Nga chính thức công bố Hiến pháp sửa đổi

05/07/2020 07:23 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 4/7, cổng công báo chính thức của Liên bang Nga đã đăng tải nội dung bản Hiến pháp sửa đổi được thông qua sau cuộc bỏ phiếu của cử tri Nga trên toàn quốc hôm 1/7 vừa qua.

Người dân Nga ủng hộ đề xuất cải cách Hiến pháp của Tổng thống Vladimir Putin

Người dân Nga ủng hộ đề xuất cải cách Hiến pháp của Tổng thống Vladimir Putin

Ngày 1/7, Ủy ban bầu cử trung ương Nga đã công bố kết quả sơ bộ cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp, theo đó phần lớn cử tri Nga đều ủng hộ đề xuất cải cách Hiến pháp của Tổng thống Vladimir Putin.

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, bản Hiến pháp, được thông qua lần đầu trong cuộc bỏ phiếu toàn dân ngày 12/12/1993, có tổng cộng 206 sửa đổi, trong đó có những nội dung chính liên quan đến các vấn đề xã hội, bao gồm những đảm bảo bảo vệ phẩm giá công dân và tôn trọng người lao động, lập chỉ mục lương hưu ít nhất một lần trong năm và đảm bảo thực hiện các nguyên tắc hợp tác xã hội trong lao động. Thêm vào đó, luật cơ bản sửa đổi của Nga cũng đề cập đến khả năng tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng với giá thành phù hợp, nhà nước đảm bảo ưu tiên giáo dục gia đình và trách nhiệm của cha mẹ đối với những trẻ em không được chăm sóc.

Nga, Putin, Liên bang Nga, sửa đổi, Hiến pháp
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) làm thủ tục tại điểm bỏ phiếu trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp ở Moskva ngày 1/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Hiến pháp sửa đổi cấm bầu công dân Nga đang hoặc từng là công dân của quốc gia khác hoặc có quyền định cư ở nước ngoài làm tổng thống. Điều này cũng áp dụng với các thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ, quan chức cấp cao khu vực, người đứng đầu các cơ quan liên bang, ủy viên nhân quyền, thẩm phán, công tố viên… Luật Cơ bản mới được ưu tiên hơn luật quốc tế, theo đó, Tòa án Hiến pháp Nga có quyền không thi hành quyết định của các cơ quan quốc tế nếu chúng mâu thuẫn với Luật Cơ bản.

Hiến pháp sửa đổi cũng tăng thêm quyền hạn cho Duma Quốc gia (Hạ viện) và Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga. Điều khoản quy định số lượng nhiệm kỳ của Tổng thống Nga hiện đã bỏ xóa bỏ từ “liên tục”, đồng thời bổ sung điều khoản không tính đến số lượng nhiệm kỳ mà Tổng thống đã đảm nhiệm tính đến thời điểm những nội dung sửa đổi Hiến pháp có hiệu lực.

Nga, Putin, Liên bang Nga, sửa đổi, Hiến pháp
Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì một cuộc họp trực tuyến ở ngoại ô Moskva ngày 2/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo quy định của Hiến pháp sửa đổi, Tổng thống có quyền thành lập Hội đồng An ninh và Hội đồng Nhà nước Nga. Bên cạnh đó, văn bản này còn bao gồm trong những nội dung sửa đổi được Tổng thống Vladimir Putin đề xuất là cấm một số quan chức nhất định, kể cả nguyên thủ quốc gia, có quốc tịch kép và tài khoản ở ngân hàng nước ngoài.

Ý tưởng sửa đổi Hiến pháp đã được Tổng thống Putin đưa ra trong Thông điệp Liên bang đọc hôm 15/1/2020. Theo ông, các sửa đổi này đóng vai trò cần thiết đối với sự phát triển hơn nữa của nước Nga với tư cách là một nhà nước xã hội hợp pháp, trong đó "giá trị cao nhất là tự do và quyền công dân, phẩm giá và hạnh phúc của con người”.

Duy Trinh/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm