Những 'báu vật nhân văn sống' U100

05/02/2016 08:32 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Đợt trao danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản Văn hóa phi vật thể lần thứ nhất, tỉnh Hà Nam có 5 nghệ nhân được vinh danh. Đây là những người dân bình thường nhưng vì nặng lòng với văn hóa vùng miền nên đã nỗ lực vượt qua khó khăn để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Họ được coi là những "Báu vật nhân văn sống", là những người gìn giữ hồn cốt di sản của ông cha.

Nghệ nhân nhiều tuổi nhất là cụ Trịnh Thị Răm (94 tuổi), trú tại xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, được vinh danh vì có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của các làm điệu hát Dậm. Cụ Răm sinh ra và lớn tại lên tại vùng quê Quyển Sơn - một địa danh còn tàng trữ trong nó nhiều tầng, lớp "trầm tích" văn hóa dân gian mà tiêu biểu nhất là hát Dậm. Năm 12 tuổi, cụ được lên hát trên Đền. Nhờ có giọng hát hay, trí nhớ tốt, nên cụ Răm được bà trùm truyền dạy kĩ lưỡng 38 làn điệu của hát Dậm và các điệu bộ múa tay, nhịp chân...

Lấy chồng khi mới 18 tuổi nhưng đến 26 tuổi chồng cụ đã hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Vất vả một mình nuôi con nhưng cụ Răm quyết không đi bước nữa. Dưới bàn tay chăm sóc của cụ, các con dần khôn lớn, trưởng thành. Nhưng niềm vui không được bao lâu thì cậu con trai duy nhất cũng hi sinh. Càng đau buồn cụ càng dồn hết thời gian vào các làn điệu hát Dậm. Khi chiến tranh xảy ra, người người, nhà nhà lo đánh giặc giữ nước cứ vậy hát Dậm ít người để ý đến.


 Nghệ nhân dân gian Trịnh Thị Răm. Ảnh: T.L

Hòa bình lập lại, nhân dân bắt tay vào xây dựng, kiến thiết đất nước, làn điệu hát Dậm càng bị mai một. Quyết tâm giữ làn điệu quý, cụ bắt đầu làm công tác phục dựng lễ hội và truyền dạy lại những câu hát, làn điệu Dậm Quyển Sơn, cụ Răm còn đứng ra truyền dạy cho lớp trẻ trong làng. Cứ như thế hết lớp này đến lớp khác, cụ đã truyền dạy hát Dậm cho không biết bao nhiêu người.

Không chỉ vậy, các làn điệu hát Dậm còn được cụ mang đi biểu diễn ở 14 quốc gia trên thế giới như: Đan Mạch, Na uy, Anh, Bỉ, Pháp, Hà Lan, Nhật... Nơi đâu cụ đặt chân đến cũng được bạn bè Quốc tế chào đón.

Ở lĩnh vực trình diễn dân gian hát múa Lải lèn cổ, Hà Nam có 2 người được vinh danh Nghệ nhân ưu tú, đó là cụ Lưu Thị Ngần, 93 tuổi và cụ Nguyễn Thị Ngoãn, 83 tuổi cùng ở thôn Nội Chuối, xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân.

Cả hai cụ cảm thấy vô cùng vinh dự, xúc động và tự hào. Là những người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất có điệu hát múa Lải lèn - một điệu múa hát kính vua với những hình thức, khúc thức độc đáo, lên 10 tuổi, cô bé Ngần, Ngoãn đã thuộc lòng những lời hát “học lỏm” được từ mẹ và các cô, chị trong làng.

Đến tuổi trăng rằm hai cô trở thành “Nàng Lải” tham gia những cuộc diễn xướng múa hát trong hội làng, hội tỉnh. 70, 80 năm trôi qua, không chỉ là một Nàng Lải tiêu biểu, hai cụ còn là người thầy, người đứng đầu vai trong ban truyền dạy cho con cháu từng lời ca, điệu múa, giữ gìn làn điệu Lải lèn cổ của quê hương không những không bị mai một mà còn thực sự tỏa sáng trong kho tàng múa hát cổ truyền của Việt Nam. Và trong các kỳ hội làng hàng năm, làn điệu Lải lèn vẫn luôn là niềm tự hào, là tiết mục đặc sắc không thể thiếu của người dân thôn Nội Chuối và của tỉnh Hà Nam.

Trong niềm xúc động khi được nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước "Nghệ nhân ưu tú", cụ Nguyễn Thị Ngoãn chia sẻ, trời đã se cho tôi bén duyên với Lải lèn, tôi lại được thừa hưởng cả một “gia tài” bài hát cổ. Dẫu chẳng sang giàu nhưng tôi rất hài lòng. Tôi chỉ lo chúng bị thất truyền. Vì trong làng giờ chỉ còn tôi và cụ Lưu Thị Ngần còn nhớ điệu hát này mà cả hai đều đã gần đất xa trời.

Sinh ra và lớn lên tại xã Xuân Khê, huyện Lý Nhân - nơi có những làn điệu múa, hát chèo cổ, nghệ nhân Trương Duy Thọ có một niềm đam mê cháy bỏng đối với môn nghệ thuật này. Lên 9 tuổi, cậu bé Thọ đã mạnh dạn tìm đến thầy Trần Văn Nguyện và thầy Trần Văn Trung ở chợ Chủ, huyện Bình Lục để được thầy truyền dạy cho từng lời ca, điệu múa và được theo thầy biểu diễn tại các chiếu chèo sân đình.

Và cũng từ đây, những nét đẹp, tinh tế trong làn điệu chèo cổ đã ngấm vào máu thịt của ông. Hơn 60 năm qua, ông đã không ngừng nghiên cứu, học hỏi để trở thành diễn viên, đạo diễn, nhạc công. Không chỉ là thầy dạy múa hát chèo cổ cho hơn 2.000 học trò, ông Thọ còn là người thổi bùng niềm đam mê chèo cổ đến tất cả các thành viên trong gia đình. Được nhận danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" ông Thọ vui mừng cho biết, danh hiệu này là một niềm vinh dự, tự hào đối với tôi cũng như gia đình, quê hương.

Năm nay đã gần 80 tuổi, mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng gia đình tôi vẫn ngập tràn niềm vui và hạnh phúc. Với với tôi, chèo là cơm, là nước uống, máu thịt và là niềm vui, niềm tự hào không gì có thể thay thế được. Gia đình tôi vẫn là nơi hội tụ của những người yêu làn điệu chèo mượt mà đằm thắm của quê hương.

Tại buổi lễ trao danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” vừa được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam tổ chức, ông Bùi Quang Cẩm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam khẳng định, trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể các nghệ nhân dân gian chính là "Báu vật nhân văn sống".

Việc các nghệ nhân được tôn vinh với danh hiệu vinh dự Nhà nước "Nghệ nhân ưu tú" có ý nghĩa rất quan trọng nhằm ghi nhận, tôn vinh những cá nhân có phẩm chất đạo đức, có nhiều đóng góp, cống hiến cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Hà Nam nói riêng và cả nước nói chung. Đây là niềm vinh dự tự hào không chỉ của cá nhân được nhận mà là vinh dự chung của tỉnh, của ngành văn hóa Hà Nam trong quá trình phát triển.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam mong muốn, với năng lực, trình độ và kinh nghiệm của mình, các nghệ nhân tiếp tục phấn đấu, có đóng góp nhiều hơn trong hoạt động nghệ thuật, là những người thắp lên ngọn lửa truyền thống mang đậm nét văn hóa vùng quê Hà Nam. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tiếp tục bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của tỉnh luôn được tỏa sáng từ đóng góp và vai trò của các nghệ nhân ưu tú này.

TTXVN/Nguyễn Chinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm