Nhộn nhịp chợ Viềng cầu may mỗi năm chỉ họp một lần

04/02/2017 10:23 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Vào đêm mùng Bảy, ngày mùng Tám tháng Giêng, người dân, du khách khắp nơi lại nô nức rủ nhau về Nam Định đi chợ Viềng - phiên chợ “mua may bán rủi” mỗi năm chỉ họp duy nhất một lần để cầu may, mở đầu năm mới tốt lành. 

Với nét đặc trưng rất riêng ấy, phiên chợ họp lúc nửa đêm này đã trở thành một trong những điểm đến thú vị, thu hút du khách thập phương tạo nên sự nhộn nhịp, náo nhiệt ở nơi đây mỗi dịp đầu Xuân... 

Trước đây, tại Nam Định có tới bốn chợ Viềng, song nay chỉ còn chợ Viềng Nam Giang (thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực) hay còn gọi là chợ Viềng Chùa và chợ Viềng Phủ Dầy (xã Trung Thành và xã Kim Thái, huyện Vụ Bản) còn gọi là chợ Viềng Phủ. Ở cả hai nơi, chợ đều họp từ sáng mùng Bảy kéo dài đến hết ngày mùng Tám, đón khách thập phương tới du xuân, mua sắm nông cụ, cây giống để xuống đồng hay cây cảnh, đồ cổ về để trưng trong nhà. 


Mặc dù diễn ra trong đêm và vào rạng sáng, nhưng chợ Viềng (Nam Định) lúc nào cũng tấp nập người mua, kẻ bán. Ảnh: Nguyễn Lành - TTXVN

Chợ Viềng mỗi năm chỉ có một phiên, là sự kết hợp của các hoạt động lễ, hội, và chợ truyền thống, đậm đà tính chất vui xuân và mang nhiều sắc thái văn hóa dân gian, là hình thức sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng cộng đồng, gửi gắm và biểu thị mong muốn phát triển nền kinh tế - văn hoá của cư dân Nam Định nói riêng và của vùng châu thổ sông Hồng nói chung từ bao đời nay. 

Chợ Viềng chỉ bán một số mặt hàng như cây giống, nông cụ, đồ cổ, đồ cũ, ngoài ra còn có thịt bê thui. Đây được coi là những mặt hàng “cầu may” và cũng là nét đặc biệt của phiên chợ này. Cây giống và nông cụ là những mặt hàng thể hiện cho ước muốn từ lâu đời của cư dân nông nghiệp về một năm mùa màng tươi tốt, bội thu; còn thịt bò là một trong những lễ vật dâng Mẫu Liễu Hạnh nên khi mua thịt bò tại chợ Viềng dịp đầu xuân, người mua cũng cảm thấy như xin được lộc Mẫu. Vì vậy, dù có giá cao nhưng nhiều khách hàng vẫn vui vẻ mua mà không mặc cả.


Du khách mua thịt bê tại chợ Viềng (Nam Định) trong đêm 3, rạng sáng 4/2/2017. Ảnh: Minh Đức - TTXVN

Chị Đỗ Thị Hoà, một du khách từ Thái Bình cho biết: Giá thịt bò hàng ngày chị đi chợ mua chỉ khoảng 250.000 đồng/kg, ở chợ Viềng bán 280.000 - 300.000 đồng/kg. Biết rõ là đắt hơn nhưng chị vẫn mua bởi chị quan niệm tới đây mua hàng là một cách để mua sự may mắn trong dịp đầu năm. 

Người đi chợ Viềng không ai muốn ra về tay không, bởi thế người ta chen chân nhau để lựa được một món hàng ưng ý giữa phong phú chủng loại và sắc màu những mặt hàng trong chợ. Không làm nghề nông để cần đến liềm, cuốc, giần, sàng…, du khách có thể lựa chọn cây giống, cây cảnh và đồ cổ. Trong đó, cây cảnh, cây giống được coi là mặt hàng bán chạy nhất tại chợ Viềng. 

Anh Đặng Quốc Vinh, chủ một gian hàng bán cây tại chợ Viềng Chùa cho biết, dù chưa tới nửa đêm song đã bán được gần 100 cây hoa cảnh. Khá dễ hiểu bởi mặt hàng của anh Vinh chủ yếu là những chậu hoa trang trí cỡ nhỏ với nhiều loại khác nhau như hoa cánh bướm, tulip, địa lan, hoa dừa cạn, hoa nhài… có giá thành hợp lý, dễ mua và màu sắc bắt mắt. 


Người dân chọn mua nông cụ, đồ gia dụng tại chợ Viềng (Nam Định) trong đêm 3, rạng sáng 4/2/2017. Ảnh: Minh Đức - TTXVN

Các gian hàng bán giống cây ăn quả cũng hết sức tấp nập. Giống các loại cây ăn quả được nhà buôn quảng cáo là ổi Hải Dương, cam Hoà Bình, hồng xiêm Xuân Đỉnh… được chất đầy trên chiếc xe tải nhỏ với rất nhiều khách hàng vây quanh để lựa cây, khảo giá. 

Khác với sự xô bồ của những phiên chợ thông thường chỉ thuần việc bán mua, chợ Viềng Nam Định còn nổi tiếng bởi đây là phiên chợ tâm linh. Chợ Viềng Nam Giang là nơi có chùa Đại Bi thờ Thiền Sư Từ Đạo Hạnh, chợ Viềng Kim Thái, Trung Thành là nơi có quần thể di tích Phủ Dày thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Vậy nên người đi chợ cũng là đi lễ, đã đến chợ Viềng, hầu hết du khách đều dừng bước vãn cảnh, vào chùa, vào phủ cầu nguyện những điều tốt đẹp cho gia đình, người thân. 

B ên cạnh việc thực hiện tốt công tác quảng bá về chợ Viềng Xuân và lễ hội Phủ Dầy, Ban Tổ chức chợ Viềng Xuân Vụ Bản cũng chú trọng đến vấn đề nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về di tích và lễ hội. 

Đặc biệt trong bối cảnh lễ hội Phủ Dầy và “Nghi lễ Chầu văn của người Việt” đã được Nhà nước công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia và di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” mới được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; từ đó đã khơi dậy niềm tự hào của địa phương, ảnh hưởng tích cực đến việc bảo tồn quần thể Phủ Dầy, tạo điều kiện thu hút du khách về tham quan và dự phiên chợ Viềng Xuân độc đáo ngày càng nhiều hơn. 


Du khách thập phương chọn mua các mặt hàng đồ cũ, đồ cổ lấy may tại chợ Viềng trong đêm 3, rạng sáng 4/2/2017 Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Với lượng du khách đông nên Ban tổ chức và chính quyền ở cả hai huyện có địa điểm họp chợ Viềng đều đã xây dựng kế hoạch và triển khai, tổ chức phân luồng giao thông hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế để tránh tình trạng ùn tắc trên các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát giá dịch vụ ăn uống, coi xe, bến bãi, thu phí, lệ phí, kiểm tra hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng nhái... cũng được các địa phương phối hợp cùng ngành chức năng thực hiện tốt đảm bảo cho du khách có một mùa lễ hội an toàn, lành mạnh. 

Ông Đỗ Văn Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản, Trưởng ban tổ chức chợ Viềng Xuân huyện Vụ Bản cho biết: Sau chợ Xuân, các địa phương tổ chức chợ sẽ thực hiện ngay viêc thu gom rác thải, chất thải và phối hợp với ngành y tế xử lý vệ sinh các khu vực để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh và giữ gìn cảnh quan môi trường...

Hiền Hạnh 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm