Đời sống thời bao cấp (Bài 17): Sinh hoạt tập thể

31/08/2014 09:37 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Cùng với sự xóa bỏ tư hữu cá nhân, độc tôn sở hữu tập thể, sinh hoạt tập thể là một nét đặc trưng của thời Bao cấp trong lý tưởng Chủ nghĩa Xã hội.

1. Sinh hoạt tập thể ban đầu mang dấu ấn của cách tổ chức quân đội, mọi việc đều thống nhất trong sinh hoạt Đảng và tập thể quần chúng nói chung. Nhỏ nhất là mô hình tổ ba người - còn gọi là tổ tam tam - có lẽ theo lối của Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, nghĩa là đi đâu, làm gì, thậm chí ăn gì chơi gì, cũng có ba người và ba người này tự giám sát nhau, sau đó kiểm điểm và báo cáo lên cấp trên.

Vào những năm 1970, chúng tôi không còn thấy sinh hoạt tổ ba người nữa, mà thay vào đó là sinh hoạt tổ đội, tổ đội có thể là một tiểu đội (bộ đội) 11 người, hoặc ít nhiều hơn tùy theo. Các sinh hoạt tập thể khác cứ theo đó mà tiến hành, tùy thuộc vào biên chế cơ quan hay cách thức tổ chức cụ thể.


Đội viên thiếu niên tiền phong. Ảnh: Phillip John Griffiths, chụp năm 1985 tại miền Bắc VN. Nguồn: reds.vn

Từ nhỏ, thiếu nhi được vào Đội thiếu niên nhi đồng, đeo khăn quàng đỏ và phù hiệu, cùng huy hiệu Đội. Huy hiệu Đội có hình tượng búp măng non trên nền cờ đỏ, sao vàng còn huy hiệu Đoàn do họa sĩ Tôn Đức Lượng thiết kế có bàn tay phất lá cờ đỏ sao vàng trên nền xanh. Phù hiệu thì màu trắng, gạch đỏ, đeo ở vai có ba gạch là liên đội trưởng, hai gạch là đội trưởng, còn một gạch là phân đội trưởng. Liên đội trưởng đứng đầu toàn khối thiếu niên thiếu nhi trong trường cấp hai và cấp một, đội  trưởng thì tính theo đơn vị lớp, phân đội là đơn vị tổ.

Tất cả mọi sinh hoạt hè, vui chơi, học văn nghệ, đi thăm quan, Tết Trung thu đều được bao cấp và bắt đầu được tập đi hành quân như bộ đội, có đội trống chỉ huy tập riêng. Vào ngày 2/9 - Tết độc lập, mùng 1/5 - Ngày Quốc tế Lao động, rằm Trung thu, ngày thành lập Đoàn - Đội 26/3, những đội thiếu niên nhi đồng hàng trăm em mặc quần xanh, áo trắng, đeo khăn quàng đỏ đánh trống diễu hành vang trời.

Ở Trung Quốc, thời Cách mạng Văn hóa, đám trẻ con này được tổ chức thành Hồng tiểu binh cũng tham gia đập phá, dẫn đám cán bộ bị chụp mũ đi rong ngoài đường. Học sinh cấp ba, lớn hơn, vào mùa Hè phải xuống các khối phố, nông thôn làm anh phụ trách đội, sau Hè nếu không có giấy chứng nhận làm phụ trách họ sẽ khó được vào Đoàn.

2. Cũng như thiếu niên có những bài hát Đội ca, thì Đoàn cũng có Đoàn ca. Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh là một trong những lực lượng tập thể mạnh nhất thời chiến tranh và bao cấp ở tất cả các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN). Thanh thiếu niên từ 14 tuổi đến 25 tuổi được coi là tuổi vào Đoàn. Họ hàng tuần, hàng tháng phải sinh hoạt tập thể, kiểm điểm, thi đấu thể thao, làm báo tường, đi lao động XNCN, từ lực lượng này có thể tham gia trực tiếp vào quân đội. Tất cả những ai không vào Đoàn đều không được vào trường đại học, đó là nguyên tắc.

Trong nhân dân, thì ở thành phố chỉ có hình thức sinh hoạt duy nhất là họp tổ dân phố, gọi là các khối phố. Hình thức phường là mãi sau này. Khối phố có trưởng khổi, phó trưởng khối và cũng thường là đảng viên, họ có trách nhiệm phố biến nghị quyết của Đảng và Chính phủ, đọc báo Nhân dân và Quân đội hàng tuần cho bà con nghe, tổ chức kiểm điểm thanh niên trộm cắp và vi phạm nếp sống văn minh, hòa giải mâu thuẫn các gia đình. Ở nông thôn, Hợp tác xã là một tổ chức tập thể chủ yếu cho sản xuất nông nghiệp tập thể. Ở Trung Quốc, thời gian Đại nhảy vọt, Công xã nhân dân (tương đương với Hợp tác xã ở Việt Nam) tổ chức ăn tập thể, làm tập thể cho toàn bộ nông dân. ở Liên Xô cũ, hình thức này gọi là Nông trang.


Cô gái với huy hiệu Đoàn. Tranh sơn dầu của họa sĩ Tôn Đức Lượng, vẽ năm 1964. Bức tranh nằm trong sưu tập của Tira Vanichtheeranont (Thái Lan)

Bài hát của Công xã như sau:

Công xã ta như hoa hướng dương là hoa đẹp thắm tươi

Rồi trĩu trên niềm tin, cho bao gia đình hạnh phúc ấm yên

Ta nghe lời Đảng ta

Xới vun cho vườn hoa này

Hạnh phúc bên nhau, không xa rời Đảng ta

Chung tay đắp nền hạnh phúc

Đẹp như hoa hướng dương, à ơi.

(Bài ca này của Công xã Trung Quốc, có tên là Công xã nhân dân tốt, được dịch ra và hát theo tiếng Việt).

3. Mọi xã viên có quyền lợi như nhau trong hợp tác xã, hàng tuần, thậm chí hàng tối, đều tổ chức họp hợp tác xã tại đình làng, hay một nhà dân nào đó. Đầu tiên là đọc báo Nhân dân, phổ biến tin miền Nam chiến thắng, tình hình quốc tế, sau đó kiểm điểm sản xuất, phân công lao động từng đội đến từng cánh đồng nào đó, phân phối giống, phân và trâu cày, chia thịt lợn vào dịp Tết và đón khách trung ương. Việc ăn tập thể ở hợp tác xã chỉ vào dịp lễ Tết.

Trong các cơ quan còn nhiều hình thức sinh hoạt tập thể hơn. Họp Công đoàn, họp toàn thể đại hội công nhân viên, họp Đảng, họp Đoàn thanh niên, họp chi hội phụ nữ và tất nhiên là giao ban việc cơ quan chỉ định vào sáng thứ Hai. Tất cả các cuộc họp này nội dung đều giống nhau, tức là nghị quyết sẽ được nhắc lại tới năm bảy lần, cuối cùng là bình bầu người tốt việc tốt, lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua, còn bầu anh hùng lao động thì là việc hy hữu có tính chất quốc gia rồi.

Tuy nhiên chỉ có dịp họp cơ quan thì nhiều cán bộ mới biết mùi phở là gì, tức là người ta sẽ nấu phở phát cho mỗi người một bát nhân dịp họp. Còn khi về đến nhà, chỉ có người ốm mới được ăn phở. Nhưng sinh hoạt tập thể này đã tạo ra xã hội Việt Nam trong hơn 50 năm từ năm 1945 đến sau đó. Và dư âm của nó có lẽ còn rất lâu mới phai nhạt. Con người thời XHCN có lẽ rất cô đơn, rời tập thể ra nó chẳng còn ý nghĩa gì?

(Còn nữa)

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm