Khám phá những kỳ quan trên đá (kỳ 2)

04/07/2016 12:14 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Hang động ở Việt Nam ngày càng được biết đến nhiều hơn không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới do có những khám phá mới quan trọng trong vài thập niên qua.

Những kết quả quan trọng nhất được thể hiện ở Quảng Bình, đặc biệt trong phạm vì Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc Gia Phong Nha- Kẻ Bàng.

Các kết quả nghiên cứu cho thấy, hầu hết hang động trong khối đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng kết nối, liên thông với nhau, tạo thành 3 hệ thống hang chính, với tổng chiều dài trên 200km, gồm:

1) Hệ thống hang Phong Nha bắt đầu từ hang Khe Ry, Hang Én qua Hang Thung, Trà Ang, v.v... và cuối cùng là hang Phong Nha;

2) Hệ thống Hang Vòm bắt đầu từ hang Rục Cà Roòng và kết thúc là Hang Vòm;

3) Hệ thống hang Nước Mọc ở phía tây sông Chày, chảy qua các hang Vực Ký, Nước Lặn và Hạ Lau.


Khối nhũ lớn trong động Sơn Đoòng

“Nghiên cứu hang động karst phục vụ du lịch, các ngành kinh tế và khoa học là một công tác quan trọng, cần làm cho thật tốt. Luôn luôn chú trọng bảo vệ môi trường”- Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết như vậy trong trang đầu tiên của cuốn sách Kỳ quan hang động Việt Nam (ĐH Quốc gia Hà Nội).

Rất nhiều hang động trong vùng không chỉ đẹp mà còn đạt kích thước lớn – Động Sơn Đoòng lập kỷ lục là động karst lớn nhất hành tinh, với chiều cao chỗ lớn nhất đến 195m, chiều rộng - 150m. Trong động, có 2 hố sập sâu tới trên dưới 300m, tạo thành những giếng trời không lồ. Trên đáy của hố sập thậm chí mọc lên cả một khu rừng nhiệt đới xanh tốt, có một khu được đặt tên là Vườn Edam dưới mặt đất, với nhưng cây cao đến 30m.

Hang Khe Ry dài 18,92 km, là hang dài nhất Việt Nam, cũng được đánh giá là hang nước dài nhất Đông Nam Á.

Hang Én là hang có cửa hang cao nhất thế giới với độ cao 100m, rộng 70m.

Ở các vùng khác nhau rải rác cũng có những hang đạt chiều sâu rất lớn như: hang Cống Nước, ở Lai Châu phát triển mạnh theo chiều thẳng đứng, đạt độ sâu 600m; hang Tà Lủng trên cao nguyên đá Đồng Văn, đạt chiều sâu 528 mét; hang Tà Chinh ở Tả Phìn, Lai Châu, đạt chiều sâu 402m.


Quang cảnh hang trong đá núi lửa Krông Nô, Đăk Nông

Đặc biệt trong những năm gần đây một hệ thống hang trong đá núi lửa được phát hiện ở huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông. Hệ thống hang động độc đáo này được sơ bộ đánh giá dài nhất Đông Nam Á, đang được UBND tỉnh Đắk Nông phối hợp với Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam nghiên cứu để xây dựng một Công viên địa chất toàn cầu xung quanh ngọn núi lửa Chư Bluck.

Trên 300 hang động ở vùng núi phía Bắc

Dự án nghiên cứu hang động Việt – Bỉ của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản công bố năm 2004, đã phát hiện trên 300 hang động lớn ở vùng núi đá vôi thuộc Sơn La và Lai Châu.

Trong đó có nhiều hang động dài như: hang Dơi (1.435 m), hang Rắn (1.880 m), hang Thị Đội (1.551 m), hang Nậm Khum (1.323 m)...

Vùng Tủa Chùa, Phong Thổ (Lai Châu) cũng có nhiều hang dài và sâu như Tà Chinh (dài 2.015 m, sâu 402 m), Sì Lèng Chải (dài 1.162 m, sâu 286 m); có nhiều dòng sông ngầm dưới những núi đá vôi, đặc biệt nhất là dòng sông dài trên 4.500 m chảy ngầm qua đèo Khau Pa ở Sơn La.

Tạ Hòa Phương
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm