Israel chặn mưa rocket bằng "mái vòm" tên lửa

21/11/2012 09:20 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Trong cuộc xung đột Israel - Hamas đang diễn ra, các tên lửa thuộc hệ thống Iron Dome (Vòm thép) của Israel đã có thể bắn hạ những quả rocket thô sơ bay từ phía Hamas sang chỉ trong một cái nháy mắt. Nhưng với giá 50.000 USD mỗi quả tên lửa, câu hỏi đặt ra là liệu khoản đầu tư của Israel có kinh tế hay không?

Chỉ vài giờ sau khi Israel triển khai một hệ thống Iron Dome của họ đặt tại Tel Aviv trong ngày 17/11 vừa qua, các đèn tín hiệu của hệ thống đã nháy sáng thông báo những tin tức không vui: hai quả rocket bay từ phía Dải Gaza sang đang nhằm tới thành phố.

Hoạt động tốt hơn mong đợi

Trong vòng vài giây, các cảm biến điện tử của Iron Dome đã phân tích đường bay của rocket và xác định rằng một trong số chúng đang bay tới khu vực đông dân cư của thành phố. Hai quả tên lửa lập tức được khai hỏa, rời bệ phóng bay vút lên trời cao, để lại một vệt khói trắng trên bầu trời xanh. Hai tiếng nổ vang lên không lâu sau đó, báo hiệu quả rocket của Hamas đã bị chặn bắn tiêu diệt thành công.

Cuộc đánh chặn này là 1 trong gần 300 lần bắn chặn thành công của Iron Dome kể từ khi Israel và Hamas mở các hoạt động quân sự chống lại nhau kể từ thứ tư tuần trước. Dù con số này chỉ chiếm 1/3 số rocket mà Hamas bắn sang, Israel vẫn xem đây là một thành tựu vô cùng lớn. Nguyên nhân do các hệ thống Iron Dome không được triển khai ở mọi khu vực trên đất Israel bị rocket tấn công. Thay vì thế, nó chỉ được bố trí quanh các khu vực đông dân cư. Ngoài ra, nếu xác định quả rocket không bay vào vùng bảo vệ mà sẽ đi ra phía đất trống, hệ thống sẽ không khai hỏa.

Theo giới chức Israel, tỉ lệ bắn chặn thành công của Iron Dome đã lên tới mức 88%. Con số này khiến giới quan sát kinh ngạc, bởi hệ thống đánh chặn này mới chỉ được phát triển gần đây và chưa có thời gian “thử lửa” nhiều. Ngay cả các nhà phát triển Iron Dome cũng bị bất ngờ. "Nó hoạt động tốt hơn mong đợi" - Arieh Herzog, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Israel cho biết.

Hệ thống Iron Dome khai hỏa đánh chặn rocket bay sang từ phía Hamas

Vũ khí thay đổi cuộc chơi?

Israel đã bắt đầu thử nghiệm Iron Dome từ năm 2007. Sau một loạt cuộc bắn thử trong năm 2008 và 2009, hệ thống đầu tiên đã được lắp ở miền Nam Israel trong năm 2011. Mỗi một hệ thống này có giá 50 triệu USD. Chúng gồm một rađa điều khiển bắn dùng để xác định các mục tiêu tiềm năng, kèm theo một hệ thống phóng tên lửa di động.

Các hệ thống tên lửa đánh chặn này có thể dễ dàng được vận chuyển và chỉ cần vài giờ để tái bố trí rồi đi vào hoạt động. Các tên lửa đánh chặn có độ cơ động cao. Chúng dài 3m, có đường kính khoảng 12cm và nặng 90kg. Đầu đạn của chúng mang theo lượng thuốc nổ nặng 11kg. Tầm bắn của chúng dao động từ 4-70km. Tỉ lệ đánh chặn thành công cao của hệ thống được các chuyên gia quân sự Israel giải thích là nhờ "công nghệ mang tính đột phá và rađa mạnh của hệ thống".

Ngoài ra, Iron Dome có thể xử lý nhiều mối đe dọa cùng lúc, trong mọi điều kiện thời tiết.

Ban đầu hệ thống được phát triển bởi Công ty Rafael. Nhưng gần đây nó đã được Mỹ tài trợ khá nhiều. Tính tới tháng 5/2010, Hạ viện Mỹ đã phê chuẩn việc chi 205 triệu USD cho Iron Dome. Hồi tháng 7 năm nay, Tổng thống Barack Obama thông báo tiếp tục đổ 70 triệu USD nữa vào nó. "Chương trình này có vị trí tối quan trọng trong việc cung cấp an ninh và an toàn cho các gia đình Israel" - ông Obama tuyên bố.

Tính hiệu quả của Iron Dome đã khiến Israel ca tụng nó là yếu tố giúp thay đổi cuộc chơi.

“Không giải quyết mọi vấn đề"

Tới nay, Israel đã triển khai 5 hệ thống Iron Dome. Nhưng hồi tháng 3, một quan chức quốc phòng cho CNN biết rằng Israel sẽ cần tới 13 hệ thống để bảo vệ toàn tuyến biên giới.

Thực vậy, kết quả hoạt động của Iron Dome có ý nghĩa lớn với Israel, quốc gia đang đối diện với nhiều mối đe dọa bằng tên lửa tới từ những nơi khác nữa như Lebanon và Iran.

Nhưng hệ thống này tỏ ra kém hiệu quả ở cự ly gần. Nó khó ngăn chặn những quả rocket bắn vào các cộng đồng dân Do Thái nằm gần Dải Gaza. Và ngay cả khi hệ thống đã được đặt ở một cự ly lý tưởng, đôi khi những quả rocket thô sơ vẫn né tránh được hoạt động bắn chặn và bay xuống đất Israel thành công.

Trong một lần như thế, một quả rocket đã rơi xuống thị trấn Sha’ar Hanegev vào ngày 18/11, khiến nhiều người Israel bị thương. Ngoài ra, sự tồn tại của Iron Dome dường như đã khiến Hamas dành nhiều tâm sức hơn để tăng số vụ bắn rocket và mở rộng tầm bắn tới những nơi Israel không đặt vòm thép, như Jerusalem.

“Iron Dome không giải quyết mọi vấn đề" - Reuven Pedatzur, người điều hành trung tâm nghiên cứu chiến lược tại Đại học Netanya cho biết. Ông đã bày tỏ sự nghi ngờ về Iron Dome trong một bài bình luận đăng trên báo Israel. Trong cuộc đối thoại với tờ Daily Beast, Pedatzur thừa nhận rằng ông "khá hài lòng" trước khả năng đánh chặn của hệ thống. Nhưng theo ông, chi phí hoạt động của nó quá cao. Mỗi quả tên lửa Iron Dome có giá tới 50.000 USD. Israel thường bắn 2 quả mỗi lần đánh chặn một quả rocket của Hamas. Trong khi đó phần lớn các rocket tự chế ở Gaza bắn sang chỉ có mức giá rất nhỏ so với tên lửa Iron Dome, đôi khi chỉ vài trăm USD.

Nhưng một số nhà quan sát khác lại nói rằng sẽ hợp lý hơn khi so sánh giá của tên lửa với chi phí các thiệt hại mà nó đã giúp ngăn chặn. Lazar Berman, một nhà phân tích quân sự Trung Đông đã viết nhiều cuốn sách về phòng vệ tên lửa, đánh giá giá trị thực của Iron Dome nằm ở chỗ nó cho phép các lãnh đạo Israel cơ hội tính toán tốt hơn trong thời gian khủng hoảng.

“Nếu chỉ cần 10% số rocket bị ngăn chặn kia bắn trúng các thành phố của Israel, nước này có thể chứng kiến con số người chết lên tới từ 50 - 60 nạn nhân. Còn nếu rocket bắn trúng một chiếc xe buýt chở học sinh hay nhà trẻ, Israel sẽ chẳng có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phát động một cuộc chiến trên bộ, với hậu quả còn tàn khốc hơn" - ông nhận xét.

Tường Linh (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm