Indonesia tạm hoãn thực hiện dự án di dời thủ đô

20/08/2020 11:26 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Chính phủ Indonesia đã phải tạm hoãn việc thực hiện dự án di dời thủ đô đến đảo Borneo để đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Đây là dự án trị giá 33 tỷ USD đầy tham vọng của Tổng thống Joko Widodo trong nhiệm kỳ thứ hai.   

Indonesia tạm dừng đầu tư dự án di dời thủ đô, tập trung phòng chống đại dịch COVID-19

Indonesia tạm dừng đầu tư dự án di dời thủ đô, tập trung phòng chống đại dịch COVID-19

Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati ngày 23/4 cho biết kế hoạch đầu tư của Indonesia vào siêu dự án di dời thủ đô đang phải tạm ngừng trong bối cảnh cả nước chuyển trọng tâm chi tiêu cho công cuộc phòng chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Tuy nhiên, kế hoạch nói trên sẽ được nối lại vào năm 2021.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu ngày 19/8, Bộ trưởng Kế hoạch phát triển quốc gia Indonesia Suharso Monoarfa cho biết chính phủ đang đặt ưu tiên số một là phục hồi nền kinh tế và vượt qua đại dịch. Khi tình hình được cải thiện, chính phủ mới xúc tiến triển khai dự án thủ đô.

Ông cũng thừa nhận những trở ngại đối với dự án, việc khởi công có thể bị trì hoãn cho đến năm 2022 hoặc năm 2023, vì chính phủ đang tập trung nỗ lực vào việc nghiên cứu và sau đó phân phối vaccine ngừa COVID-19 cho gần 270 triệu người dân Indonesia.   

Dự án xây dựng thủ đô mới theo kế hoạch sẽ được khởi công vào năm 2021 với việc xây cung điện nhà nước và các tòa nhà của các cơ quan chính phủ, nâng cấp sân bay, cảng biển… để đến năm 2024 tất cả công chức nhà nước sẽ bắt đầu làm việc tại thủ đô mới. Giám đốc điều hành SoftBank Masayoshi Son, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair và Thái tử Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Sheikh Mohammed Bin Zayed al Nahyan đã được mời làm cố vấn cho dự án.   

Chú thích ảnh
Khu vực trung tâm thủ đô Jakarta của Indonesia. Ảnh: Reuters

Chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng OCBC Wellian Wiranto đánh giá thông thường, một dự án lớn như vậy sẽ mang lại hiệu quả đáng kể cho nền kinh tế, nhưng nhu cầu giải ngân để ngăn chặn dịch bệnh của chính phủ dường như cấp bách hơn.

Trong khi đó, nhà kinh tế Enny Sri Hartati thuộc Viện Phát triển kinh tế và tài chính, Indonesia hiện cũng không đủ khả năng tài chính vì hậu quả của đại dịch, ngân sách quốc gia đang thâm hụt ngày càng lớn. Tình trạng suy thoái có thể kéo dài hơn dự đoán đến nửa cuối năm 2021 nên việc triển khai dự án dời thủ đô hiện nay là không thể.

Đình Ánh/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm