Nga kêu gọi các nước không triển khai tên lửa bị cấm trong khuôn khổ INF

25/09/2019 19:23 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi thông điệp cho các nhà lãnh đạo của nhiều nước, bao gồm các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong đó đề xuất không triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn bị cấm trong khuôn khổ Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ở châu Âu và các khu vực khác.      

Mỹ và Nga chính thức rút khỏi INF: Bước đi đầy nguy hiểm

Mỹ và Nga chính thức rút khỏi INF: Bước đi đầy nguy hiểm

Mỹ đã tuyên bố chính thức rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) từ ngày 2-8. Đồng thời, Bộ Ngoại giao Nga cũng xác nhận chấm dứt hiệu lực của hiệp ước INF vốn được hai nước ký hồi tháng 12-1987. Bước đi này của hai cường quốc hạt nhân đã khiến hiệp ước INF chính thức bị “khai tử”.

Báo Kommersant của Nga ngày 24/9 đưa tin một nhà ngoại giao NATO dự kỳ họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) lần thứ 74 tại New York (Mỹ) đã xác nhận thông điệp về vấn đề trên được gửi vào ngày 19/9. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Nga cũng đã gửi những thông điệp tương tự cho một số quốc gia không thuộc NATO, như Trung Quốc, cũng như Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini và Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg.        

Báo Kommersant trích dẫn bức thư nêu rõ: "Nga đã thông báo quyết định không triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn hơn ở châu Âu hay những khu vực khác, trong khi Mỹ lại cố gắng không đưa ra cam kết này. (Chúng tôi) đã kêu gọi Mỹ và các đồng minh của nước này đưa ra những cam kết tương tự song chúng tôi không nhận thấy bất kỳ mối quan tâm chung nào".

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì cuộc họp tại Moskva ngày 23/8/2019. Ảnh: THX/ TTXVN

Nga cũng kêu gọi các nước ủng hộ những nỗ lực về việc không triển khai tên lửa bị cấm theo INF tương tự như những gì mà Moskva đã cam kết. Cũng theo bức thư này, việc hoãn triển khai tên lửa được bị cấm theo INF sẽ đòi hỏi các biện pháp xác định bổ sung, đặc biệt trong bối cảnh các bệ phóng tên lửa tầm trung đã được triển khai tại châu Âu. Tuy nhiên, Nga sẵn sàng nhất trí về một số biện pháp xác định với NATO.   

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định nước này không thử và cũng không sở hữu tên lửa tầm ngắn và tầm trung bị cấm theo INF, ngoài ra cũng không triển khai những loại tên lửa như vậy ở châu Âu. Theo Bộ Quốc phòng Nga, điều này trái với Mỹ, nước đã tiến hành thử tên lửa tầm trung ngày 18/8 vừa qua. Bộ trên cũng nhấn mạnh Moskva hy vọng có được đảm bảo từ các nước phương Tây về việc không cho phép Mỹ triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung trên lãnh thổ những nước này.         

INF được Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km).

Tuy nhiên, Mỹ và Nga đã nhiều lần chỉ trích lẫn nhau vi phạm thỏa thuận. Hồi tháng 8 vừa qua, Mỹ đã chính thức rút khỏi INF, dẫn tới Nga cũng đình chỉ hiệp ước. Một loạt quốc gia và tổ chức quốc tế đã kêu gọi Nga - Mỹ đối thoại để "đảo ngược" quyết định trên và tránh một cuộc chạy đua vũ trang mới.   

Phương Oanh/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm