Dịch COVID-19 sáng 22/11: Thế giới có 58.468.801 ca bệnh, 1.385.717 ca tử vong

22/11/2020 09:40 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h00 sáng 22/11 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 58.468.801 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó 1.385.717 ca tử vong.

Tổng số ca mắc Covid-19 trên thế giới đã vượt mốc 58 triệu

Tổng số ca mắc Covid-19 trên thế giới đã vượt mốc 58 triệu

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến gần 21h30 ngày 21/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 58.084.958 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.380.706 ca tử vong

Mỹ là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất với tổng số ca nhiễm chiếm 1/5 tổng số ca nhiễm toàn thế giới (hơn 12 triệu ca) và 261.760 ca tử vong. Sau Mỹ là Ấn Độ với 9.095.908 ca nhiễm và 133.263 ca tử vong. Brazil đứng thứ 3 với 6.052.786 ca nhiễm và 169.016 ca tử vong.

Đáng chú ý là điểm nóng châu Âu, nơi có tới 5 quốc gia đứng ở vị trí từ 4-8 thế giới, lần lượt gồm Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Anh và Italy. Trong đó, tổng số ca nhiễm tại Pháp đã vượt 2 triệu (2.127.051 ca), tuy nhiên số ca tử vong cao nhất châu Âu là ở Anh, nơi COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 54.626 người. Trong 24 giờ qua, số ca nhiễm mới cao nhất được ghi nhận ở Italy với 34.767 ca, tiếp đó là Nga với 24.822 ca, Ba Lan với 24.213 ca. Tổng số ca nhiễm trên toàn châu lục này hiện là 15.450.449 ca.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Lisbon, Bồ Đào Nha ngày 20/11/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tuy nhiên, nếu xét tổng số ca nhiễm thì châu Á là khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất, với 15.679.996 ca. Riêng Ấn Độ đã ghi nhận 9.095.908 ca, sau khi có tới 45.295 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Sau Ấn Độ là Iran, với 841.308 ca nhiễm và 44.327 ca tử vong. Trong khu vực này, các nước Iraq, Indonesia, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ và Philippines đã ghi nhận trên 410.000 ca nhiễm, trong đó Indonesia có nhiều ca tử vong nhất, với 15.774 ca, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq đã có trên 11.000 ca. Oman, Brunei, Timor Leste và Lào trong 24 giờ qua không ghi nhận ca nhiễm mới.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc ngày 21/11/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Bắc Mỹ, ngoài Mỹ, Mexico cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề của dịch, khi số ca nhiễm đã vượt 1 triệu người, sau khi ghi nhận 6.426 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Số ca tử vong tại Mexico đã lên tới 100.823 ca. Canada đã ghi nhận 325.711 ca nhiễm, trong khi các nước khác trong khu vực như Panama, CH Dominica, Costa Rica, Guatemala và Honduras đều ghi nhận trên 100.000 ca nhiễm.

Tại Nam Mỹ, sau Brazil, các nước Argentina, Colombia đã ghi nhận hơn 1,2 triệu ca nhiễm và hơn 35.000 ca tử vong. Tại Peru, dù số ca nhiễm ít hơn nhưng tỷ lệ tử vong cao hơn. Hiện dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 35.500 người tại Peru. Toàn khu vực đã ghi nhận 10.676.271 ca nhiễm và 316.556 ca tử vong.

Châu Phi đã ghi nhận tổng cộng 2.069.852 ca nhiễm. Trong đó, Nam Phi đã ghi nhận 756.409 ca; Maroc ghi nhận 320.962 ca. Các nước Ai Cập và Ethiopia đều trên 100.000 ca nhiễm. Số ca tử vong tại Nam Phi là 20.845 ca, cũng vượt xa các nước còn lại trong khu vực. Trong 24 giờ qua, Maroc ghi nhận nhiều ca nhiễm mới nhất, với 4.702 ca. 

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) từ Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi thế giới nỗ lực và hợp tác chặt chẽ hơn trong cuộc chiến chống COVID-19, trong đó có việc phân bổ vaccine phòng ngừa COVID-19. Bà nhấn mạnh chỉ với nỗ lực toàn cầu, thế giới mới có thể vượt qua được những thách thức lớn như đại dịch COVID-19. Để có thể kiểm soát đại dịch, cần tạo điều kiện để mọi quốc gia đều có thể tiếp cận vaccine với mức giá phải chăng. Bà kêu gọi củng cố Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và hỗ trợ thêm cho sáng kiến tiếp cận vaccine toàn cầu (COVAX) của Liên hợp quốc.

Bích Liên - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm