Dịch Covid-19 đến sáng 6/2: Thế giới có 105.871.366 ca bệnh, 2.306.883 ca tử vong

06/02/2021 08:02 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 7h ngày 6/2 (giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 105.871.366 ca mắc COVID-19 và 2.306.883 ca tử vong. Số ca được điều trị khỏi là 77.493.919 ca.

Dịch Covid-19 ngày 5/2: Thế giới có 105.520.277 ca bệnh, 2.296.814 ca tử vong

Dịch Covid-19 ngày 5/2: Thế giới có 105.520.277 ca bệnh, 2.296.814 ca tử vong

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 5/2 (giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 105.520.277 ca mắc COVID-19 và 2.296.814 ca tử vong. Số ca được điều trị khỏi là 77.212.157ca.

Mỹ hiện vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của đại dịch COVID-19 trên thế giới với 467.000 ca tử vong trong tổng số hơn 27,2 triệu ca mắc.

Tờ The Guardian của Anh mới đây cho rằng Mỹ đã thất bại trong việc phát triển một hệ thống giám sát cho phép các nhà nghiên cứu theo dõi các biến thể nguy hiểm của virus SARS-CoV-2.

Theo bài báo trên, để phát hiện các biến thể nguy hiểm, giống như các biến thể dễ lây truyền được xác định lần đầu tiên ở Anh và Nam Phi, việc nghiên cứu là rất cần thiết. Tuy nhiên, đến ngày 29/1, Mỹ mới chỉ lập kế hoạch và chia sẻ giải trình tự gene của 0,3% số ca mắc COVID-19 ở nước này, xếp thứ 30 trên thế giới.

Sau Mỹ về số ca mắc COVID-19 là Ấn Độ với hơn 10,8 triệu ca mắc và 154.800 ca tử vong, tiếp đến là Brazil với 9,39 triệu ca mắc và 228.800 ca tử vong, Nga với 3,93 triệu ca mắc và 75.700 ca tử vong. 

Xét về khu vực, châu Âu tiếp tục là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới với 30,9 triệu ca mắc. Tuy nhiên, cách ứng phó với dịch bệnh ở các nước không hoàn toàn giống nhau.

Anh cho biết sẽ siết chặt quy định cách ly từ ngày 15/2, theo đó những người Anh hoặc định cư tại Anh trở về từ 33 nước thuộc nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao các biến thể của virus SARS-CoV-2 bắt buộc phải cách ly 10 ngày tại khách sạn ngay khi nhập cảnh.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại London, Anh, ngày 26/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Hungary sẽ triển khai chương trình tiêm chủng

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Hungary dự kiến bắt đầu tiêm vắcxin ngừa COVID-19, do công ty Sinopharm của Trung Quốc điều chế, cho công dân vào cuối tháng này.

Tháng trước, Hungary đã phá vỡ quy định của Liên minh châu Âu (EU) khi trở thành thành viên EU đầu tiên phê chuẩn và đặt hàng cả vắcxin của Sinopharm và Sputnik V của Nga, với số lượng lần lượt là 5 triệu và 2 triệu liều.

Ông Gergely Gulyas, Chánh văn phòng Thủ tướng Hungary Viktor Orban, thông báo trong một cuộc họp báo tại Budapest rằng số vắcxin của Trung Quốc “đủ cho 250.000 người mỗi tháng 2, 3 và 4, và phần còn lại theo hợp đồng sẽ được sử dụng sau tháng 4.”

Thủ tướng Orban, người trước đó từng tuyên bố ông sẽ chọn vắcxin Trung Quốc để tiêm cho mình, ngày 5/2 cho biết loại vắcxin này "đang trên đường (đến)", tuy nhiên ông nói thêm cuộc kiểm tra của nhà chức trách Hungary vẫn được thực hiện.

Bên cạnh đó, ông dẫn kinh nghiệm của quốc gia láng giềng Serbia đối với cả vắcxin của Nga và Trung Quốc là "yên tâm". Theo ông Orban, lô vắcxin đầu tiên của Nga “có lẽ sẽ đến vào tuần tới” phụ thuộc vào sự phê chuẩn cuối cùng của cơ quan y tế công cộng nước này.

Các quan chức Hungary đã chỉ trích tốc độ phê duyệt và mua sắm vắcxin chậm chạp của EU, mà cho đến nay đã gửi các liều vắcxin của Pfizer-BioNTech và Moderna tới Budapest. Hiện tại ở Hungary, khoảng 260.000 người đã được tiêm ít nhất một liều vắcxin đầu tiên, trong khi 92.000 người đã tiêm cả hai mũi.

Ông Agnes Galgoczi, Trưởng phòng dịch tễ học của Trung tâm Y tế Cộng đồng Quốc gia Hungary, cho biết lô vắcxin đầu tiên của AstraZeneca sẽ đến Hungary vào cuối tuần này, đủ dùng cho 20.400 người và sẽ được tiêm cho những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính dưới 60 tuổi.

Hungary đã áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội từ tháng 11/2020, trong đó có lệnh giới nghiêm vào ban đêm, cấm tụ tập và đóng cửa các nhà hàng, trường học và trường đại học.

Chánh văn phòng Gulyas cho biết chính phủ sẽ cân nhắc dỡ bỏ dần các hạn chế và giai đoạn đầu tiên bắt đầu từ ngày 1/3, giai đoạn hai vào ngày 1/4, nếu không có làn sóng thứ ba.

Số liệu thống kê về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 của Hungary đã giảm trong tháng 1, song đã có sự tăng nhẹ từ đầu tháng 2 đến nay.

Israel công bố “đột phá” trong điều trị COVID-19

Phóng viên TTXVN tại Tel Aviv  cho biết một bệnh viện của Israel vừa công bố phương pháp điều trị mang tính “đột phá” có thể giúp các ca bệnh COVID-19 thể vừa và nhẹ phục hồi nhanh chóng.

Phương pháp này sử dụng chất EXO-CD24, do Giáo sư Nadir Arber điều chế từ trước đó nhiều năm. Thông tin từ Trung tâm Y tế Ichilov cho biết khi sử dụng chất EXO-CD24 cho 30 bệnh nhân COVID-19, hầu hết trong số này đã hồi phục chỉ sau 3-5 ngày.

Chất EXO-CD24 giúp cơ thể người bệnh kháng lại triệu chứng “bão cytokine” - một phản ứng thái quá của hệ miễn dịch trước một số bệnh lây nhiễm khiến cơ thể mệt mỏi, đau nhức, buồn nôn, thậm chí tử vong.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Safed, Israel, ngày 2/2/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Có thế hoạt động của chất EXO-CD24 sử dụng exosom - các túi ngoại bào có kích thước rất nhỏ do tế bào tiết ra - để vận chuyển protein CD24 tới phổi của bệnh nhân.

Hiện giới y khoa tin rằng chính phản ứng thái quá của hệ miễn dịch cơ thể là nguyên nhân gây ra phần lớn các ca tử vong vì COVID-19 thời gian qua.

Theo chuyên gia Shiran Shapira, một cộng sự của Giáo sư Arber, chất EXO-CD24 được các bác sỹ đưa vào cơ thể bệnh nhân qua đường mũi mỗi ngày một lần và đi thẳng vào phổi. Vì vậy, thuốc không gây tác dụng phụ và có thể được dễ dàng theo dõi, kiểm soát.

Các bác sỹ Trung tâm Y tế Ichilov cho biết phương pháp điều trị này còn phải được tiếp tục thử nghiệm trong các giai đoạn tiếp theo nhưng họ hy vọng đây sẽ là bước đột phá trong điều trị bệnh COVID-19.

New York mở rộng tiêm chủng cho người có bệnh nền

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, bang New York vừa quyết định mở rộng tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 cho những người có bệnh nền thuộc nhóm nguy cơ cao kể từ ngày 15/2 tới.

Phát biểu họp báo trực tuyến ngày 5/2, Thống đốc bang Andrew Cuomo tuyên bố sẽ sớm công bố danh sách các bệnh nền thuộc diện được ưu tiên tiêm vắcxin sau khi giới chức bang bàn bạc với Trung tâm Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).

Trước mắt, những người mắc bệnh tim mạch, ung thư, bệnh phổi, gan, tiểu đường, béo phì và phụ nữ mang thai sẽ được nằm trong nhóm ưu tiên.

Quyết định mở rộng tiêm chủng được Thống đốc Cuomo đưa ra dựa trên dữ liệu cho thấy đã có 75% số y, bác sỹ làm việc trong các bệnh viện được tiêm chủng ít nhất một liều vắcxin và các bệnh viện sẽ có thêm một tuần để tiêm nốt cho những người còn lại trước khi điều chuyển vắcxin cho những đối tượng khác.

Cùng ngày 5/2, thành phố New York đã mở điểm tiêm chủng vắcxin COVID-19 tại sân vận động Yankee ở quận Bronx nhằm khuyến khích người dân da màu đi tiêm chủng. Bronx là quận có tỷ lệ dương tính với virus SARS-CoV-2 cao nhất New York và điểm tiêm chủng vừa được mở có khả năng tiêm được cho 15.000 người mỗi tuần.

Ngay trong ngày đầu đi vào hoạt động, điểm tiêm chủng này đã có tới 13.000 tới đăng ký. Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio cho biết sẽ sớm mở thêm một điểm tiêm chủng lớn khác trong vài ngày tới và dự kiến sẽ đặt tại Citi Field ở quận Queens.

Theo thống kê, trong ngày 4/2, toàn bang New York có thêm 6.970 ca nhiễm mới, thấp hơn 1/3 so với thời điểm cách đây 2 tuần. Tổng số người được tiêm phòng trên toàn bang là 2,2 triệu người. Thành phố New York vẫn là nơi có nguy cơ cao nhất, do có số ca nhiễm mới và tử vong vẫn ở mức cao trong suốt 2 tuần qua.

Trung bình mỗi ngày thành phố này có thêm 5.164 ca mắc mới, đưa tổng số ca nhiễm của thành phố đến nay lên 623.713 người. Một điểm đáng lưu ý khác là tỷ lệ xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 của thành phố New York khá cao, ở mức 8,51%, trong đó tỷ lệ ở quận Bronx lên tới 10%. 

Đức cảnh báo chưa thể sớm kiểm soát đại dịch, số ca tử vong vượt quá 60.000

Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức ngày 5/2 cảnh báo nước này vẫn chưa thể sớm kiểm soát được đại dịch COVID-19 do sự nguy hiểm từ những biến thể mới. Trong khi đó, số ca tử vong từ đầu dịch đến nay đã vượt quá 60.000 người.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh đang có những tranh luận về khả năng nới lỏng các biện pháp hạn chế từ giữa tháng này khi số ca nhiễm mới đang có chiều hướng giảm dần.

Chủ tịch RKI Lothar Wieler nhấn mạnh sự xuất hiện của các biến thể mới có tốc độ lây nhiễm cao đang là mối nguy thực sự cho công tác khống chế đại dịch của Đức và nước này chưa thể sớm kiểm soát được đại dịch do chưa khống chế được virus, nhất là trong bối cảnh xuất hiện thêm các biến thể khác từ Anh và Nam Phi.

Chú thích ảnh
Người dân thực hiện giãn cách xã hội nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan khi xếp hàng mua thuốc tại Munich, Đức ngày 15/1/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mặc dù hiện tại các biến thể này chưa chưa bùng phát mạnh ở Đức, chỉ chiếm chưa đầy 6% số ca nhiễm, nhưng biến thể Anh đã xuất hiện tại 13/16 bang của nước này. Ông Wieler cảnh báo khả năng số ca nhiễm mới sẽ tăng lên khi các biến thể mới được phát hiện ngày càng nhiều hơn.

Đức đã phải thực hiện phong tỏa từng phần từ tháng 11/2020 với việc đóng cửa các nhà hàng, quán bar, các cơ sở thể thao và văn hóa. Sau đó một tháng, quy định này được áp dụng thêm với các trường học và các cửa hàng bán đồ không thiết yếu.

Ngoài ra, Đức cũng thắt chặt quy định đeo khẩu trang và tăng cường làm việc tại nhà do lo ngại về các biến thể mới. Sau một thời gian áp dụng, các biện pháp này đã dần phát huy hiệu quả khi số ca nhiễm mới bắt đầu giảm trong 3 tuần trở lại đây. Tuy nhiên số ca tử vong thì vẫn ở mức cao với trung bình 800-900 ca/ngày.

Theo kế hoạch, Thủ tướng Đức Angela Merkel và thủ hiến các bang sẽ nhóm họp trực tuyến vào ngày 10/2 tới để thảo luận về các hạn chế chống dịch do có nhiều ý kiến lo ngại nới lỏng quá sớm các biện pháp phong tỏa sẽ gây ra mối nguy thực sự.

Một số nguồn tin chưa chắc chắn cho biết có khả năng Đức sẽ tiếp tục kéo dài lệnh phong tỏa thêm 2 tuần, bắt đầu từ giữa tháng này.

Liên quan đến chiến dịch tiêm vắcxin ngừa COVID-19, kể từ ngày 27/12 đến nay Đức đã tiêm được 2,98 triệu liều, trong đó 2,1 triệu người được tiêm mũi thứ nhất (chiếm 2,6% dân số) và hơn 800.000 người được tiêm đủ 2 mũi (chiếm 1% dân số).

Trong 24 giờ tính đến tối 5/2, nước Đức ghi nhận thêm gần 11.600 ca nhiễm mới và gần 780 ca tử vong, nâng tổng số người tử vong do COVID-19 từ đầu dịch đến nay lên 60.888 người. Số ca mắc vẫn đang phải điều trị là trên 192.500 người.

Bỉ cho phép một số ngành nghề hoạt động trở lại

Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, ngày 5/2, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo đã công bố các biện pháp nới lỏng đối với một số ngành nghề, trong đó có ngành nghề tiếp xúc trực tiếp như cắt tóc. Quyết định được đưa ra sau cuộc họp của Ủy ban tham vấn.

Cụ thể là các cửa hiệu cắt tóc, các địa điểm nghỉ dưỡng và vườn bách thú sẽ được mở cửa trở lại từ ngày 13/2 với điều kiện phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch và an toàn y tế được quy định rất nghiêm ngặt.

Ngoài ra, các ngành nghề tiếp xúc trực tiếp như thẩm mỹ và xăm hình cũng sẽ được mở cửa trở lại từ ngày 1/3. Trong khi đó, các ngành dịch vụ ăn uống, văn hóa và tổ chức sự kiện vẫn chưa có lịch được hoạt động trở lại dù đã phải đóng cửa từ nhiều tháng nay.

Song song với việc công bố quyết định trên, Thủ tướng De Croo đã yêu cầu các cơ quan chức năng và chuyên gia thiết lập lộ trình có tính đến số liệu về dịch bệnh, năng lực của các bệnh viện, diễn biến dịch tễ học và tiến độ tiêm chủng vắcxin để đưa ra các biện pháp nới lỏng cần thiết.

Hiện số liệu bệnh dịch tại Bỉ vẫn ở mức ổn định với trung bình 2.349 ca nhiễm mới/ngày trong tuần từ 26/1-1/2 và 121 ca nhập viện/ngày trong tuần từ 29/1-4/2.

Hiện Bỉ đã ghi nhận 718.847 ca mắc COVID-19, trong số này có 21.260 ca tử vong và 1.752 người vẫn đang phải điều trị.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm