Nên bỏ tử hình với tội nào?

03/08/2015 09:54 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều vụ giết người gây chấn động thời gian qua khiến dư luận hết sức quan tâm việc góp ý Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi), trong đó đề cập thu hẹp phạm vi áp dụng tử hình.

Hiện nay, Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) được triển khai lấy ý kiến nhân dân, các cấp, các ngành về những nội dung lớn cũng như các quy định cụ thể để góp phần hoàn thiện Dự thảo.

Góp ý Bộ luật hình sự (sửa đổi), Tiến sĩ Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có bài viết với nhan đề: “Vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân, thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình và lượng hóa các tình tiết định tính trong Bộ luật hình sự”. Thể thao & Văn hóa trích đăng bài viết này:

"Cùng với sự phát triển của văn minh nhân loại, vấn đề xóa bỏ hoặc chỉ giữ lại rất ít tội có hình phạt tử hình đã trở thành xu hướng chung của thế giới. Quá trình hoàn thiện chính sách hình sự ở nước ta cũng đi theo xu hướng chung đó và được triển khai một cách nghiêm túc, kiên trì trong các lần sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự.

Nếu như Bộ luật hình sự năm 1985 (qua bốn lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 1989, 1991, 1992 và 1997) có 44 điều luật quy định hình phạt tử hình đối với các tội phạm cụ thể (chiếm 20,37%), thì đến Bộ luật hình sự năm 1999 giảm xuống còn 29 điều (chiếm 11%) và sau lần sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự vào năm 2009 giảm xuống còn 22 điều (chiếm trên 8%).


Hung thủ vụ thảm sát Bình Phước gây chấn động dư luận

Tuy vậy, thực tiễn thi hành Bộ luật hình sự cũng cho thấy, mỗi năm số người bị kết án tử hình và đưa ra thi hành án vẫn còn cao.

Đối với những người này, cơ hội phục thiện, tái hòa nhập cộng đồng không còn được đặt ra nữa. Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 tiếp tục yêu cầu “Hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.

Tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hiện trên thế giới có 97 quốc gia bãi bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình; 8 quốc gia chỉ áp dụng đối với tội phạm chống hòa bình; 35 quốc gia có quy định về hình phạt tử hình nhưng không áp dụng trên thực tế; một số nước còn duy trì hình phạt tử hình (Nhật Bản, Trung Quốc, Inđônesia …) thì việc áp dụng cũng rất hạn chế, chỉ trong một số nhóm tội đặc biệt như xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, một số tội phạm về ma túy. Liên bang Nga chỉ áp dụng hình phạt tử hình đối với tội đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm tính mạng của con người.

Để tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng về hạn chế phạm vi áp dụng hình phạt tử hình, chúng tôi đồng tình với quan điểm của Ban soạn thảo và đề xuất tiếp tục rà soát, quy định cụ thể, chặt chẽ các điều kiện áp dụng hình phạt tử hình. Cụ thể theo hướng:

Về loại tội: Chỉ nên áp dụng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thuộc nhóm tội xâm hại hoặc đe dọa xâm hại sự tồn vong của Nhà nước, chế độ; các tội xâm phạm tính mạng con người, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển của giống nòi; tội phạm tham nhũng; các tội xâm hại an ninh và hòa bình thế giới.

Về tính chất, quy mô của hành vi phạm tội: Chỉ nên áp dụng hình phạt tử hình đối với một số trường hợp phạm tội có tổ chức với quy mô lớn; có sự câu kết chặt chẽ giữa các băng, nhóm tội phạm trong việc thực hiện tội phạm hoặc một số trường hợp phạm tội đơn lẻ nhưng hành vi phạm tội có tính bạo lực dã man, tàn bạo, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho nhiều người, gây bất bình lớn trong xã hội.

Về đối tượng: Chỉ nên áp dụng đối với kẻ chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm, những kẻ tái phạm nguy hiểm hoặc quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng.

Có thể nói, tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất trong các chế tài hình sự.

Thực tiễn áp dụng hình phạt tử hình trong nhiều thập kỷ qua đã đem lại những tác động tích cực nhất định trong đấu tranh chống tội phạm, nhưng mặt khác của hình phạt này là sẽ tước đi quyền sống (quyền cơ bản, quan trọng nhất của con người); hạn chế một trong những mục đích quan trọng của hình phạt là giáo dục, cải tạo, phục thiện đối với người bị kết án; tước bỏ cơ hội tái hòa nhập cộng đồng của họ.

Việc sửa đổi Bộ luật hình sự theo hướng tiếp tục hạn chế hình phạt tử hình là rất cần thiết, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta và xu hướng chung của các nền tư pháp tiến bộ trên thế giới.

Tuy nhiên, đây là công việc quan trọng, phức tạp, cần được tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng, thận trọng, dựa trên kết quả nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn. Những tiêu chí nhằm hạn chế hình phạt tử hình như phân tích trên cũng đang được nhiều quốc gia trên thế giới vận dụng để hoàn thiện Luật hình sự.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm