Diễn biến dịch COVID-19 ngày 23/5: Thế giới có 5.340.192 ca nhiễm, 340.699 ca tử vong

23/05/2020 22:27 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Tin vui lớn nhất trong ngày 23/5 là việc Viện quốc gia về Các bệnh dị ứng và truyền nhiễm (NIAID) của Chính phủ Mỹ công bố kết quả cuối cùng của quá trình thử nghiệm thuốc virus Remdesivir, theo đó loại thuốc này đã chứng tỏ tính hiệu quả trong điều trị chống virus SARS-CoV-2, rút ngắn được thời gian bình phục của bệnh nhân nhiễm dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Dịch COVID-19: Số ca tử vong trong ngày tại Mexico cao nhất từ trước tới nay

Dịch COVID-19: Số ca tử vong trong ngày tại Mexico cao nhất từ trước tới nay

Theo phóng viên TTXVN tại Mexico, ngày 22/5, Bộ Y tế nước này thông báo thêm 479 ca tử vong vì dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca tử vong lên 6.989 người. Đây là số ca tử vong trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh xuất hiện tại quốc gia này.

The NIAID, nghiên cứu trên đã phát hiện rằng thuốc Remdesivir, khi được tiêm tĩnh mạch trong 10 ngày liên tiếp, đã đẩy nhanh quá trình phục hồi của các bệnh nhân COVID-19 điều trị trong bệnh viện, so với một giả dược (placebo) trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng đối với 1.000 bệnh nhân tại 10 quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, các tác giả của cuộc thử nghiệm trên cho biết thuốc này không ngăn hoàn toàn được các ca tử vong. Khoảng 7,1% bệnh nhân được sử dụng Remdesivir trong nhóm thử nghiệm đã tử vong trong vòng 14 ngày, so với 11,9% trong nhóm dùng giả dược.

Remdesivir là một trong số các loại thuốc thử nghiệm đầu tiên trong phác đồ điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, do công ty Gilead Sciences của Mỹ bào chế. Trong các nghiên cứu, thuốc này đã cho thấy hiệu quả trong việc ức chế sự phát triển virus corona gây bệnh tương tự như COVID-19, bao gồm Hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng (SARS) và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS). Thuốc này được điều chế với mục đích ban đầu để điều trị virus Ebola, song không thành công. Hiện Mỹ đã cho phép sử dụng khẩn cấp thuốc Remdesivir trong các bệnh viện từ ngày 1/5, sau Nhật Bản, trong khi châu Âu đang cân nhắc bước đi tương tự.

Trong một diễn biến khác, Tổng giám đốc Cơ quan Dược phẩm Italy (AIFA) Nicola Magrini cho biết 5-6 loại vaccine triển vọng phòng dịch COVID-19 đang có kết quả tốt và dự kiến sẽ được sản xuất vào mùa Xuân 2021.

Tính đến 21h30 ngày 23/5 theo giờ Việt Nam, toàn thế giới đã ghi nhận 5.340.192 ca nhiễm, trong đó có 340.699 ca tử vong. Trong ngày 23/5, Ấn Độ và Bangladesh ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất trong một ngày, trong khi Trung Quốc lần đầu tiên không ghi nhận ca nhiễm mới nào kể từ đầu mùa dịch. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết Nam Mỹ đã trở thành tâm dịch mới của thế giới, trong đó Brazil là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tuy nhiên, theo WHO, tỷ lệ tử vong tại các nước châu Phi tương đối thấp, nguyên nhân có thể là do độ tuổi của dân số ở khu vực này. Trong khi đó, WHO lo ngại dịch COVID-19 có thể sẽ lan rộng tại châu Phi do y tế kém phát triển. Trong tuần qua, số ca nhiễm mới tại 9 quốc gia châu Phi đã tăng 50%, dù một số nước khác đã ghi nhận sự suy giảm hoặc có tỷ lệ ca nhiễm mới ổn định.

Dịch COVID-19, COVID-19, thế giới, Hoa Kỳ, châu Âu, Ấn Độ
Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt cho công nhân phòng lây nhiễm COVID-19 tại nhà máy may ở Dhaka, Bangladesh. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Âu, Bulgaria đã bãi bỏ lệnh cấm du khách từ các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và khu vực Schengen nhập cảnh vào nước này. Bộ Y tế cho biết những du khách nhập cảnh vào Bulgaria vẫn phải cách ly 14 ngày. Tuy nhiên, thời hạn 14 ngày sẽ không còn áp dụng cho công dân Bulgaria và công dân của các quốc gia EU khác vì lý do nhân đạo, cũng như đối với những đại diện trong các hoạt động thương mại, kinh tế và đầu tư. Việc kiểm dịch cũng sẽ không áp dụng đối với những người liên quan trực tiếp đến xây dựng, bảo trì, vận hành và đảm bảo an toàn cho cơ sở hạ tầng chiến lược và quan trọng của Bulgaria.

Trong một diễn biến khác, Latvia đang lên kế hoạch chấm dứt tình trạng khẩn cấp vào ngày 9/6 tới. Thủ tướng Krišjāni Kariņš cho biết nước này sẽ tiếp tục tiến hành nới lỏng từng bước các hạn chế trong bối cảnh đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh với các hạn chế “tối thiểu”. Trong khi đó, Croatia thông báo kể từ ngày 29/5, nước này sẽ mở cửa biên giới cho công dân Slovakia, Séc, Hungary và Áo. Bộ trưởng Du lịch Gari Cappelli cho biết các công dân Slovakia, Séc, Hungary và Áo có thể đến Croatia với mục đích kinh doanh và không cần phải cách ly. Croatia cũng đang chuẩn bị kế hoạch để tạo điều kiện thông thương tại các cửa khẩu biên giới. Theo Bộ trưởng Cappelli, nước này sẽ hướng tới việc mở cửa biên giới với các quốc gia trong khu vực khác, như Đức, Ba Lan và Italy, nhằm khôi phục kinh doanh từ ngành du lịch của Croatia.

Tiếp tục các tác động mang tính hủy diệt của dịch COVID-19, ngày 23/5, thêm một "ông lớn" của Mỹ nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Đó là Hertz Global Holdings Inc, công ty chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê xe suốt một thế kỷ qua tại Mỹ. Công ty đã chính thức nộp đơn bảo hộ phá sản theo Chươnng 11 lên một tòa án ở bang Delaware do hoạt động kinh doanh kiệt quệ vì tác động của đại dịch và không thể đạt thỏa thuận cứu trợ với các chủ nợ. Phần lớn doanh thu của Hertz có được nhờ các hợp đồng cho thuê xe ở các sân bay vì vậy hoạt động của công ty bị thu hẹp đáng kể sau khi Chính phủ Mỹ ban hành các biện pháp hạn chế đi lại và yêu cầu người dân ở nhà.

Với khoản nợ gần 19 tỷ USD và gần 38.000 nhân viên trên toàn thế giới tính tới cuối năm 2019, Hertz là một trong những công ty lớn nhất tại Mỹ đệ đơn bảo hộ phá sản vì tác động của đại dịch. Hầu hết các công ty phá sản hoặc đệ đơn xin bảo hộ phá sản là những công ty phụ thuộc vào nhu cầu người tiêu dùng như các nhà bán lẻ, nhà hàng, công ty xăng dầu.

Trong khi đó, tại Mỹ Latinh, Tổ chức phi chính phủ Hành động chống Đói nghèo (AAH) cảnh báo đại dịch có thể khiến khu vực này có thêm 29 triệu người nghèo, cũng như đối diện những thách thức từ việc di dân ồ ạt. AAH bày tỏ "đặc biệt quan ngại các việc người di cư trở về bản quán do kinh tế đình đốn và tình trạng báo động của các cộng đồng thổ dân tại các vùng biên giới", đồng thời nhận định "Mỹ Latinh lo sợ nạn đói mà COVID-19 gây ra còn hơn cả bản thân đại dịch này". AAH nhấn mạnh những biện pháp giới hạn đi lại và cách ly phòng ngừa sẽ khó được tuân thủ hơn nếu tác động trực tiếp tới bữa ăn và nhu cầu cơ bản hàng ngày khác của hàng triệu người dân.

Dịch COVID-19, COVID-19, thế giới, Hoa Kỳ, châu Âu, Ấn Độ
Người vô gia cư sống tại khu lều tạm để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Lima, Peru, ngày 31/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Indonesia, dịch COVID-19 đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành đường sắt. Giám đốc điều hành ngành đường sắt Indonesia (KAI) Didiek Hartanto cho biết doanh thu của ngành đã sụt giảm mạnh với mức giảm 24,2 tỷ Rupiah mỗi ngày do tác động của dịch. Trước đây, doanh thu trung bình mỗi ngày của công ty từ 20-25 tỷ Rp. Tuy nhiên, từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, doanh thu hàng ngày của ngành chỉ đạt khoảng 800 triệu Rp. Theo ông Didiek, để tuân thủ quy định giãn cách xã hội quy mô lớn, công suất của các chuyến tàu đường dài chỉ được phép chạy tối đa 50% và 35% đối với tàu điện, tuy nhiên hành khách không sử dụng phương tiện này. Trong trường hợp dịch COVID-19 kéo dài đến tháng 8 hoặc đến tháng 12, KAI ước tính 90-93% doanh thu của công ty sẽ bị tác động, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch bảo trì các đoàn tàu đã đến hạn và các khoản chi phí khác.

Trong một diễn biến khác, hàng trăm xe tải chở hàng đã bị “mắc kẹt” tại khu vực biên giới giữa Nicaragua và Costa Rica vì hai nước đang bất đồng trong các biện pháp ngăn chặn dịch. Theo các nguồn tin, một hàng dài ước tính có tới gần 1.000 chiếc xe tải chở hàng từ khắp Trung Mỹ đang phải nằm chờ ở cả hai phía biên giới do Chính phủ Nicaragua đã ra lệnh đóng cửa biên giới như một động thái trả đũa việc kiểm soát của Costa Rica làm gián đoạn hoạt động vận chuyển hàng hóa. 

Tuy nhiên, xét từ một khía cạnh khác, dịch COVID-19 đã giúp doanh thu ngành game tại Mỹ đạt kỷ lục trong tháng 4, thời điểm nhiều người dân tại quốc gia này lựa chọn giải pháp ở nhà chơi điện tử do tình trạng phong tỏa vì đại dịch. Theo báo cáo của công ty NPD, nhà phân tích Mat Piscatella cho biết người dân Mỹ đã chi khoảng 1,5 tỷ USD cho các trò chơi điện tử, gồm các tựa game, các phụ kiện đi kèm hay các loại thẻ bài. Con số này vượt qua mức 1,2 tỷ USD được lập hồi tháng 4 năm 2008. Báo cáo ghi nhận việc tháng 4 là tháng trọn vẹn đầu tiên mà người dân ở Mỹ phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội là nguyên nhân thúc đẩy doanh thu kỷ lục của ngành game ở nước này. Theo NPD, chỉ riêng việc kinh doanh các tựa game đã giúp thu về 662 triệu USD trong tháng 4 vừa qua, nổi bật nhất là trò "Final Fantasy VII: Remake". Ngoài ra, "Call of Duty: Modern Warfare" cũng là tựa game được mua nhiều thứ 2 tại Mỹ trong tháng 4, đứng thứ 3 là tựa game "Animal Crossing: New Horizons" trên hệ máy Nintendo Swtich. 

Dịch COVID-19, COVID-19, thế giới, Hoa Kỳ, châu Âu, Ấn Độ
Bệnh nhân nhiễm COVID-19 điều trị tại bệnh viện ở Manaus, Brazil, ngày 20/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Bên cạnh đó, thị trường cũng ghi nhận sự chi tiêu mạnh tay của người dân Mỹ. Bất chấp việc Sony và Microsoft chuẩn bị tung ra thế hệ máy chơi game mới, người dân ở nước này vẫn chi 420 triệu USD để mua các mẫu máy chơi game như Xbox One hay PlayStation 4 trong tháng vừa qua. Tuy vậy, Nintendo là hãng “hưởng lợi” khi mẫu máy Switch được tìm mua nhiều nhất. 

Thông tin về các kỷ lục mới của ngành công nghiệp trò chơi điện tử Mỹ được đưa ra trong bối cảnh có nhiều tập đoàn công nghệ đang chuẩn bị “lấn sân”. Mới đây, Google thông báo sẽ triển khai nền tảng ứng dụng chơi game trực tuyến Stadia, trong khi của Apple là nền tảng Arcade. Bên cạnh đó, Facebook cũng công bố ứng dụng riêng để xây dựng và phát trực tuyến các loại game. 

Bích Liên/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm