'Rộ' quán hàng phong cách bao cấp: Kinh doanh 'ký ức bao cấp' - một 'đặc sản' thời hội nhập

14/02/2016 18:21 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Từ những thử nghiệm đầu tiên, những quán hàng theo phong cách bao cấp giờ trở thành xu thế thời thượng ở Hà Nội: Quán ăn kiểu bao cấp, quán bia phong cách bao cấp, quán café bao cấp… Thậm chí, cả một trung tâm thương mại nước ngoài hiện đại bậc nhất Hà Nội cũng bài trí khu ăn uống gợi nhớ về thời bao cấp. Dường như, rất nhiều người đang xếp hàng về quá khứ, về những ngày gian khó của lịch sử, trong “đêm trước đổi mới” cách đây hơn 30 năm…

Người Hà Nội lưu luyến những ngày khó. Hiện tượng nghe chừng lạ mà không lạ khi đặt trong dòng chảy chung của văn minh hội nhập.

“Ăn” hoài niệm

Phong cách Retro xuất hiện trên thế giới trong thập niên 80 của thế kỷ XX. Phong cách này hướng mọi người về những giai đoạn đã qua của lịch sử. Cụ thể, Retro tác động và các lĩnh vực thời trang, thiết kế nhà hàng, nội thất gia đình… Điểm chung, trào lưu này đều dùng “chất liệu” ký ức để làm ra những sản phẩm đương đại.

Nhắc đến phong cách Retro, nhiều người sẽ hình dung tới trào lưu Vintage “làm mưa làm gió” khắp các lĩnh vực liên quan tới rượu vang, thiết kế… cả thế kỷ qua ở châu Âu và trên toàn cầu. Nhưng Vintage là sự tiếp nối chứ không phải “tái hiện” ký ức từ đương đại như Retro.


Quán ăn thời bao cấp ở Hà Nội. Ảnh: Tư liệu

Đặt trong bức tranh chung của xu hướng thế giới, các quán hàng hướng về bao cấp ở Hà Nội phần nhiều mang phong cách Retro.

Ví như, ở chuỗi café Cộng, không gian được bài trí từ những vật dụng nhắc nhớ tới thời bao cấp (được làm mới hoặc tái chế): Café được đựng trong những ca sắt như thời kháng chiến chống Mỹ; một số chiếc bàn dùng nguyên bộ sofa bằng gỗ lim từng thịnh hành ở miền Bắc những năm 90; một vài cái bàn khác được thiết kế lại từ những chiếc máy khâu Trung Quốc, Liên Xô (cũ)… Còn những người chạy bàn vận áo trấn thủ có cách tân từ bộ quần áo của Quyết tử quân bảo vệ Hà Nội cuối năm 1945, đầu năm 1946…

Hoài niệm bao cấp còn khắc họa sinh động hơn trong quán Mậu Dịch Số 37 (37 Nam Tràng). Ngay từ tên gọi, quán ăn mô phỏng lại một tiệm mậu dịch thời xưa. Trong quán, các vật dụng quá khứ được nêm chặt căn phòng: Chiếc TV đen trắng của Đông Âu, cái sổ gạo đầy “ám ảnh” xưa cũ, cùng những tem phiếu các mặt hàng được trang trọng đặt trong hộp kính… Xung quanh, quán còn ghi nhiều khẩu hiệu xưa như “Ưu tiên thương binh”; “Ở đây tai vách mạch rừng, những điều bí mật xin đừng nói ra”…

Hơn thế, Mậu Dịch số 37 còn muốn tái hiện thời bao cấp ngay trong món ăn của quán. Những món ăn thủa khốn khó đều có trong thực đơn như: Cơm độn khoai sắn; phở “không người lái”; niễng xào trứng; tóp mỡ xào dưa; rượu nút lá chuối… Thời bao cấp đã xa được gợi nhắc khéo léo bằng phong cách Retro trên từng chi tiết khiến quá khứ trở nên gần gụi, sống động.

Nếu Mậu Dịch Số 37 như là mẫu mực trong các quán hàng bao cấp Hà Nội thì gần đây, có nhiều quán hàng mang phong cách Retro thời bao cấp nhưng lại mang nhiều âm hưởng đương đại được mở ra. Bia Khu 9 ở Hanoi Creative City là một ví dụ điển hình.


Quán Mậu Dịch Số 37 được vẫn được coi là quán hàng theo phong cách Retro thời bao cấp mẫu mực. Ảnh: Phạm Mỹ

Quán cũng được bài trí theo hướng cửa hàng mậu dịch song hình thức không ăn nhập với nội dung. Các món ăn đều là món hiện đại. Đồng phục của nhân viên cũng là âu phục. Và cũng không lạ khi thể loại nhạc thường xuyên được mở tại quán là của Sơn Tùng MTP.

Đó mới chỉ là những quán mới dựng mang phong cách Retro hồi cố. Hà Nội còn nhiều những hàng quán “đi qua” thời bao cấp, những quán hàng Vintage điển hình: Café Giảng “mở hàng” từ năm 1946 nay vẫn còn vị café trứng nức tiếng Hà Thành ngày nào; Café Lâm cực thịnh những năm 1980 nay vẫn trưng bức tranh của Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng... vẽ trong ngày bao cấp túng khó để đổi lấy café và bánh mỳ.

Đó còn là vô vàn những quán cóc không tên trong những góc Phố cổ còn phảng phất phong vị của những ngày tháng xưa… Tất cả những quán hàng này đều không lòe loẹt “ra vẻ bao cấp” như những quán hàng Retro mới mở song dư âm xưa của những quán hàng “đi qua” bao cấp vẫn là hấp lực mạnh mẽ với người Hà Nội. Hay nói cách khác, chúng như những chai rượu vang Vintage, không “sốc” mà vẫn đậm đà hương vị của tháng năm.

Tại sao là bao cấp?

Khi du nhập vào Hà Nội, phong cách Retro, Vintage được biến đổi một cách khá thú vị. Cụ thể, nếu như ở các nước phương Tây hay toàn thế giới cho đến lúc này, quá khứ mà các cộng đồng khác hướng về thường là những thời điểm huy hoàng của lịch sử, những tháng ngày ngọt ngào khó quên của cộng đồng.

Còn người Hà Nội hướng về thời bao cấp khốn khó trong “đêm trước Đổi Mới”. Điều này được nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến lý giải: “Theo tôi, điều này một phần bởi tính thời điểm. Thời bao cấp không quá xa, đủ để những ký ức về nó chưa phai mờ. Vì thế, những câu chuyện, những ký ức được trao truyền qua các thế hệ. Thêm nữa, do thời gian không quá xa, nên thời bao cấp còn nhiều hiện vật để minh chứng sự hiện diện. Đây cũng là nguyên nhân khách quan khiến thời kỳ này nhận được sự quan tâm hơn nhiều thời khác...”.

Thời bao cấp là lựa chọn của người Hà Nội để hướng về quá khứ. Đó là một sự lựa chọn vô thức trong dòng chảy hòa nhập. Song, sự vô thức này đang nói lên nhiều điều. Nhà sử học Dương Trung Quốc đã từng trao đổi với người viết: “Có thể nói, các bạn trẻ hiện tại đang sống trong điều kiện vật chất thuận lợi hơn rất nhiều. Song, chính các bạn lại đang cảm thấy có gì đó không ổn trong đời sống văn hóa, tinh thần. Nên họ quay trở lại thời bao cấp để tìm câu trả lời”.


Không gian quán Mậu Dịch Số 37 tái hiện không gian cửa hàng mậu dịch xưa. Ảnh: Mậu Dịch Số 37

“Tôi đã gặp nhiều bạn trẻ, những người gắng trải nghiệm thời bao cấp qua các cuộc triển lãm, các quán cà phê, nhà hàng bao cấp, các bạn đã nói với tôi: Dù trải nghiệm chưa thật đầy đủ song các bạn đã hiểu nguyên lý giản đơn rằng không phải cứ khó khăn vật chất thì đời sống tinh thần nghèo nàn”- Ông Dương Trung Quốc cho hay.

Rõ ràng, người Hà Nội hướng về thời bao cấp, nhấp ly café trong chiếc ca sắt lạnh cóng như để hiểu thêm về chính bản ngã của cộng đồng mình. “Đặc sản” tình người trong và sau chiến tranh khiến người Hà Nội thiết tha thời bao cấp. Thời bao cấp làm người ta vững tin rằng những xô bồ, lệch lạc chỉ là những hiện tượng có tính thời điểm. Còn sự tử tế giữa người với người - những giá trị cốt lõi của người Hà Nội - vẫn lẩn khuất đâu đó trong những đám đông hời hợt, vô cảm.

Và suy cho cùng, thời bao cấp khốn khó về vật chất nhưng lại mang trong mình vẻ đẹp riêng có về tình người. Đó cũng là lý do khi Retro, Vintage vào Hà Nội, thời bao cấp bỗng chốc sống động trên khắp các con phố, người Hà Nội đổ dồn đi nhấp lại những ngày tháng ngọt ngào về tinh thần.     

Quá khứ “bọc đường”

Các nhà Hà Nội học có đặt vấn đề rất nhiều về mặt trái của các hàng quán mang phong cách Retro thời bao cấp. Đó là sự “lãng mạn hóa” gây hiểu nhầm lịch sử. Những bữa ăn quá khứ được “bọc đường” gây những sai lầm trầm trọng trong nhận thức về những ngày đã qua. Và, “đêm trước Đổi Mới” không dễ chịu như mâm cơm khoai độn, phở không người lái, niễng xào trứng uống với whisky như các quán hàng đang làm.


Café Cộng thành công với phong cách Retro thời bao cấp đang lan tỏa chi nhánh khắp Hà Nội. Ảnh: Phạm Mỹ

Những quan ngại này e chừng hơi quá. Bởi, nếu tìm hiểu về Retro, Vintage, mọi người cần hiểu rằng “không ai tắm hai lần trên một dòng sông”; rằng logic của lịch sử là sự phát triển theo hình xoáy ốc chứ không phải “sao y bản chính”, rằng những quán hàng bao cấp đang khơi gợi những tò mò để người đã đi qua nhớ lại và người trẻ tìm về qua những trang tư liệu…

Và, sự “lãng mạn hóa” thời bao cấp trong các quán hàng có chăng chỉ đắp thêm những nét quyến rũ của những tháng ngày dữ dội mà nồng ấm- ngày bao cấp. Nét quyến rũ này khiến người Hà Nội các thế hệ không quên và không được quên những khoảnh khắc đã qua.

Đương nhiên, việc nhắc nhớ về thời khốn khó và đặt nó trong bức tranh hiện tại giúp người Hà Nội đánh giá công tâm hơn về những chính sách mở cửa cách đây đúng 30 năm!

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa Xuân Bính Thân 2016

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm