Rồi những con kênh sẽ chảy…

21/09/2015 13:27 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Việt Nam chằng chịt kênh rạch, sông ngòi. Thế nhưng, chỉ việc đưa vào vận hành tour chèo thuyền trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thôi đã khiến cả TP.HCM háo hức.

Vì sao? Câu trả lời thật đơn giản. Du lịch Việt Nam bao nhiêu năm rồi mãi khai thác quẩn quanh những cái có sẵn, các danh thắng thiên nhiên ban tặng nhưng chậm chạp tạo ra sản phẩm khác biệt để thu hút du khách.

Tài nguyên thiên nhiên thì đầy ra đó, nhưng cũng chỉ dừng lại ở ý tưởng; hoặc ý tưởng đã thành sự thật lại rơi vào bế tắc sau vài ba lần khảo sát. TP.HCM được coi là nơi có nhiều tiềm năng để phát triển tour du lịch đường thủy, như từ trung tâm theo sông Sài Gòn ngược ra Cần Giờ, xuôi lên Củ Chi, vòng qua miền Tây, thẳng về Đồng Nai, Bình Dương… Những tuyến kênh rạch nội đô sau khi giải tỏa nhà cửa cũng được đưa vào thử nghiệm du lịch, nhưng tất cả đều chết yểu.

Cho đến khi tư nhân vào cuộc. Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Thuyền Sài Gòn, đơn vị bỏ 10 tỷ đồng để đầu tư tuyến tour kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, không phải là cái tên xa lạ trong giới lữ hành Việt Nam.


Ông nổi tiếng là một trong số ít doanh nghiệp trong nước thành công trong lĩnh vực kinh doanh du lịch khó nhằn: tour du thuyền quốc tế, khi hàng năm đón hàng chục ngàn du khách theo các chuyến du thuyền vào Việt Nam. Ông còn thành công khi đầu tư xây dựng những resort cao cấp ven sông, chứ không phải ven biển vốn rất phổ biến ở Việt Nam. Khu resort ở ven sông Tiền, sông Hương khiến du khách khó tính nhất cũng thấy hài lòng.

Khách lưu trú ở đây sẽ tự tay câu cá, hái rau trong vườn làm bữa ăn cho mình. Một nhà đầu tư chuyên nghiệp như thế không dễ gì đầu hàng với tour Nhiêu Lộc - Thị Nghè, khi có người hoài nghi tính lâu dài của nó.

“Tôi ấp ủ dự án này từ nhiều năm trước, khi đi nhiều nước trên thế giới thấy có nhiều hành trình tour đường sông rất thú vị. Tôi nghĩ, TP.HCM có rất đông du khách trong và ngoài nước, nhưng lại chưa có tour đường thủy được khách quan tâm. Tour tham quan trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chính là một góc nhìn khác của thành phố. Vì thế, tôi đã quyết định đầu tư”, ông Anh cho biết. Ý tưởng của ông nhận được sự ủng hộ của nhiều người nên nhanh chóng đi vào hiện thực.

Ông nhìn dự án chèo thuyền kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè bằng một cảm quan lãng mạn: “Ngày xưa, bà ngoại tôi sáng sớm mang trầu từ Hóc Môn - Bà Điểm xuống Sài Gòn bán thường ngồi rửa trầu ở bến kênh chỗ cầu Thị Nghè bây giờ. Lúc xây dựng bến thuyền, nhiều người lớn tuổi ở xung quanh cầu Thị Nghè kể thuở trước mỗi chiều ra đây bơi từ bờ bên này qua bên kia…”, ông Anh kể.

Bản thân dòng kênh là một câu chuyện đầy sức cuốn hút. Từ cầu Thị Nghè đến cầu Lê Văn Sỹ, khoảng cách 4,5 km với thời gian di chuyển cả đi và về 1 giờ 30 phút, du khách sẽ thấy cả thảy 9 cây cầu và thực băng qua 7 cây cầu. Những cây cầu này đều có một câu chuyện lịch sử, chưa kể nhiều di tích gắn với quá trình hình thành và phát triển của TP.HCM nằm ở hai bên bờ kênh, đặc biệt là đời sống cư dân địa phương.

Đó là những cây cầu thân thuộc của người Sài Gòn như cầu Thị Nghè, cầu Điện Biên Phủ. Cầu Bùi Hữu Nghĩa (cầu Sắt, cầu Đa Kao), ban đầu có sàn gỗ, xây vào năm 1896 bởi Công ty Eiffel dành cho tuyến xe lửa Sài Gòn - Gò Vấp qua Đa kao xuống đường L’Eglise.

Đó là Cầu Bông mà theo cố nhà văn Sơn Nam, được xây dựng vào khoảng thế kỷ 18, có sách ghi năm 1736. Đây là một trong những cầu được xây dựng đầu tiên ở vùng đất Sài Gòn. Cầu này được làm bằng gỗ, nhỏ và ngắn nhưng rất nổi tiếng. Cầu Trần Khánh Dư, cầu Kiệu, cầu Công Lý, cầu Lê Văn Sỹ; chùa Candaransi (nghĩa là Trăng của người Khmer)…

Năm 1994, UBND TP.HCM cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Để thực hiện dự án lớn này, ở lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, hàng ngàn căn hộ ven kênh đã được giải tỏa. Một tuyến cống bao dài 9km, đường kính 2,5 - 3m được xây dựng, với nhiều công trình tách dòng và kiểm soát xả tràn phân bố dọc bờ kênh. Một trạm bơm có thiết bị lược rác với công suất 64.000m3/giờ cũng hoàn thành.

Dự án còn xây bờ kè đứng dọc hai bờ kênh; nạo vét giai đoạn hai khoảng 1,1 triệu m3 bùn; thay thế và mở rộng 64km cống thoát… Đóng hơn 16.000m cừ bê tông kè hai bên bờ kênh và xây dựng hai tuyến đường Hoàng Sa - Trường Sa chạy dọc hai bên bờ kênh giúp giao thông thông thoáng. Sau khi dự án thành công, dòng kênh đã thay đổi rõ rệt, những ngôi nhà lụp xụp và tạm bợ ven hai bên bờ nay không còn nữa, nhường chỗ cho những ngôi nhà xây thông thoáng, những thiết bị tập thể dục và những hàng cây xanh.

Cùng với sông Sài Gòn và rạch Bến Nghé, tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là một trong ba tuyến đường thủy tự nhiên quan trọng nhất của đất Sài Gòn - Gia Định xưa. Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, đoạn kênh đang được khai thác du lịch không có mùi hôi thối và gió mát, nhất là chiều tối. Sở dĩ nước kênh đoạn này sạch là do được đầu tư hệ thống lọc nước thải và gần với sông Sài Gòn nên nước được trung hòa. Lúc chèo thuyền, khách có thể nhìn thấy nhiều đàn cá điêu hồng đang bơi tìm mồi.

Chỉ có điều, dòng kênh vẫn còn nhiều rác, nhất là những bọc nylon bập bềnh ở sát bờ kè. Rác chủ yếu trôi ra từ những con rạch nhỏ chưa được xử lý nước thải, hoặc của những người dân thiếu ý thức ném xuống kênh vào đêm tối.

“Chỉ có rác mới có thể khiến du khách một đi không trở lại con kênh này. Đó là điều lo lắng nhất của tôi”, ông Anh phát biểu. Nhưng ông cũng kỳ vọng, rồi đây, khách không chỉ ngồi thuyền dạo mát trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, mà còn nhiều con kênh khác nữa trong thành phố.

Bài và ảnh: Tâm Trần
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm