Phát hiện 'con mèo khổng lồ' trên 2.000 năm tuổi

20/10/2020 14:45 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Trong quá trình làm việc nhằm cải thiện khả năng tiếp cận với một điểm thu hút khách tham quan, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một hình vẽ mới mô tả một con mèo khổng lồ được khắc trên sườn đồi của sa mạc Nazca ở Peru. Hình khắc này chưa hề được phát hiện trong gần 2.000 năm qua.

'Truy tầm' di tích khảo cổ từ... trên trời

'Truy tầm' di tích khảo cổ từ... trên trời

Nếu như ngày trước, máy bay là phát minh hỗ trợ đáng kể cho các nhà nghiên cứu trong quá trình khảo cổ, giúp họ khám phá những địa điểm chưa từng được biết tới trước đây do khó định vị từ mặt đất, thì ngày nay, công nghệ tiên tiến, mà cụ thể là vệ tinh, đã tiếp tục đưa quá trình này lên một tầm cao mới.

Cần nhắc lại, “Nazca Lines” (Những hình vẽ trên cao nguyên Nazca) - di sản thế giới được UNESCO công nhận từ năm 1995 - tại miền Nam Peru là một nhóm những “geoglyph” (hình vẽ khổng lồ) được khắc trên cát sa mạc và có khoảng 300 hình khác nhau, bao gồm cả động vật và thực vật, tạo nên một “vườn hình học” tại sa mạc Nazca - sa mạc khô cằn giữa 2 thị trấn Nazca và Palpa ở Pampas de Jumana (một khu vực bằng phẳng miền Nam Peru). Sa mạc ít có gió khiến các hình vẽ không bị đất cát che phủ cho đến tận ngày nay.

“Con mèo” đặc biệt

Nhà khảo cổ học Jhonny Isla, phụ trách hệ thống quản lý của Công viên Khảo cổ Nazca-Palpa, cho biết hình vẽ mới nhất này đã được tìm thấy trong quá trình làm việc nhằm cho phép mọi người có thể xem những hình vẽ khổng lồ tạo nên “Nazca Lines” bí ẩn. Hình vẽ này mô tả một con mèo dài 37m nằm trên một ngọn đồi bên cạnh đường cao tốc Liên Mỹ kéo dài từ Alaska đến Argentina.

Ông Isla: “Chúng tôi nhận thấy việc tiếp cận vào điểm quan sát phải đi qua một “geoglyph”. Và chúng tôi quyết định thay đổi vì không thể thúc đẩy việc tiếp cận bằng cách làm hỏng di sản. Trong quá trình đó, chúng tôi nhận thấy có những đường nét hoàn toàn không tự nhiên. Thật kinh ngạc khi có nhiều hình vẽ mới vẫn đang được tìm thấy, dù tôi biết chúng còn có nhiều hơn thế nữa”.

Chú thích ảnh
Một góc hình khắc mèo khổng lồ mới được phát hiện

Các nhà chức trách xác định hình vẽ mèo khổng lồ này có niên đại vào khoảng năm 200 trước Công nguyên.

Theo ông Isla, hình vẽ mèo này xuất hiện từ cuối kỷ nguyên Paracas. “Chúng tôi biết điều đó từ việc so sánh các biểu tượng. Ví dụ, ký tự ở Paracas thể hiện rất rõ các loài chim, mèo và người, qua đó có thể dễ dàng so sánh với các “geoglyph” này”.

Kể từ khi được phát hiện, hình mèo này đã được làm sạch và đảm bảo được ở trong tình trạng tốt. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên các “Nazca Lines” mới được phát hiện. Hồi tháng 11/2019, các nhà nghiên cứu từ Đại học Yamagata ở Nhật Bản đã phát hiện ra 143 “Nazca Lines” mới, bao gồm hình cá, hình chim, hình người và thậm chí cả một con rắn 2 đầu.

Chú thích ảnh
Toàn bộ hình khắc mèo khổng lồ

Giải mã câu chuyện “geoglyph”

Nhìn chung, các “geoglyph” mới được xác định là đã được tạo ra từ ít nhất vào năm 100 trước Công nguyên đến năm 300 sau Công nguyên trong nền văn hóa Nazca cổ đại (tồn tại vào giữa năm 200 trước Công nguyên tới năm 600 sau Công nguyên). Trong khi mục đích của những họa tiết lớn này vẫn còn được tranh luận, ít nhất nhóm nghiên cứu cũng biết chúng được cấu tạo như thế nào.

Các chuyên gia giải thích: “Tất cả những hình vẽ này được tạo ra bằng cách gỡ bỏ những tảng đá đen bao phủ đất, từ đó để lộ ra lớp cát trắng bên dưới”.

Các giả thuyết trước đây cho rằng, xã hội Nazca đã tạo nên các “geoglyph” khổng lồ - một số có chiều dài hàng trăm mét - để các vị thần trên bầu trời nhìn thấy hoặc có thể phục vụ mục đích thiên văn.

Trong nghiên cứu mới, do nhà nhân chủng học và khảo cổ học Masato Sakai đứng đầu, nhóm đã phân tích hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao về vùng Nazca, cũng như tiến hành nghiên cứu thực địa và xác định 2 loại “geoglyph” chính. Theo đó, các hình chạm khắc lâu đời nhất (năm 100 trước Công nguyên đến năm 100 sau Công nguyên), được gọi là loại B, có chiều dài dưới 50m, trong khi các hình vẽ sau (năm 100-300 sau Công nguyên) được gọi là loại A, dài hơn 50m, trong đó “geoglyph” lớn nhất mà nhóm phát hiện có kích thước hơn 100m.

Chú thích ảnh
Hình vẽ khỉ xoắn đuôi trên cao nguyên Nazca

Các nhà nghiên cứu cho rằng các “geoglyph” loại A lớn hơn, thường có hình dạng giống động vật, là nơi mọi người tổ chức các nghi lễ liên quan đến việc phá hủy các bình gốm khác nhau. Ngược lại, các hình vẽ loại B nhỏ hơn, nằm dọc theo các con đường và có thể đã hoạt động như những cột mốc để định hướng cho khách du lịch - khi chúng hướng tới một không gian nghi lễ (loại A) lớn hơn, nơi mọi người tụ tập. Một số hình vẽ loại B thực sự khá nhỏ, trong đó nhỏ nhất có kích thước dưới 5m.

Tuy nghĩa biểu tượng của những hình vẽ kỳ lạ và cổ xưa này vẫn chưa được giải mã song các nhà nghiên cứu nhận ra rằng các “geoglyph” nằm gần một con đường, vì vậy nó có thể là một trong những điểm đánh dấu cột mốc. Giả thiết khảo cổ được chấp nhận nhiều nhất cho rằng người dân Nazca tạo ra các hình vẽ chỉ với những dụng cụ thiết bị đo đạc đơn giản.

Chú thích ảnh
“Geoglyph” hình người, ước chừng dài 10m

Di sản “không thể so sánh”

“Nazca Lines” được chụp ảnh lần đầu tiên khi máy bay thương mại bay qua sa mạc Peru trong thập niên 1920. Tuy nhiên, những hình vẽ này đã được nhà sử học Pedro de Cieza de Leon, trong đoàn quân chinh phục của Tây Ban Nha ở châu Mỹ, đề cập lần đầu tiên từ năm 1547. Ông miêu tả một số ít đường nét được tạo ra trên các sườn đồi, nơi mà mọi người có thể thấy được toàn bộ hình vẽ mà không cần phải quan sát từ máy bay.

Năm 1927, Toribio Mejia Xespe, một bác sĩ đồng thời là nhà nhân loại học người Peru, là nhà khoa học đầu tiên chú ý tới cái ông gọi là “các hình vẽ lớn mang tính nghi lễ của người Inca”.

Tuy nhiên, cuộc nghiên cứu khoa học có hệ thống đầu tiên về những hình vẽ này bắt đầu vào thập niên 1930 dưới sự chỉ huy của Paul Kosok thuộc trường Đại học Long Island. Ông phát hiện ra rằng các đường hội tụ vào điểm Đông chí ở Nam bán cầu. Cùng với Maria Reiche, nhà toán học và khảo cổ học người Đức, Kosok cho rằng chúng được thực hiện để chỉ những vị trí phía chân trời xa nơi mặt trời và các thiên thể khác mọc hay lặn.

Chú thích ảnh
Hình vẽ chim tại di chỉ “New Lines”

Reiche tiếp quản việc nghiên cứu vào năm 1946 và từ đó cho tới khi qua đời năm 1998, bà không ngừng kêu gọi bảo vệ và giữ gìn những hình vẽ đó. Cuối cùng những nỗ lực của bà đã thành công khi UNESCO công nhận di chỉ “Nazca Lines” là Di sản thế giới vào năm 1995 với tuyên bố: “Đây là tập hợp những đường vẽ trên chất liệu thiên nhiên nổi bật nhất trên thế giới và không thể so sánh về mức độ, cường độ, số lượng, kích thước, sự đa dạng và truyền thống cổ xưa của nó với bất kỳ công trình tương tự nào”.

Việt Lâm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm