Dịch COVID-19 ngày 15/7: Thế giới có hơn 13.520.000 ca nhiễm, 582.784 ca tử vong

15/07/2020 22:26 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) -  Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 15/7 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới đã ghi nhận 13.520.403 ca nhiễm, trong đó có 582.784 ca tử vong vì dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Tình hình dịch diễn biến phức tạp ở châu Á và châu Mỹ.

Sáng 15/7, thế giới có gần 13,5 triệu ca mắc Covid-19

Sáng 15/7, thế giới có gần 13,5 triệu ca mắc Covid-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 15/7 (theo giờ Việt Nam), thế giới có tổng cộng 13.447.044 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 580.276 ca tử vong. Số bệnh nhân phục hồi hiện nay là 7.841.472 người. Hiện vẫn có hơn 5 triệu người đang phải điều trị, trong đó số ca nguy kịch chiếm 1%.

Với 3.098.817 ca nhiễm, châu Á là khu vực đứng thứ hai thế giới, sau khu vực Bắc Mỹ với 4.157.032 ca. Thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã đưa ra cảnh báo cao nhất về nguy cơ lây lan dịch sau khi số ca nhiễm mới gia tăng. Thị trưởng Yuriko Koike nhấn mạnh số ca nhiễm gia tăng rõ ràng là "dấu hiệu nguy hiểm", tình hình lây nhiễm đang ở cấp độ 4 trong thang cảnh báo 4 cấp độ, đồng nghĩa dịch bệnh có thể lan rộng.

Số người trẻ tuổi nhiễm virus SARS-CoV-2 đang gia tăng tại Tokyo, với các ca nhiễm được ghi nhận tại các khu vui chơi giải trí vào ban đêm, tại nơi làm việc hoặc trong gia đình. Tuy nhiên, cảnh báo ở cấp độ cao nhất này không có nghĩa là chính quyền thành phố sẽ yêu cầu đóng cửa các hoạt động kinh doanh hoặc hoãn tổ chức các sự kiện.

Trong ngày 15/7, chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đã siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội trong đó có việc đóng cửa nhiều công ty và yêu cầu người dân đeo khẩu trang bắt buộc trên các phương tiện giao thông công cộng. Giới chức y tế Hong Kong thừa nhận tình hình "rất đáng lo ngại", với hơn 70% số ca lây nhiễm trong cộng đồng chưa rõ nguồn gốc. Trong ngày 15/7, chính quyền đặc khu ghi nhận thêm 19 ca nhiễm mới, trong đó có 14 ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Cùng ngày, chính quyền nhiều bang tại Ấn Độ cũng quyết định tái áp đặt phong tỏa do tổng số ca nhiễm lên tới gần 1 triệu ca. Bang Bangalore, trung tâm công nghệ miền Nam Ấn Độ, áp đặt biện pháp phong tỏa trong 1 tuần từ ngày 15/7, trong khi bang miền Đông Bihar áp đặt phong tỏa trở lại trong 2 tuần.

Trong ảnh: Cảnh sát gác bên ngoài một trung tâm mua sắm để nhắc nhở người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch COVID-19 tại Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN
Cảnh sát gác bên ngoài một trung tâm mua sắm để nhắc nhở người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch COVID-19 tại Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu cập nhật ngày 15/7 của Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Ấn Độ, số ca nhiễm tại nước này tăng thêm 29.429 ca trong 24 giờ qua lên 936.181 ca. Đây là số ca mắc trong ngày cao nhất tại nước này tính đến nay. Cũng trong 24 giờ qua, Ấn Độ thông báo thêm 582 ca tử vong, đưa tổng số ca không qua khỏi tại đây lên 24.309 ca.

Trong khi đó, Indonesia cũng ghi nhận số ca tử vong cao nhất trong ngày, với 87 ca tử vong mới. Cũng trong 24 giờ qua, Indonesia ghi nhận thêm 1.522 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc đảo này lên 80.094, trong đó có 3.797 trường hợp tử vong. 

Nhằm khống chế sự lây lan của đại dịch, Philippines đang triển khai cảnh sát nhằm đảm bảo những người có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 và không thể tự cách ly tại nhà sẽ được đưa tới các trung tâm cách ly. Hiện nhà chức trách Philippines cũng đang tăng cường xét nghiệm, tái áp đặt các biện pháp phong tỏa, và xây dựng thêm hàng chục trung tâm cách ly phục vụ những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ.

Tại châu Mỹ, diễn biến dịch tại Mỹ và Mexico đang rất phức tạp với số ca nhiễm mới và tử vong trong ngày đều ở mức cao. Nước Mỹ hiện ghi nhận 3.549.519 ca nhiễm và 139.314 ca tử vong, cao nhất thế giới. Trong khi đó, Mexico đã có tổng cộng 311.486 ca nhiễm và 36.327 ca tử vong.   

Bộ Y tế Mexico cho biết nước này đã ghi nhận thêm 7.051 ca nhiễm mới và 836 ca tử vong. Cả hai con số này đều nằm trong những mức cao nhất nước này từng ghi nhận. Việc các ca nhiễm mới và tử vong đều có xu hướng gia tăng sau khi Mexico từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch đã buộc chính phủ nước này phải cân nhắc các bước đi tiếp theo một cách thận trọng.

Tại châu Âu, diễn biến dịch có phần thuyên giảm và nhiều hoạt động vui chơi giải trí đã bắt đầu được mở cửa trở lại. Châu lục này hiện ghi nhận tổng cộng 2.609.292 ca nhiễm, trong đó có 197.517 ca tử vong.

Tại Pháp, công viên Disneyland ở thủ đô Paris cũng đã mở cửa trở lại để đón du khách sau 4 tháng đóng cửa, nhưng đi kèm các quy định phòng ngừa dịch bệnh nghiêm ngặt. Theo đó, khách du lịch khi vào công viên cần phải đeo khẩu trang và đăng ký từ trước. Số lượng người vào công viên cũng bị hạn chế và giữ khoảng cách 1 mét. Hàng trăm lọ dung dịch sát trùng tay và các điểm rửa tay được đặt rải rác trong công viên. Tuy nhiên, công viên không bán vé như thường lệ ở lối vào, sân chơi và các cửa hàng trang điểm trong công viên cũng vẫn đóng cửa.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Áo cho biết nước này sẽ dỡ bỏ cảnh báo đi lại đối với vùng Lombardy, khu vực từng là tâm dịch ở Italy, do số ca mắc mới đã giảm. Động thái này sẽ mở đường cho việc nối lại các chuyến bay giữa thủ phủ Milan của vùng Lombardy và thủ đô Vienna của Áo.

Hiện Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh Liên minh châu Âu (ECDC) đang tiến hành đánh giá nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong không khí từ các hệ thống thông gió và môi trường công sở. Trong khi virus SARS-CoV-2 được cho là lây lan chủ yếu qua giọt bắn, thì ECDC từ lâu đã cảnh nguy cơ lây lan trong không khí. Điều này có thể gây thêm rủi ro tại các khu vực có không gian kín, đặc biệt là những nơi có hệ thống lưu thông khí kém. Nguy cơ này sẽ càng tăng lên trong mùa Đông khi người dân dành nhiều thời gian ở trong nhà hơn.

Người đứng đầu ECDC Andrea Ammon nêu rõ hiện chưa có bằng chứng cho thấy tỷ lệ lây lan cụ thể trong không khí, thay vì từ các giọt bắn, song thừa nhận cả hai nguyên nhân đều có thể dẫn đến lây lan virus. Thông báo mới nhất cho thấy cam kết của ECDC trong việc ứng phó với nguy cơ lây nhiễm mới trong không khí. 

Tuần trước, gần 240 nhà khoa học từ 32 quốc gia đã kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận việc virus SARS-CoV-2 lây truyền qua các hạt có kích thước vô cùng nhỏ trong không khí là yếu tố quan trọng khiến căn bệnh truyền nhiễm này lây lan. WHO sau đó thừa nhận rằng “có bằng chứng mới xuất hiện” về việc virus SARS-CoV-2 lây truyền qua không khí. 

Một tin vui trong ngày 15/7, quân đội Nga thông báo thử nghiệm thành công vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 sau các cuộc thử nghiệm lâm sàng trên một nhóm tình nguyện viên. Thông báo  nêu rõ 18 người đã tham gia các cuộc thử nghiệm trên và được cách ly tại bệnh viện quân y Burdenko ở thủ đô Moskva kể từ ngày 18/6. 28 ngày sau khi tiêm vaccine, các dấu hiệu sinh tồn của nhóm tình nguyện viên này vẫn nằm trong giới hạn bình thường.

Tất cả đều  không gặp bất kỳ "biến chứng hoặc tác dụng phụ nghiêm trọng nào". Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh các kết quả thử nghiệm "cho phép chúng tôi tự tin thông báo về tính an toàn và chất lượng khá tốt của vaccine". Bộ trên dự kiến các cuộc thử nghiệm lâm sàng sẽ được hoàn tất vào cuối tháng 7 này.

Bích Liên/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm