Dịch Covid-19: Hệ thống y tế của Indonesia quá tải nghiêm trọng - Italy kéo dài tình trạng khẩn cấp đến ngày 31/12

23/07/2021 15:27 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Một số khu vực bên ngoài đảo Java đang đề nghị chính quyền trung ương giúp đỡ khi các bệnh viện đều quá  tải và nguồn cung cấp ôxy y tế cũng như vaccine ngừa COVID-19 đang thiếu hụt trầm trọng.

Tổng số ca mắc Covid-19 tại Indonesia đã vượt mức 3 triệu

Tổng số ca mắc Covid-19 tại Indonesia đã vượt mức 3 triệu

Số ca mắc COVID-19 tại Indonesia đã vượt 3 triệu ca kể từ khi nước này ghi nhận trường hợp đầu tiên vào tháng 3 năm ngoái. Quốc gia Đông Nam Á này cũng trải qua ngày có số ca tử vong cao nhất kể từ khi dịch bùng phát.

Tình trạng này làm dấy lên lo ngại khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 sẽ lan rộng ra ngoài đảo Java và Bali.       

Phóng viên TTXVN tại Jakarta dẫn thống kê của Bộ Y tế Indonesia cho biết hiện 7/27 tỉnh bên ngoài Java và Bali đã rơi vào tình trạng quá tải bệnh viện khi tỷ lệ bệnh nhân nhập viện lên tới hơn 70%. Cụ thể Đông Kalimantan (83%), Lampung (78%), Nam Sumatra (77%) và Riau (74%). Ngoài ra còn 8 tỉnh khác bên ngoài Java cũng ghi nhận tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 nằm viện chiếm 60-70% số giường bệnh. Một số bệnh viện đã phải từ chối nhận bệnh nhân chuyển tuyến, thậm chí treo biển đóng cửa do số lượng bệnh nhân đã quá đông.   

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong khi đó, tiến độ phân phối vaccine bị chậm tại các tỉnh ngoài Java bất chấp việc Tổng thống Joko Widodo đã chỉ đạo đẩy nhanh việc tiêm chủng để đạt mục tiêu 2 triệu liều/ngày vào tháng 8 tới. So với chương trình tiêm chủng tại Java, tốc độ tiêm chủng ở các tỉnh bên ngoài Java còn rất chậm chạp. Hiện, các tỉnh này mới chỉ ưu tiên tiêm cho người cao tuổi.       

Tính đến ngày 23/7, tổng số trường ca mắc COVID-19 tại Indonesia là 3.033.339, tăng 49.509 ca so với một ngày trước đó. Số ca tử vong cũng tăng 1.449 ca trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca không qua khỏi do COVID-19 tại nước này lên 79.032. Trong khi đó, số ca phục hồi trong ngày cũng tăng 36.370, lên 2.392.923.       

Cùng ngày, Chính phủ Italy đã thông qua sắc lệnh mới nhằm ứng phó với diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 và biến thể Delta. Theo sắc lệnh mới, tình trạng khẩn cấp sẽ gia hạn đến hết ngày 31/12, đồng thời quy định việc áp dụng "thẻ xanh", có giá trị như hộ chiếu vaccine với tất cả công dân Italy trên 12 tuổi.     

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Varese, Italy. Ảnh: AFP/ TTXVN

 Theo phóng viên TTXVN tại Rome, tình trạng khẩn cấp tại nước này được kích hoạt từ ngày 31/1/2020 và sẽ hết hạn vào ngày 31/7. Việc kéo dài tình trạng khẩn cấp đến 31/12 sẽ trao thêm quyền cho chính phủ, cũng như chính quyền các vùng trong việc huy động nguồn lực y tế hậu cần khi cần thiết, nhằm bảo vệ công dân trước biến thể Delta.       

Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Italy Mario Draghi nêu rõ: “Biến thể Delta vẫn là mối đe dọa lớn hơn nhiều các biến thể khác”. Ông Mario Draghi kêu gọi người dân Italy tiêm vaccine để bảo vệ bản thân và gia đình, khẳng định không tiêm phòng, đồng nghĩa với việc các biện pháp chống dịch sẽ phải tái áp đặt… "Thẻ xanh" không phải là trọng tài nhưng là điều kiện để không phải đóng cửa các hoạt động sản xuất.       

Theo sắc lệnh, "thẻ xanh" được áp dụng với các trường hợp đã tiêm mũi đầu vaccine hoặc đã xét nghiệm nhanh âm tính với COVID-19 được thực hiện trong 48 giờ trước đó, và có hiệu lực 6 tháng với các trường hợp phục hồi sau điều trị COVID-19. Sắc lệnh quy định, kể từ ngày 6/8, người dân bắt buộc phải có "thẻ xanh" để tiếp cận các dịch vụ và hoạt động như: ngồi ăn uống trong không gian kín, nhà hàng, quán bar; các sự kiện thể thao, các buổi biểu diễn; bảo tàng, sự kiện văn hóa và triển lãm; bể bơi, phòng tập gym, trung tâm chăm sóc sức khỏe, rạp chiếu phim…       

Thẻ xanh chỉ miễn trừ độ tuổi dưới 12 tuổi, chưa được phép tiêm vaccine, và những trường hợp không thể tiêm vaccine vì lý do sức khỏe.  Các trường hợp vi phạm quy định phải chịu mức phạt từ 400-1.000 euro, các cơ sở vi phạm có thể sẽ phải đóng cửa từ 1-10 ngày.       

Sắc lệnh mới được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc mới tăng mạnh trong những tuần qua tại Italy do biến thể Delta. Theo dữ liệu từ tổ chức nghiên cứu y tế Gimbe Foundation, số ca mắc mới tăng mạnh sau nhiều tháng giảm, trong tuần từ 14-20/7 số ca mắc mới tăng hơn gấp đôi so với tuần trước đó.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm