Khổ như làm nghệ thuật ở Iraq

24/03/2012 13:27 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Khi Yasir Abdul-Hakim, một sinh viên điêu khắc tại Học viện Nghệ thuật Iraq, muốn chép lại một bức tượng Hy Lạp mô tả một người phụ nữ khỏa thân, viên giáo sư hướng dẫn đã khuyên anh nên "chế" thêm quần áo cho bức tượng. Lần đầu Abdul-Hakim làm theo lời ông, nhưng lần thứ 2, anh đã sao chép lại đúng tác phẩm gốc. Khi nhìn thấy bức tượng, vị giáo sư nọ đã không khỏi kinh hoảng: "Anh làm gì vậy? Anh đang đẩy cuộc sống của mình vào chỗ nguy hiểm đấy".  

Vị giáo sư nọ không nề nói đùa. Mặc dù Iraq đã trở nên an toàn hơn so với thời kỳ tăm tối, khi bạo lực sắc tộc lan tràn, rất nhiều họa sĩ, nhà làm phim, nhạc sĩ và nghệ sĩ nói chung ở nước này vẫn đang bị đè nén bởi tư tưởng  Hồi giáo bảo thủ. Chính quyền thì chỉ tập trung ưu tiên cho hoạt động tái thiết và công tác an ninh, khiến giới nghệ sĩ mất đi sự ủng hộ rộng lớn mà họ từng nhận được.



Yasir Abdul-Hakim đang hoàn tất nốt tác phẩm điêu khắc của anh tại Học viện Nghệ thuật

Mất sự ủng hộ chính thức

"Tôi muốn tạo ra các bức tượng khỏa thân với gốc văn minh Hy Lạp. Nhưng tôi không thể làm vậy trong tình hình tín ngưỡng hiện nay. Cho dù các giáo sư của tôi ở trường gật đầu đồng ý, những người bên ngoài xã hội lại không chấp nhận các tác phẩm như thế" - Abdul-Hakim cay đắng nói.

Dưới thời Saddam Hussein, chính quyền giao cho giới nghệ sĩ vẽ các bức tranh và tạo nên những bức tượng đẹp đẽ. Họ cũng đổ tiền đầu tư cho các dàn nhạc giao hưởng, xây dựng các nhà hát, để ca ngợi đất nước và chế độ. Nhưng kể từ khi Saddam bị lật đổ hồi năm 2003, Iraq đã nằm dưới sự thống trị của các đảng chính trị Hồi giáo, vốn trước đây bị cộng đồng người Hồi giáo Shiite chiếm đa số lấn lướt. Các giáo sĩ mới xuất hiện và có nhiều ảnh hưởng, coi việc thưởng thức tranh tượng và âm nhạc như một tội lỗi. Những sự ủng hộ chính thức của nhà nước cho giới nghệ sĩ bỗng dưng biến mất.

Học viện Nghệ thuật vẫn tồn tại và vẫn nhận tiền tài trợ từ nhà nước. Nhưng các sinh viên và giáo sư ở đây phàn nàn rằng trường không còn cung cấp một cơ sở giáo dục đầy đủ như trước.

Vừa cẩn thận hoàn tất bức tượng mô tả một thợ săn Assyrian, Abdul-Hakim vừa thổ lộ ý định sẽ rèn luyện kỹ năng thật tốt để anh có thể ra nước ngoài sinh sống. Anh chờ tới ngày sang Anh sống cùng một người họ hàng, vốn cũng là nghệ sĩ điêu khắc. Anh nói rằng ở quê nhà "tình hình sẽ ngày càng tệ đi, bởi giới trí thức không thể chống lại làn sóng thủy triều của tín ngưỡng".

Suy giảm một truyền thống

Iraq vốn có một truyền thống lâu dài và đáng tự hào về nghệ thuật. Các cổ vật từ thời Mesopotamia còn sót lại cho thấy nghệ thuật điêu khắc đã phát triển mạnh ở Iraq trong cả thiên niên kỷ. Và dưới thời kỳ Hồi giáo, các thành phố của Iraq là những trung tâm nổi tiếng thế giới về thơ ca và triết học.

Nghệ thuật Iraq cũng phát triển mạnh trong thế kỷ 20, dù rằng nhiều thập kỷ chiến tranh và cấm vận kinh tế dưới thời Saddam buộc không ít nghệ sĩ phải ra nước ngoài sống. Nhưng tình hình nghệ thuật đã đi xuống rõ rệt, sau khi ông Saddam bị lật đổ. Rất nhiều nghệ sĩ đã phải chạy trốn khỏi Baghdad để tránh tình trạng bạo lực lan rộng, do cuộc chiến giữa những người Shiite và Sunni trong giai đoạn 2006-2007.

Giờ đây, trong bối cảnh ngay cả thủ đô Baghdad vẫn chỉ có điện dùng vài giờ mỗi ngày, nghệ thuật không phải là lĩnh vực được ưu tiên cấp tiền. Việc tụ tập ở nơi công cộng rất nguy hiểm. Chỉ còn vài gallery nghệ thuật còn mở cửa. Các phòng hòa nhạc trống rỗng. Các rạp chiếu phim và phần lớn nhà hát phải đóng cửa.

Qasim al-Sabti, một nghệ sĩ nổi tiếng với tác phẩm đã từng trưng bày ở Tokyo và New York, là người chứng kiến rõ sự thăng trầm của nghệ thuật Iraq suốt 40 năm qua. Giai đoạn những năm 1960, khi Sabti còn rất nghèo và Baghdad vẫn đang nổi lên là thủ đô trí tuệ của thế giới Arab, các sinh viên vẫn thường cảm ơn bằng cách biếu ông một chiếc bánh mỳ kẹp, mỗi khi họ nhờ ông vẽ một bức tranh. Giai đoạn những năm 1970, Iraq bắt đầu giàu lên nhờ bán dầu và nghệ thuật cũng nhận được sự ưu ái từ chính phủ.

Vào thời điểm Sabti tốt nghiệm Học viện Nghệ thuật hồi năm 1980, ông đã có một thu nhập rất khá khẩm. Ông kiếm tiền bằng cách vẽ tranh theo đơn đặt hàng của chính quyền. Nhưng công việc đã cạn dần trong giai đoạn 1990, khi cộng đồng quốc tế cấm vận Baghdad.

Kể từ khi chính quyền Saddam sụp đổ, Sabti đã bán 300 bức tranh ở New York, nhưng tại Iraq, ông chỉ tiêu thụ vỏn vẹn 20 bức. "Giờ đây ai còn muốn tôn vinh nghệ thuật?" - Sabti buồn bã thổ lộ - "Nếu tôi biến đổi gallery của mình thành một thánh đường, tôi có thể nhận được sự hỗ trợ tài chính. Nhưng chừng nào nó chỉ là nơi trưng bày tác phẩm nghệ thuật, tôi sẽ chẳng được một xu".

Lạc lõng trong xã hội

Bên trong học viện hiện nay, những bức tượng mô tả các chiến binh Iraq cổ nằm rải rác. Một số đã hư hỏng do không có ai chăm sóc. Một số bị cố ý phá hoại. Với những người vẫn còn theo học tại Học viện Nghệ thuật, họ nói rằng chỉ còn niềm đam mê mới níu giữ bản thân ở lại với ngôi trường. Abdul-Hakim nói rằng cha anh là một họa sĩ và anh thừa hưởng tình yêu nghệ thuật từ ông. Anh vẫn ở lại Iraq để học tập, nhưng không hề giấu giếm ý định ra đi.

Một số sinh viên khác cũng có tham vọng giống Abdul-Hakim và tất cả đều đang nỗ lực nâng cao trình độ nhằm có cơ hội ra đi tốt hơn. Họ nói rằng các nghệ sĩ và nghệ thuật ở Iraq không được đối xử với sự tôn trọng và cũng chẳng nhận được sự ủng hộ từ chính quyền. "Nếu ra nước ngoài và nói “tôi là nghệ sĩ”, tôi có thể sẽ được nể trọng. Nhưng ở Iraq, nghệ sĩ chẳng là cái đinh" - Ahmed Adnan, một sinh viên điêu khắc mỉa mai.

Omar Falah, cựu sinh viên Học viện Nghệ thuật và là một đạo diễn phim, nổi tiếng với tác phẩm "Sing Your Song" viết về đời sống nghệ sĩ ở đây, cũng không giấu nổi sự cay đắng: "Ở nước ngoài tốt hơn ở đây rất nhiều. Tại Iraq, bất cứ bên nào cũng có thể đưa ra ý kiến về một tác phẩm nghệ thuật và công kích anh theo ý họ muốn, trong khi anh lại không thể làm điều đơn giản là tự bảo vệ mình" .

Tường Linh



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm