Đừng bỏ rơi con trong mùa hè: Hãy dạy trẻ động thân, động não, động lòng…

01/06/2017 07:24 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Hè đến, nhiều gia đình phải đối mặt với nghịch cảnh con cái được nghỉ hè mà bố mẹ vẫn phải đi làm. Và, sẽ thật dễ dàng nếu chúng ta "nhốt" con em ở nhà cùng điện thoại thông minh, máy tính bảng và vô tuyến.

Dù vậy, chắc chắn cách làm này không hề tốt cho sự phát triển của con em trong những tháng hè. Và, các nhà xã hội học và chuyên gia tâm lý đã cùng đưa ra những giải pháp của mình trong cuộc trao đôi với  Thể thao & Văn hóa (TTXVN)

Ưu tiên quyền vui chơi của trẻ

"Hiện tại, việc để các cháu ở nhà, đặt vào tay các cháu những thiết bị điện tử để vui chơi mà không có sự kiểm soát là cách giáo dục sai lầm. Nhiều người lầm tưởng đó là đảm bảo con em an toàn" – TS Nguyễn Văn Vịnh, Phó viện trưởng Viện Công nghệ giáo dục chia sẻ. "Nhưng, những hình ảnh trên mạng không an toàn tới sự phát triển của trẻ như các bậc phụ huynh nghĩ. Những clip người lớn gắn nhãn trẻ em gần đây được báo chí phản ánh liên tiếp là một ví dụ."

Chú thích ảnh
Các cậu ấm cô chiêu học cách... tự giặt quần áo trong một khóa học kỹ năng vào mùa hè

Theo TS Nguyễn Văn Vịnh, vào dịp hè, nhiều bậc phụ huynh lựa chọn cho con các khóa học thêm về võ thuật, nghệ thuật, hoặc chuẩn bị kiến thức cho năm học kế tiếp. Điều này xuất phát từ nhu cầu chính đáng về bồi bổ kiến thức, kỹ năng mềm cho trẻ. Nhưng, gần đây, xu hướng này lại dẫn tới tình trạng "chạy đua" thái quá của các bậc phụ huynh.

"Vô hình, nghỉ hè lại là thời điểm các em học sinh cực hơn cả đi học" – TS Vịnh nói. "Nhiều em đã phải học những thứcác em không thích, mà là... bố mẹ các em thích".

Đồng tình với quan điểm của TS Vịnh, TS tâm lý Phan Quốc Việt, Chủ tịch Tập đoàn giáo dục Tâm Việt nhận xét: “Bản năng gốc của con người là động vật, mà động vật thì phải vận động. Nhưng nhà trường hiện nay vẫn dạy theo kiểu cũ, nhồi nhét kiến thức để các em trở thành con ngoan trò giỏi, với cách nghĩ ngoan tức là ngồi im, giỏi tức là học thuộc lòng."

Thẳng thắn, TS Việt cho rằng rất đông trẻ em hiện tại bây giờ có phong thái hơi... cù lần. "Nhiều em mặt mũi sáng sủa nhưng người rất chậm chạp, ăn nhiều mà ngồi im, mất khả năng vận động. Con người phải năng động, nhiệt tình, hăng hái, phải có tính cách, khí phách chứ không phải chỉ có kiến thức" – ông nói - "Chúng ta phải để các em vận động, chứ đừng biến trẻ con thành động vật ngồi yên. Bằng các khóa học sinh tồn, chúng tôi dạy trẻ con vận động, động thân, động não, động lòng…”

Học "sinh tồn", một giải pháp không tồi!

Theo TS Phan Quốc Việt, từ nhiều năm nay, hàng năm đến hè, Tập đoàn Tâm Việt lại tổ chức các khóa huấn luyện mang tên Học kỳ sinh tồn nhằm đưa trẻ trở về với thiên nhiên, dạy làm người, dạy nhân cách, khí phách, dạy ước mơ... cho hàng trăm trẻ em được cha mẹ gửi gắm.

 Năm nay, chương trình mang tên: Kỹ năng sinh tồn - Những chiến binh đại bàng, gồm 4 khóa học (10 ngày/ 1 khóa học) tại Trung tâm nghỉ dưỡng Côn Sơn (Chí Linh, Hải Dương), khóa đầu tiên ra quân ngày 2/6.

 “Ở trường học một mình, thi cho mình, nhưng đến với Học kỳ sinh tồn, các em được học  kỹ năng làm việc đồng đội, bởi cuộc đời có ai làm gì một mình được đâu?" – TS Việt chia sẻ. "Chúng tôi dạy tự lập và cùng tạo lập, dạy thói quen, tinh thần, tập thể, chứ không phải nhồi nhét kiến thức. Chúng tôi dạy theo cụ Hồ, tập thể dục, vận động."

Giáo dục trẻ em bằng cách 'không giáo dục'

Giáo dục trẻ em bằng cách 'không giáo dục'

Mỗi cuốn sách là một câu chuyện ngắn, đơn giản về những tình huống, những vấn đề rất đỗi bình thường xung quanh 1 đứa trẻ nhưng tác giả lại tìm ra một cách truyền tải rất độc đáo và thú vị.

Học kỳ sinh tồn - Những chiến binh đại bàng với bài hát Ước mơ tôi theo suốt các học viên nhí trong khóa học. Theo giới thiệu của TS Việt, các HLV sẽ dạy các em tính cách tự lập, dám vượt khó, thử thách; chia sẻ kỹ năng làm việc đồng đội để các bạn nhỏ, bạn lớn ở các độ tuổi khác nhau (từ 8-16 tuổi) và không quen biết nhau sẽ thành một gia đình, tự chăm sóc nhau, thay nhau cùng làm việc. Nếu gia đình này nấu cơm thì gia đình kia quét sân, gia đình kia trồng rau. Các em sẽ được chia sẻ về đạo hiếu làm con, cảm nhận bước chân dẫm trên cát, trên sỏi…

Thực tế, những khóa huấn luyện kĩ năng như của tập đoàn Tâm Việt trong vài năm qua cũng bắt đầu được thị trường chấp nhận. Tuy nhiên, theo TS Vịnh, rất khó để có "công thức chung" để các bậc phụ huynh đưa ra một lựa chọn tốt nhất cho kỳ nghỉ hè của con mình.

"Mọi phương án "lấp đầy" kỳ nghỉ hè của con em đều phải hướng về các em, lấy các em làm chủ thể" – TS Vịnh nói - "Các khóa học thể thao, nghệ thuật, ngoại ngữ hay kể cả học kỹ năng sinh tồn đều phải có xuất phát điểm là niềm ham thích của trẻ".

Hoài Thương- Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm