gái” - Howard nói.

Trong bữa ăn, mọi giao tiếp đều thông qua con gái Đại tướng và bà Deb, những người nói tiếng Pháp rất tốt. Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất ấn tượng với những gì vợ chồng Howard đang làm ở Phong Nha. Đặc biệt là những hang động mới được họ khám phá.


Howard (giữa) trong một lần thám hiểm Sơn Đoòng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Chúng tôi giải thích về điều kỳ vĩ ở những hang mới được chúng tôi khám phá như hang Phong Nha, hang Tối, và hang Vòm” - Howard kể tiếp - “Đại tướng rất hứng thú về công việc của chúng tôi, đặc biệt là quá trình khảo sát những hang động rất quan trọng. Ông nói rất nhiều về việc bảo tồn khu vực và nói với chúng tôi rằng, đây chính là quê hương ông. Trước khi chia tay, Đại tướng còn viết cho chúng tôi một lá thư ngắn, cám ơn chúng tôi về công việc chúng tôi đang làm và nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học và công tác bảo tồn Phong Nha. Lá thư ấy, chúng tôi để vào trang đầu tiên trong bản báo cáo của chúng tôi năm 1992”.

Bởi sự ngưỡng vọng đặc biệt mà vào tháng 10 năm 2013, khi vợ chồng Howard đang ở Phong Nha thì nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, họ bỏ mọi công việc đang dang dở, lập tức về TP Đồng Hới để viếng Đại tướng. “Chúng tôi hòa mình vào biển người đang xếp hàng tới tận nơi an nghỉ cuối cùng của Đại tướng. Khoảnh khắc đó, cả thành phố như thắt khăn tang. Đó là một ngày rất buồn cho chúng tôi và tất cả người dân Việt Nam, đặc biệt là những người con Quảng Bình”- Howard bùi ngùi nhớ lại.

Bật khóc khi nghe tin cáp treo

Sau cuộc gặp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vợ chồng Howard càng thêm quyết tâm khám phá, bảo tồn và vinh danh các hang động Việt Nam. Năm 2003, UNESCO vinh danh VQG Phong Nha - Kẻ Bàng là Di sản Thiên nhiên Thế giới.

Nhưng đằng sau danh hiệu đó là quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ của vợ chồng Howard cùng các chuyên gia Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh và các nhà khoa học Việt Nam. Howard nhớ lại: “Chúng tôi đã làm việc rất nhiều với UNESCO để giúp VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đạt danh hiệu Di sản Thiên nhiên Thế giới. Từ cơ sở đó, chúng tôi tiếp tục khám phá thêm nhiều hang động quan trọng hơn nữa để củng cố thêm sự đa dạng về địa tầng địa chất, sinh vật học trong VQG Phong Nha”.


Howard (trái) cùng Hồ Khanh, người địa phương đã dẫn nhóm thám hiểm của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh tìm tới Sơn Đoòng

Cũng theo Howard, nhờ địa hình hiểm trở, Phong Nha đã thoát khỏi nạn phá rừng và việc khai thác quá mức. Điều này cũng bảo vệ các hang động tuyệt vời nhất thế giới. “Giá trị của di sản Phong Nha không phải chỉ bởi kích cỡ của hang động mà còn bởi vẻ đẹp và những động vật đặc hữu cực hiếm mà chúng tôi phát hiện. Chỉ trong năm 2014 vừa rồi, chúng tôi cùng các nhà khoa học Việt Nam khám phá ra 7 loài mới thuộc những hệ động vật thích nghi với điều kiện hang động đặc biệt ở VQG Phong Nha - Kẻ Bàng”- Howard nói.

Nhưng đó không phải là phần thưởng lớn nhất đền đáp cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của vợ chồng Howard. Ngày 22 tháng 4 năm 2009, giới khoa học địa chất thế giới chấn động khi đoàn thám hiểm Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh do Howard Limbert dẫn đầu công bố hang động lớn nhất thế giới: hang Sơn Đoòng.

Howard nhớ lại: Khi tìm ra Sơn Đoòng, chúng tôi không biết mình vừa khám phá ra hang động lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, chúng tôi biết đây là một nơi rất đặc biệt. Chẳng có mấy hang động trên thế giới lại có những khu rừng rậm và những giếng trời khổng lồ như thế. Dĩ nhiên, khám phá này là điểm sáng trong nhiều năm khám phá hang động trên toàn thế giới khi kích cỡ đo đạc cho thấy Sơn Đoòng là hang động lớn nhất thế giới.

Nhưng người đầu tiên tìm ra Sơn Đoòng không khỏi ngậm ngùi khi năm 2014 vừa qua, người ta đưa ý tưởng, dự án lập cáp treo vào gần hang. Khi được Thể thao & Văn hóa hỏi về vấn đề này, Howard thẳng thắn: Tôi không ủng hộ cáp treo trong khu vực cần bảo tồn tuyệt đối như Sơn Đoòng. Tôi tin người dân Việt Nam đã, đang và sẽ lên tiếng phản đối dự án này. Tôi hoàn toàn đồng ý với họ rằng không một tuyến cáp treo nào nên vào bên trong hay gần hang Sơn Đoòng cũng như môi trường nhạy cảm xung quanh. Tuy nhiên, tôi hiểu áp lực mà chính quyền phải đối mặt khi tìm nhà đầu tư cho tỉnh nghèo này. Vì vậy, tôi tin rằng cáp treo vào ngoài khu vực bảo tồn có thể sẽ được UNESCO duyệt. Và từ đó, cả môi trường lẫn địa phương đều được hưởng lợi.

Câu trả lời của Howard là những chiêm nghiệm sau nhiều tháng trăn trở về Sơn Đoòng, về Phong Nha và về những người dân địa phương kham khổ nhưng luôn dang rộng vòng tay với ông. Còn thực tế, cảm xúc đầu tiên của Howard khi nghe tin cáp treo vào Sơn Đoòng được người trợ lý miêu tả ngắn gọn: “Bây giờ thì Đại tướng đã nằm xuống và yên nghỉ trênh mảnh đất quê hương ông. Cô chú Howard vẫn tiếp tục cuộc hành trình bảo vệ hang động Việt Nam, giữ lời hứa hơn 20 năm về trước với Đại tướng. Bởi thế mà, khi nghe tin cáp treo, chú đứng đó và rơi nước mắt. Người đàn ông 56 tuổi đó, người đã bỏ nửa đời mình cho Việt Nam, đã khóc...”

Sơn Đoòng phải tin vào nước mắt. Những người đang lập dự án cáp treo cũng vậy. Rừng thẳm Phong Nha mãi khắc ghi và chứng giám lời hứa năm nào của nhà thám hiểm người Anh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người con vinh quang của đất mẹ Quảng Bình.

Tết ở Phong Nha thật tuyệt vời

“Thời điểm ưa thích nhất của tôi trong năm chính là Tết cổ truyền Việt Nam. Tết ở Phong Nha là khoảng thời gian tuyệt vời. Khi đó, chúng tôi cũng tạm ngưng những công việc và đón Tết cùng những người bạn Việt Nam. Chúng tôi đến thăm từng nhà và thường uống quá nhiều” - Nhà thám hiểm Howard Limbert chia sẻ.

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa Xuân Ất Mùi 2015

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm