Một số nước châu Á ghi nhận thêm các ca nhiễm COVID-19 và tử vong

23/03/2020 14:30 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 23/3, Campuchia đã ghi nhận thêm 2 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên 86 ca.      

Dịch COVID-19: Lần đầu tiên số ca tử vong ở châu Âu vượt châu Á​

Dịch COVID-19: Lần đầu tiên số ca tử vong ở châu Âu vượt châu Á​

Theo số liệu thống kê mới nhất của Đại học Johns Hopkins, tổng số trường hợp mắc bệnh COVID-19 trên toàn cầu đã vượt quá 200.000 người, cụ thể đang là 201.436 người.

Cơ quan kiểm soát bệnh truyền nhiễm Campuchia khẳng định chưa thấy bằng chứng về sự bùng phát dịch bệnh cộng đồng, nhưng điều này vẫn có thể xảy ra.   

Cùng ngày, Bộ Y tế Thái Lan công bố thêm 122 ca mắc COVID-19. Đây là ngày thứ hai liên tiếp có số ca bệnh mới với ba con số sau khi cơ quan này xác nhận 188 ca nhiễm vào ngày 22/3 vừa qua. Tính đến trưa 23/3, số ca nhiễm bệnh được xác nhận tăng lên 721 người, trong đó 668 ca đang được điều trị tại bệnh viện, 52 ca đã được chữa khỏi và 1 ca tử vong.     

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, khoảng 30.000 người trên khắp Thái Lan đã đi xét nghiệm virus SARS-CoV-2, trong đó 10.000 người được đưa vào diện cần theo dõi. Người phát ngôn Bộ Y tế Thái Lan khuyến cáo những công dân không nằm trong diện nguy cơ cao thì không nên đi xét nghiệm do điều đó sẽ làm lãng phí tài nguyên và thời gian của hệ thống y tế.   

Trong khi đó, Bộ Y tế Philippines ngày 23/3 đã xác nhận thêm 8 ca tử vong và 16 ca mắc bệnh COVID-19 tại nước này, nâng tổng số ca tử vong lên 33 và số ca mắc bệnh lên 396 người. 

Chú thích ảnh
Người dân mua khẩu trang phòng tránh lây nhiễm virus corona tại Malina, Philippines,ngày 31/1/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Cùng ngày, Quốc hội Philippines đã tổ chức phiên họp đặc biệt trực tuyến để thảo luận về nỗ lực của nước này nhằm tránh tình trạng hỗn loạn do sự lây lan nhanh của dịch bệnh COVID-19.   

Còn tại Ấn Độ, nước này ngày 23/3 đã ghi nhận số ca mắc bệnh COVID-19 tăng lên 415 bệnh nhân. Với số bệnh nhân vượt mốc 400, hiện dư luận đang quan tâm liệu nước này đã bước vào giai đoạn lây nhiễm trong cộng đồng hay chưa.      

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Hội đồng nghiên cứu y học Ấn Độ (ICMR) cho biết tính đến ngày 23/3, nước này đã lấy hơn 18.000 mẫu phẩm từ 17.493 cá nhân để xét nghiệm COVID-19. Tổng cộng có 415 người đã có xét nghiệm dương tính trong số các trường hợp nghi nhiễm và những người tiếp xúc với các ca bệnh được biết đến.      

Từ ngày 23-31/3, Ấn Độ đã thực hiện lệnh phong tỏa ở thủ đô New Delhi và hơn 80 quận huyện trên cả nước, ở những nơi báo cáo về các ca nhiễm bệnh, nhằm ngăn ngừa sự lây lan của COVID-19.   

Trước những biện pháp phong tỏa của Chính phủ Ấn Độ, hãng ô tô Hyundai của Hàn Quốc thông báo sẽ dừng hoạt động 2 nhà máy tại thành phố Chennai, Ấn Độ, từ ngày 23-31/3 nhằm đảm bảo an toàn cho công nhân viên, cũng như tuân thủ quy định của chính phủ nước sở tại.  

Trong khi đó, nhà máy của hãng ô tô Kia ở bang Andhra Pradesh, bang không nằm trong diện bị phong tỏa, cũng đang xem xét tạm dừng hoạt động vì sự an toàn của toàn bộ công nhân viên.      

Hãng điện tử Samsung và LG cũng tạm dừng hoạt động nhà máy tại Ấn Độ. Samsung cho biết sẽ dừng hoạt động nhà máy sản xuất smartphone ở Noida, bang Uttar Pradesh từ ngày 23-25/3. Hãng LG tuyên bố tạm dừng sản xuất nhà máy điện tử gia dụng ở Noida và nhà máy sản xuất điện thoại thông minh ở Pune, bang Maharashtra từ ngày 23-31/3.    

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế làm việc tại khu vực cách ly dành cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Bangalore, Ấn Độ, ngày 12/3. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, du thuyền MSC Magnificia chở 1.700 hành khách, trong đó có 250 người được cho là đã xuất hiện triệu chứng mắc COVID-19, đang xin cập cảng Fremantle tại bang Tây Australia, do đã cạn kiệt nhiên liệu.   

Theo phóng viên TTXVN tại Australia, Thủ hiến bang Tây Australia Mark McGowan cho biết du thuyền đã thông báo xin phép cập cảng Fremantle trong vòng 24 giờ tới, sớm nhất là tối 23/3, để tiếp nhiên liệu. Đây là vấn đề bắt buộc phải cho phép và ông McGowan đã xin chỉ thị của Thủ tướng Scott Morrison, Bộ trưởng Nội vụ Peter Dutton để có những hướng dẫn cụ thể.   

Người đứng đầu bang Tây Australia cho biết Lực lượng Quốc phòng và Liên bang sẽ theo dõi chặt chẽ hoạt động cập cảng của du thuyền, đảm bảo sự an toàn cho người dân địa phương, cũng như các du khách. Chính phủ bang Tây Australia cam kết hỗ trợ những ca bệnh nặng của tàu MSC Magnifica. Tuy nhiên, toàn bộ du khách và thủy thủ đoàn đều không được phép rời tàu.   

Trước đó, bang Tây Australia, cùng với bang Nam Australia, đã tuyên bố đóng cửa biên giới bang từ  chiều 24/3 (theo giờ địa phương). Những người từ các bang khác tới Tây Australia sẽ được yêu cầu tự cách ly trong 14 ngày.

Hữu Kiên-Huy Lê-Mạnh Hùng- Diệu Linh/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm