Một tháng trước giờ G

22/04/2008 17:47 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH online)- Ngôi chùa lớn nhất. Tượng đồng lớn nhất. Chuông đồng lớn nhất. Và 500 pho tượng La Hán- cũng nhiều nhất VN. Chừng ấy thông tin đã đủ để người ta " phát sốt" về một ngôi chùa đồ sộ hơn bất cứ chùa nào tại VN, với những kỷ lục được ghi cho cả Đông Nam Á.

Kỷ lục của những kỷ lục...

Choáng! Đó là cảm giác đầu tiên khi bước vào Pháp Chủ điện và Tam Thế điện - 2 công trình đã gần hoàn thành tại cụm chùa Bái Đính. Choáng vì bị ngợp trước những pho tượng Phật  Tam Thế (quá khứ, hiện tại, vị lai) và tượng A Di Đà khổng lồ, được đúc bằng đồng nguyên chất, nặng hàng chục tấn. Choáng bởi những cây cột khổng lồ bằng gỗ lim xanh, có đường kính gần 2,3 vòng ôm. Choáng vì nóc điện  lồng lộng, cao vút lên tới gần 30 thước. Và choáng trước kích thước khổng lồ của 2 ngôi điện này, với diện tích sàn chừng 2400m2, xấp xỉ bằng 16 lần diện tích thông thường của một ngôi chùa tại vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tính cả diện tích mái xòe rộng ra 4 hướng, tổng diện tích mỗi ngôi điện lên tới gần 4000m2.

          
Cung tam thế

Dọc theo sườn núi thoai thoải, trục thần đạo của chùa Bái Đính bao gồm cổng Tam Quan, điện thờ Quan Thế Âm Bồ tát, hồ Phóng Sinh, tháp chuông, Pháp Chủ, Tam Thế điện. Tới thời điểm này, những  công trình điêu khắc làm nên chuỗi kỷ lục của chùa Bái Đính đã được đưa cả về công trường.  4 pho tượng Phật bằng đồng được đúc tại làng Lâm Lâm, Ý Yên (Nam Định). 2 chiếc chuông đồng khổng lồ được thi công bởi xưởng thợ của nghệ nhân Trương Văn Sinh, 11 đời cùng theo nghề đúc đồng tại thành phố Huế. Rồi  một góc đồi, 500 pho tượng La Hán tạc bằng đá trắng, chen vai thích cách san sát như rừng. Tất cả được tạc bằng đá xanh, cao gấp rưỡi người thường (chừng 2m3). Tò mò hỏi, một bác thợ ngồi trông tượng kể vanh vách: 500 pho tượng này được lấy mẫu từ tranh Trung Quốc cổ. Các chuyên gia mỹ thuật, điêu khắc lần lượt phục dựng những bức tranh này thành mẫu tượng nổi bằng thạch cao. Sau đó,gần 200 thợ khắc của làng đá Ninh Vân, Ninh Bình đã bỏ ra 2 năm trời để thực hiện xong chỗ tượng này.



Điện quan âm đang trong quá trình xây dựng

Ở chùa Bái Đính, hiện đã có 4 kỷ lục được ghi nhận: chùa có diện tích rộng nhất Việt Nam (490ha), có 2 chuông đồng lớn nhất ( 27 và 36 tấn), có tượng Phật bằng đồng nặng nhất (1 pho 100 tấn và 3 pho 50 tấn), có nhiều tượng La Hán nhất (500 pho). Riêng hai kỉ lục sau đã đạt tới tầm ... nhất Đông Nam Á. Chỉ cần làm một phép so sánh đã có thể thấy tầm cỡ của những kỉ lục này: chiếc chuông đồng giữ kỉ lục cũ nằm tại chùa Cổ Lễ chỉ nặng 9 tấn. Trong khi đó, chiếc chuông đồng lớn nhất đặt tại Bái Đính nặng 36 tấn, có chạm đủ hoa văn và  hai bài kinh Đại Bi- Bát Nhã bằng cả tiếng Hán lẫn tiếng Việt. Theo lời thợ ở đây, khi chuông được kéo lên, đánh hết sức, tiếng có thể vang tới tận ... khu cố đô Hoa Lư cách đó 5 km.

Quy mô của bất cứ công trình nào tại chùa Bái Đính cũng dễ khiến du khách phải ngạc nhiên. Và không có gì khó hiểu, nếu gọi " đại công trình" này là ngôi chùa đạt kỷ lục về... những kỷ lục.

Tấp nập trước giờ G

Một tháng nữa, giai đoạn một của đại công trình Bái Đính sẽ chính thức khánh thành nhân ngày Phật Đản thế giới 18/5 (15/4 âm lịch). Còn dự kiến, giai đoạn hai với những công trình khác như khuôn viên, nhà dịch vụ, các khu nhà thờ Mẫu, thờ Tổ, nhà tăng thiền viện, nhà khách... phải tới 2010 mới xong.



Gác Chuông

Đường lên chùa Bái Đính bắt đầu ngay từ rìa thành phố Ninh Bình. Khoảng cách 12 km từ đây tới chùa trở nên quá ngắn so với sự háo hức của khách thập phương. Và theo lời những người dân, kể từ mùng 6 Tết- ngày hội chùa Bái Đính-, dòng người từ Ninh Bình và những tỉnh lân cận đã đổ về đều đặn cả sáng, trưa, chiều, tối. Những công ty du lịch nhanh nhạy đưa ra tour thăm Bái Đính cũng có. Những người dân tự phát phóng xe máy tới Bái Đính cũng nhiều. Đầu còn đội nguyên mũ bảo hiểm, họ hì hụi chen vào công trường đang xây dựng dở để ngắm "đại công trình" Rồi mặc cho những pho tượng khổng lồ còn đang bị giàn giáo vây quanh, hoa và bát hương cũng tới tấp mọc lên...



Quả chuông có khối lượng kỷ lục Việt Nam

Người đổ về càng khiến công trường Bái Đính giống như một tổ ong khổng lồ. Quanh chùa, trên đỉnh núi, lán trại, nhà xưởng của công nhân dựng chi chít như trại lính.. Nhiều hạng mục thi công chưa hoàn thành, gạch ngói, gỗ, trụ thép nằm ngổn ngang mé trước chùa , xen lẫn tiếng gầm rú của những chiếc máy xúc, máy ủi, xe benz, xe tải chạy suốt ngày đêm. Theo lời một quản đốc, không kể số thợ gia công tại địa phương, lượng thợ thường xuyên được duy trì tại công trường chùa Bái Đính lên tới 500 người, chia làm 7 đội, làm 3 ca không nghỉ ngày đêm trong suốt năm qua. Đó đều là những cánh thợ nề, thợ chạm, thợ sơn lành nghề, đến từ các vùng Thừa Thiên Huế, Kim Sơn, Yên Mô (Ninh Bình), Cát Đằng, Ý Yên (Nam Định), Quế Võ, Từ Sơn (Bắc Ninh)...



500 pho tượng la hán tại chùa Bái Đính

Cách chùa một đoạn ngắn là đường xuyên thủy động, được mở để đưa khách vào thăm đền Trần. Gần 50 hang động tự nhiên trong lòng cụm núi Tràng An đã được khai thông và nối với nhau bằng đường thuỷ. Ngồi trên thuyền, khách hành hương lần lượt đi qua hang Tối hun hút gần 300m, hang Rượu, hang Si, hang Ba Giọt, hang Sơn Dương, Phủ Khổng, Hang Trần rồi quay trở về bằng hang Quy Hậu. Lòng hang tối om, thỉnh thoảng mới có một ngọn đèn điện soi sáng. Thích cảm giác thư thái thanh tịnh khi hành hương đến cửa Phật, hẳn nhiều người sẽ thích tuyến đường này.

Vài năm trước, những chỗ này bốn bề là núi. Người ta mới đục thêm núi để nối các hang với nhau đấy - chị lái đò cười. Rồi chị kể: dân ở đây chủ yếu làm ruộng nên nghèo. Bây giờ, có chùa Bái Đính rồi, khách tới đây đông, mua 30 ngàn/suất vé.Chúng tôi cũng dễ kiếm thêm được miếng cơm...

Việt Hùng-Cúc Đường

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm