Dịch COVID-19 ngày 13/12: Thế giới có 72.243.609 ca bệnh, 1.614.063 ca tử vong

13/12/2020 21:49 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h ngày 13/12 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 72.243.609 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.614.063 ca tử vong. Số ca bình phục là 50.635.240 ca.

Dịch COVID-19 đến sáng 13/12: Thế giới có 72,08 triệu ca bệnh, 1,61 triệu ca tử vong

Dịch COVID-19 đến sáng 13/12: Thế giới có 72,08 triệu ca bệnh, 1,61 triệu ca tử vong

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h30 ngày 13/12 theo giờ Việt Nam, toàn thế giới có 72,08 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sau khi ghi nhận thêm hơn 631.000 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua.

Mỹ vẫn là điểm nóng của dịch COVID-19 trên thế giới, với 16.551.634 ca mắc và 305.088 ca tử vong. Từ ngày 14/12, Mỹ sẽ bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 quy mô lớn. Đợt tiêm chủng 2,9 triệu liều vaccine đầu tiên sẽ diễn ra trong tháng 12, bắt đầu với việc tiêm cho các nhân viên y tế sớm nhất từ 14/12 và những người cao tuổi tại các viện dưỡng lão vào cuối tuần tới. Vaccine COVID-19 của Pfizer đã được các cơ quan quản lý dược phẩm Mỹ cấp phép sử dụng khẩn cấp cho đối tượng từ 16 tuổi trở lên vào ngày 11/12 trong bối cảnh đại dịch đang gia tăng ở nước này với hàng nghìn ca tử vong mỗi ngày. 

Xếp thứ hai sau Mỹ là Ấn Độ với 9.863.734 ca mắc COVID-19 và 143.123 ca tử vong. Sau Ấn Độ là Brazil với 6.880.595 ca mắc và 181.143 ca tử vong, Nga với 2.653.928 ca mắc và 46.941 ca tử vong, Pháp với 2.365.319 ca mắc và 57.761 ca tử vong. 

Trong ảnh: Biển báo yêu cầu đeo khẩu trang tại Munich, Đức, ngày 11/12/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Biển báo yêu cầu đeo khẩu trang tại Munich, Đức, ngày 11/12/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Châu Âu tiếp tục là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 trên thế giới khi nhiều nước tiếp tục ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới mỗi ngày. Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, ngày 13/12, chính phủ liên bang và chính quyền các bang ở Đức đã nhất trí áp đặt phong tỏa toàn phần từ ngày 16/12 tới. Theo đó, tất cả các cửa hàng, ngoại trừ các cửa hàng bán thực phẩm phục vụ nhu cầu tối thiểu hằng ngày, đều sẽ bị đóng cửa cho tới ít nhất ngày 10/1/2021. Quy định áp dụng ngoại lệ với các phiên chợ hằng tuần, với người tiếp thị, giao và nhận hàng, cửa hàng thực phẩm chuyên về sức khỏe y tế và hiệu thuốc. Quyết định này được cho sẽ tác động nhiều tới cuộc sống của người dân, đặc biệt trong dịp lễ Giáng sinh truyền thống và đón Năm mới. 

Trong thời gian phong tỏa, các nhà trẻ và trường học cũng sẽ đóng cửa hoặc chuyển sang học trực tuyến; việc đốt pháo và tụ tập đông người ở nơi công cộng trong đêm Giao thừa cũng bị cấm. Ngoài ra, việc uống rượu bia nơi công cộng cũng sẽ bị cấm và sẽ phạt nặng các trường hợp vi phạm. Trong những ngày lễ Giáng sinh từ 24-26/12, ngoài 5 người từ hai gia đình họ hàng thân thích (không tính trẻ dưới 14 tuổi) thì còn cho thêm 4 người là họ hàng thân thích có thể gặp mặt. Người sử dụng lao động được khuyến khích cho phép nhân viên làm việc tại nhà. Chính phủ liên bang và các bang cũng nhất trí sẽ áp dụng các biện pháp bảo vệ đặc biệt với các nhà dưỡng lão, trong khi các nhà thờ, giáo đường Do Thái, thánh đường Hồi giáo cũng như các sự kiện tôn giáo chỉ được phép thực hiện các nghi lễ nếu có thể duy trì khoảng cách tối thiểu 1,5 m và đeo khẩu trang. Cấm hát đồng ca trong các cơ sở tôn giáo này.

Tại Italy, Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza cho biết nước này sẽ bắt đầu triển khai chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 vào tháng 1/2021. Từ tháng 1 đến tháng 3/2021, Italy sẽ có khoảng 10 triệu liều vaccine để tiêm cho người dân, và trọng tâm của chiến dịch tiêm chủng sẽ rơi vào cuối mùa Xuân 2021. Hai công ty đầu tiên dự kiến sẽ được các cơ quan quản lý "bật đèn xanh" và sẽ cung cấp vaccine cho Italy là Pfizer-BioNTech và Moderna. Ông Speranza cũng nhấn mạnh an toàn vẫn là tiêu chí hàng đầu cho việc cấp phép vaccine của quốc gia này. Dự kiến, trong quý đầu tiên của năm 2021, Pfizer-BioNTech và Moderna sẽ cung cấp cho Italy theo hợp đồng lần lượt là 8.749.000 và 1.346.000 liều. Chính phủ Italy cũng đã lên kế hoạch đặt hàng với tổng số 202.573.000 liều vaccine để cung cấp cho người dân.

Tại Hà Lan, số ca nhiễm mới đã tăng lên gần 10.000 trường hợp trong 24h qua và đây là ngày có số ca nhiễm nhiều nhất ở Hà Lan kể từ tháng 10 vừa qua

Số ca nhiễm liên tục tăng bất chấp lệnh phong tỏa cục bộ có hiệu lực từ ngày 13/10. Chính phủ Hà Lan đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp trong ngày 13/12 để thảo luận các biện pháp bổ sung nhằm ngăn chặn sự lây lan quá nhanh của dịch bệnh. Theo dự kiến, các biện pháp bổ sung sẽ được công bố vào ngày 16/12 tới.

Tại châu Á, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 13/12 kêu gọi dốc toàn lực để hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19 ở nước này, tuyên bố cuộc chiến chống dịch bệnh của Hàn Quốc đang ở "giai đoạn then chốt" trước khi quyết định liệu có nâng mức giãn cách xã hội lên mức cao nhất hay không. Trước đó, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết trong số 1.030 ca bệnh thông báo sáng 13/12, có 1.002 ca lây nhiễm trong cộng đồng - mức cao nhất kể từ khi Hàn Quốc phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên hồi tháng 1/2020. Hiện các cơ quan y tế Hàn Quốc đã nâng cấp độ giãn cách xã hội lên mức 2,5 trong thang bậc 5 cấp hồi đầu tuần này (mức 3 là cao nhất), song vẫn không làm chậm tình trạng lây nhiễm. 

Các nhà dịch tễ học Hàn Quốc cho biết, nếu xu hướng này không được ngăn chặn, rất có thể số ca nhiễm mới sẽ tiếp tục vượt ngưỡng từ 1.500 đến 2.000 ca/ngày trong tuần tới. Để ngăn chặn nguy cơ "quá tải", các chuyên gia khuyến cáo ngoài việc nâng mức cảnh báo (lên cấp độ cao nhất) còn phải thực hiện các biện pháp chuyên sâu như tiến hành các xét nghiệm cho tất cả người dân.

Phan An/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm