Nạn ấu dâm, nhìn từ vụ việc Minh Béo: Chuyện không của riêng ai

10/04/2016 07:21 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Khá bất ngờ, thảm cảnh của Minh Béo lại khiến đưa sự chú ý của dư luận về nạn lạm dụng tình dục trẻ em ở Việt Nam - một dòng chảy đang tồn tại song song với cuộc sống của chính chúng ta.

“Minh béo là ngôi sao, và sự việc xảy ra ở ngoài biên giới VN nên nhiều người tò mò” - TS Khuất Thu Hồng nhận xét. “Nhưng, đáng nói hơn, người tố cáo Minh là một nam giới. Đó là điều khiến nhiều bậc phụ huynh giật mình và lo ngại”.

Người lớn e dè, trẻ em sẽ trả giá?

TS Khuất Thu Hồng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội) là người nhiều năm nghiên cứu về vấn đề giới, cũng như trẻ em. Theo chia sẻ của chị, xã hội Việt Nam có hiểu biết về vấn đề xâm hại tình dục ở trẻ em chưa đầy đủ. Thậm chí, vấn đề này đang là một khoảng trống trong nhận thức xã hội. Mặc dù, nó quan trọng và liên quan mật thiết tới từng hộ gia đình.

“Chúng ta thường nói về chuyện tình dục cho vui, thay vì tiếp cận vấn đề một cách nghiêm túc. Bởi thế, việc trao truyền kiến thức tình dục là không có” - TS Hồng nói. “Sự lảng tránh này ít nhiều đến từ tâm lý sợ “vẽ đường cho hươu chạy”, nên không muốn trẻ em biết trước về vấn đề này”.

Phân tích của TS Khuất Thu Hồng còn nhắc tới việc tại Việt Nam, bản thân người lớn cũng chưa nhận thức đầy đủ lằn ranh giữa lạm dụng tình dục và trêu đùa con trẻ. Bởi nhìn lại, từ lâu, trong chương trình giáo dục, chúng ta không có phần nào dành cho giáo dục tình dục. Và những con người thiếu kiến thức về tình dục hôm nay là kết quả của quá trình giáo dục trước đây.


Vụ việc của Minh Béo trên đài truyền hình ABC (Mỹ)

Nhà báo Hà Việt Anh (Thư ký tòa soạn Tạp chí Mẹ và bé) nhận xét thêm: “Xã hội Việt Nam chưa nhận thức rõ về việc xâm hại tình dục trẻ em cũng dễ hiểu. Đó vẫn là câu chuyện về đặc trưng tính cách của người Á Đông: cha mẹ có thể rất thương, rất lo cho con, nhưng lại luôn cảm thấy ngần ngại, khó nói khi nhắc tới câu chuyện tế nhị này”.

Ở một góc độ khác, phải thừa nhận: việc ít có cơ hội tìm hiểu về tình dục khiến chúng ta có sự lơ là nhất định, hoặc có những sai lầm như “bỏ quên” các bé trai trong đối tượng cần bảo vệ. Và, khi không có những động thái chuẩn bị cụ thể để bảo vệ, bi kịch đến với trẻ em có thể là hệ quả từ chính sự e dè của phụ huynh.

Cũng cần nhắc lại: nạn xâm phạm tình dục trẻ em là câu chuyện có thể diễn ra một cách bất ngờ ngoài sức tưởng tượng và đề phòng của mỗi người. Theo nhà báo Việt Anh, như những gì từng được báo chí phương Tây thống kê, có rất nhiều trường hợp thủ phạm không phải người lạ, mà lại là hàng xóm, người thân, hoặc bạn bè của cha mẹ…

Và câu chuyện rất có thể không xảy ra ở những nơi vắng người, mà lại đến từ một chút sơ sảy, thiếu chú ý của phụ huynh trong những buổi liên hoan của cuộc sống hàng ngày.


Ca sĩ người Anh Garry Glitter, từng bị kết án 3 năm tù tại Việt Nam vì tội ấu dâm

Hãy tự bảo vệ

TS Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý học Hà Nội, người có nhiều cải tiến đặc biệt trong giáo dục cho hay: “Chúng ta chưa bao giờ nhìn nhận vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em một cách nghiêm túc, có hệ thống. Đâu đó, tôi đã gặp những câu lạc bộ hướng dẫn trẻ cách phòng tránh lạm dụng tình dục. Nhưng, đây là vấn đề lớn, bức thiết với toàn xã hội. Những câu lạc bộ như trên không thể giải quyết triệt để vấn đề”.

“Trong tâm lý giáo dục, mọi giải pháp cần xuất phát từ hai phía. Ngoài thẳng thắn nói chuyện tình dục, cách phòng vệ với con em, hệ thống giáo dục cũng cần có những động thái để thay đổi nhận thức, hành vi người lớn- những người có khả năng xâm hại trẻ vô hình hay hữu ý” – vị TS này nói.

“Khoảng trống ấy nhất thiết cần lấp đầy bằng những giải pháp mạnh và tổng thể của nhà nước. “Đánh trống bỏ dùi” là điều khó chấp nhận trong tất cả các vấn đề. Song, trong chuyện bảo vệ trẻ em, việc “đánh trống bỏ dùi” là vô lương!

Còn theo TS Khuất Thu Hồng, giải pháp cơ bản để khắc phục tình trạng này là sự phát triển đồng bộ chương trình giáo dục giới tính trong nhà trường, từ mẫu giáo. Các chương trình giáo dục cộng đồng cũng cần được nhân rộng để mọi người cùng hiểu và vượt qua cái gọi là “nhạy cảm”.

Bên cạnh đó, truyền thông cũng không nên chỉ đưa những chi tiết trong các vụ xâm hại để kích thích sự tò mò của công chúng. Việc tuyên truyền các hình thức xử phạt của luật pháp ngay trong tin, bài cũng là một phần của gói giải pháp.

Riêng từ góc độ một phụ huynh, nhà báo Hà Việt Anh đưa ra những giải pháp cụ thể hơn. Chị nói: Trong lúc chờ nền giáo dục có những bước phát triển hơn về mọi mặt, cũng như về vấn đề giáo dục giới tính cho trẻ, để lấp đầy khoảng trống ấy, tôi chỉ có một chia sẻ từ góc độ gia đình: các bậc cha mẹ hãy cố gắng tự bảo vệ con mình. Bởi, khi sự việc đau lòng đã xảy ra rồi, có ân hận hay “giá như” cũng chẳng có tác dụng gì.

Theo lời chị, việc giáo dục, giúp các em tự ý thức về vấn đề bảo vệ mình cũng cần một lộ trình phù hợp với lứa tuổi, chứ không thể đốt cháy giai đoạn. Nhưng, vẫn có nhiều điều mà cha mẹ có thể giúp các em làm quen từ sớm.

Đó là việc từ chối những món quà không đến từ tay ông bà cha mẹ, là việc giữ khoảng cách với người lạ nếu cha mẹ không ở cạnh, là việc ở gần cha mẹ tại những không gian công cộng hoặc môi trường phức tạp, chủ động tự vệ và phản ứng mạnh khi bị người khác đụng chạm vào cơ thể, ôm ấp, hôn hít hay những hành động sàm sỡ khác…

“Đặc biệt, tôi cũng luôn tin vào cái gọi là trực giác và bản năng làm mẹ của người phụ nữ” - nhà báo nữ này nói. “Chủ động để mắt và thật sự quan tâm đến con trẻ, chúng ta vẫn có khả năng nhận ra nguy cơ trước những tín hiệu bất an có thể xảy đến với con mình".

Sơn Tùng - Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm