Lễ dựng Nêu tại Đại Nội, Huế đón Xuân Kỷ Hợi 2019

28/01/2019 14:26 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 28/1 (tức ngày 23 tháng Chạp), Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tổ chức Lễ dựng Nêu tại Đại Nội, Huế đón Xuân Kỷ Hợi 2019. Lễ dựng Nêu năm nay được tổ chức 3 địa điểm: Triệu Tổ Miếu; Hiển Lâm Các - Thế Miếu, Đại Nội Huế và Điện Long An (Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, số 3 Lê Trực, thành phố Huế).

Tái dựng đầy đủ nhất lễ dựng Nêu chốn Hoàng cung

Tái dựng đầy đủ nhất lễ dựng Nêu chốn Hoàng cung

Chiều ngày 23 tháng Chạp, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã tổ chức lễ dựng Nêu ngày Tết, một nghi lễ đầy ý nghĩa trong đời sống tâm thức của người Việt mà các vua nhà Nguyễn thực hiện hàng năm tại Đại Nội - Huế.

Đây là một hoạt động nhằm tái hiện nghi lễ xưa của dân tộc Việt Nam nói chung, triều đình nhà Nguyễn nói riêng, tạo điểm nhấn trong chuỗi hoạt động văn hóa, du lịch mừng Xuân Kỷ Hợi 2019, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng và khách du lịch.

Nêu được dựng trong Đại Nội Huế là một cây tre già dài 15 m; 10 lính vác nêu trong trang phục chỉnh tề cùng đội nghi thức và ban lễ nhạc cung đình đảm trách. Nêu được rước từ cửa Hiển Nhơn đi qua phía sau điện Thái Hòa, tiến về Thế Miếu (nơi thờ các vị vua triều Nguyễn) trong âm thanh của các bài nhạc lễ cung đình xưa. Tại Thế Miếu, hương án được soạn bày với các lễ phẩm cùng đoàn bồi tự và đội đại nhạc đã sẵn sàng. Cùng lúc, Nêu cũng được dựng tại Triệu Miếu và điện Long An. Các nghi thức dựng Nêu lần lượt gồm lễ bái, nghinh thần, khánh hạ được cử hành trong âm thanh trang nghiêm của Nhã nhạc cung đình. Tiếp đó, các lính vác Nêu tiến hành dựng Nêu lên, báo hiệu ngày Tết đã đến trong hoàng cung. Nét đặc biệt của lễ dựng Nêu tại Hoàng cung Huế là luôn gắn liền với đại nhạc, tiểu nhạc (Âm nhạc cung đình Việt Nam) và với các nghi thức rất trang trọng.

Chú thích ảnh
Đoàn rước cay nêu đi quan trước sân điện Thái Hòa trong mưa. Ảnh: Nhật Linh/ Báo Tuổi Trẻ

Khi cây Nêu được dựng lên, đầu ngọn Nêu bao giờ cũng có treo ấn tín, văn phòng tư bảo, biểu trưng của việc phong ấn để triều đình nghỉ ngơi (từ 23 tháng Chạp đến mồng 7 tháng Giêng). Dưới triều Nguyễn, khi thấy trong cung dựng cây Nêu, toàn thể nhân dân theo đó đồng loạt dựng Nêu và bắt đầu đón Tết. Tục dựng Nêu ngày Tết là một trong những phong tục văn hóa không chỉ của riêng Việt Nam mà của rất nhiều nước Á Đông. Tuy nhiên, đối với người Việt Nam, tục lệ này đã trở thành một nét văn hóa tốt đẹp, mang đậm bản sắc dân tộc và tồn tại từ hàng ngàn năm nay.

Cùng thời gian với Lễ dựng Nêu, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế còn tổ chức chương trình "Hương xưa bánh Tết" tại cung Diên Thọ cùng với phiên "Lễ Đổi gác" tại Ngọ Môn; các trò chơi cung đình, trình diễn thư pháp tại sân sau điện Thái Hòa; múa Lân sư rồng; trình diễn võ thuật cổ truyền, mang lại những trải nghiệm về hương sắc Tết cũ qua những sắc màu truyền thống. Chương trình "Hương xưa bánh Tết"còn  bao gồm các âm điệu ca Huế; các trò chơi cung đình và dân gian (đổ xăm hường và bài vụ); trình diễn thư pháp tặng chữ, đặc biệt là hội thi gói bánh chưng, bánh tét... có sức gợi nhớ về Tết cổ truyền của dân tộc.

Theo Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, hình ảnh cây Nêu từ bao đời nay đã được coi là biểu tượng thiêng liêng nhất của ngày Tết Nguyên đán đối với người dân Việt, gắn liền với một sự tích huyền thoại mang đậm tính nhân văn sâu sắc. Ngày xuân dựng Nêu để mong muốn những điều tốt đẹp cho một năm mới đang tới. Hình ảnh cây Nêu vươn mình đón nắng xuân biểu thị cho sức sống xuân đang trỗi dậy trong mỗi người dân Việt.

TTXVN/Quốc Việt

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm