Ngày Quốc tế Trẻ em gái 11/10: Lựa chọn giới tính thai nhi là vi phạm pháp luật

11/10/2018 10:52 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Nước ta đã có hệ thống pháp luật, chính sách khá chặt chẽ liên quan đến bất bình đẳng giới và lựa chọn giới tính. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc giải quyết mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập. Bất bình đẳng giới đã ăn sâu vào nhận thức xã hội. Để thay đổi những khuôn mẫu đã tồn tại hàng thế kỉ, cần có những hành động và cam kết của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Nguyên nhân trực tiếp hàng đầu

Theo quy luật tự nhiên, trung bình cứ 100 bé gái được sinh ra thì tương ứng sinh được khoảng từ 104 - 106 bé trai. Ở Việt Nam, từ những năm đầu thế kỷ 21, ở nhóm dân số dưới 15 tuổi số trẻ em nam luôn cao hơn số trẻ em nữ. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, tỷ số giới tính khi sinh đã tăng từ khoảng 106 bé trai/100 bé gái vào năm 2000, lên 110,5 bé trai vào năm 2009 và 112,8 vào năm 2015. Tới năm 2016 tỷ số này tuy có giảm nhưng vẫn giữ ở mức 112,2 bé trai/100 bé gái. Theo các ước tính nhân khẩu học, nếu tỷ số giới tính khi sinh tiếp tục tăng ở tốc độ hiện nay, đến năm 2050, dân số Việt Nam sẽ thừa từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới ở độ tuổi dưới 50.

Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo với nhiều phong tục, tập quán. Trong đó, có tục “trọng nam, khinh nữ” gắn liền với thực hành thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường. Bên cạnh đó, do là nước nông nghiệp nên con trai được đánh giá cao hơn do sự vượt trội về sức khỏe. Vì thế, nhiều người quan niệm chỉ có con trai mới có thể gánh vác trọng trách thờ cùng tổ tiên; giúp đỡ nhiều cho gia đình trong lao động sản xuất, là chỗ dựa vững chắc cho cha mẹ khi về già… Đây chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh.

Chú thích ảnh
Chăm sóc trẻ sơ sinh. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Tuy nhiên, mất cần bằng giới tính khi sinh chỉ thực sự  bùng nổ tại Việt Nam khi công nghệ siêu âm phát triển rộng rãi, tạo điều kiện cho việc xác định giới tính trước khi sinh. Ngày nay, hầu hết mọi gia đình ở Việt Nam đều chấp nhận chuẩn gia đình chỉ có một đến hai con thay vì sinh nhiều con như trước đây. Vì vậy, khả năng có được con trai trong tối đa 2 lần sinh bị giảm đi. Dó đó, nhiều cặp vợ chồng đã chủ động áp dụng những thành tựu của khoa học để lựa chọn giới tính thai nhi.

Theo kết quả điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình thời điểm 1/4/2016 của Tổng cục Thống kê, hầu hết phụ nữ đều biết giới tính khi sinh của thai nhi bằng phương pháp siêu âm, công cụ chuẩn đoán hiệu quả và hiện đại. Trên phạm vi cả nước, thành thị/nông thôn và các vùng kinh tế - xã hội, tỷ lệ phụ nữ 15-49 tuổi sinh con biết giới tính thai nhi thông qua siêu âm đạt gần 99%. Phần đông các bà mẹ biết giới tính trước khi sinh khi thai từ 15 - 28 tuần (74,0%). Số bà mẹ biết giới tính trước khi sinh khi thai trên 28 tuần chiếm tỷ lệ thấp nhất (1,7%). Điều đó chứng tỏ khi mang thai, hầu hết phụ nữ đã có tâm lý muốn biết sớm giới tính thai nhi. Điều tra cũng cho thấy, mong muốn sinh con trai có xu hướng cao hơn so với việc sinh con gái. Trong đó, Đồng bằng sông Hồng cao nhất với 32,7%, tiếp theo là Trung du và Miền núi phía Bắc (29,9%), Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (29,0%) và thấp nhất là Đông Nam Bộ (17,5%).

Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ gây ra những hậu quả trầm trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và cuộc sống của phụ nữ, nam giới, gia đình và cả cộng đồng. Tình trạng thiếu phụ nữ trẻ sẽ khiến nhiều nam giới khó tìm được bạn đời. Sự “khủng hoảng về hôn nhân” có thể để lại một loạt hậu quả cả về mặt nhân khẩu học và mặt xã hội bao gồm nạn ép buộc kết hôn, buôn bán và bạo hành phụ nữ và trẻ em gái và cả nguy cơ bất ổn xã hội do sự bất mãn về xã hội và tình dục của nam giới. Trong tình trạng đó, những nam giới yếu thế - cụ thể là những người nghèo và học vấn thấp sẽ càng có ít cơ hội để xây dựng gia đình. Số người di cư trong nước và ra nước ngoài vì mục đích hôn nhân cũng có thể tăng lên, làm cho xã hội càng mất ổn định hơn.

Lựa chọn giới tính thai nhi chưa được kiểm soát chặt

Lựa chọn giới tính thai nhi hoặc cung cấp dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi là hành vi vi phạm pháp luật theo quy định của Pháp lệnh Dân số năm 2003 và sẽ bị xử phạt theo Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, dân số, trẻ em được quy định trong Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 và Nghị định số 114/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Luật Bình đẳng giới năm 2006 cũng quy định: “Lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức hoặc xúi giục, ép buộc người khác phá thai vì giới tính của thai nhi” là vi phạm pháp luật.

Mặc dù đã có những quy định chính thức cấm lựa chọn giới tính, nhưng siêu âm và nạo phá thai vẫn bị lạm dụng cho mục đích lựa chọn giới tính. Việc giám sát nghiêm ngặt các phòng khám và bệnh viện tư nhân vẫn chưa được thực hiện. Bên cạnh đó, các chế tài hiện hành vẫn chưa đủ mạnh để dẫn đến thay đổi hành vi. Điều này khiến các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia y tế phải đối mặt với thách thức trong việc vừa đảm bảo mục tiêu bảo vệ sức khỏe và quyền lợi cho phụ nữ qua việc tiếp cận với công nghệ siêu âm tiền sinh và các dịch vụ nạo phá thai an toàn, nhưng cũng đồng thời tránh việc lạm dụng những công nghệ sản khoa mới.

Để đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên (103-106 bé trai/100 bé gái), Đảng và Nhà nước đã có những chỉ đạo cụ thể trong các chiến lược, chương trình, văn bản chính sách như: “Chiến lược quốc gia về Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020”; “Chương trình hành động quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020”; đề án “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025”; Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 23/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025…

Nghị quyết số 21 - NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Khóa XII về “Công tác dân số trong tình hình mới” đã đề ra mục tiêu “đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên”, trước hết, “đến năm 2030, tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống”.

Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ vừa cấp bách, vừa lâu dài. Trước hết, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của người dân về hiểm họa của mất cân bằng giới tính khi sinh; phổ biến thực hiện nghiêm Pháp lệnh Dân số; phê phán các hủ tục lạc hậu; nêu gương các gia đình có con gái làm ăn phát đạt, hạnh phúc. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vị thế của con gái trong gia đình và xã hội; tạo điều kiện, cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái trong mọi lĩnh vực…

Để giải quyết được tận gốc rễ tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cũng phải xoá bỏ được các hoạt động bất hợp pháp của một số cán bộ y tế trong việc xác định giới tính và lựa chọn giới tính thai nhi. Mặc dù đã có những Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, dân số và trẻ em nhưng hiện có rất ít địa phương áp dụng các Nghị định này để xử phạt. Do vậy, cần tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật; yêu cầu các cơ sở y tế, nhất là y tế tư nhân cam kết không tư vấn và cung cấp dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi; xử phạt mạnh các hành vi vi phạm; xây dựng bộ Quy định Đạo đức nghề nghiệp, trong đó có những cam kết ngăn chặn việc lựa chọn giới tính thai nhi…

TTXVN/Minh Huệ

Bộ Y tế tổ chức tham vấn về dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính

Bộ Y tế tổ chức tham vấn về dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính

Ngày 17/11, Bộ Y tế phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức hội thảo tham vấn cộng đồng về dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm