Delta - biến thể gây Covid-19 ‘đáng lo ngại’ ở cấp độ toàn cầu

23/06/2021 21:36 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Biến thể Delta xuất hiện lần đầu ở Ấn Độ, hiện đã có mặt ở hơn 80 quốc gia trên thế giới và đang có xu hướng trở thành chủng phổ biến trên phạm vi toàn cầu. Giới chuyên gia lo ngại biến chủng này sẽ đe dọa nỗ lực dập dịch ở nhiều nước trên thế giới và “vũ khí” hữu hiệu để ngăn chặn đại dịch vẫn là vaccine.

Vaccine Covid-19 giả: nguy hại khôn lường

Vaccine Covid-19 giả: nguy hại khôn lường

Lợi dụng việc vaccine phòng Covid-19 đang khan khiếm, cả trên thế giới và ngay tại Việt Nam đã xuất hiện các lời mời chào mua bán, tiêm phòng các loại vaccine Covid-19.

* Xuất hiện lần đầu ở Ấn Độ

Sau các biến thể Alpha (phát hiện lần đầu ở Anh), Beta (ở Nam Phi) và Gamma (ở Brazil), giờ đây toàn thế giới đang phải đối mặt với một loại biến thể mới nguy hiểm hơn - biến thể Delta.

Biến thể Delta, còn được gọi là B.1.617.2, được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 10/2020 tại bang Maharashtra, Ấn Độ. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, biến thể này nhanh chóng lan rộng khắp Ấn Độ và nhiều nước trên thế giới.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo biến thể Delta có thể gây bùng phát các đợt dịch mới nhanh hơn nhiều so với các biến thể trước đó. Biến thể Delta được cho là dễ lây nhiễm hơn 60% so với Alpha, biến thể trước đó lây lan mạnh tại Anh. Biến thể này nguy hiểm ở chỗ những người bị nhiễm có lượng virus rất cao trong cổ họng trong một thời gian ngắn và dễ dàng lây sang người khác trước khi họ nhận ra mình bị nhiễm bệnh. Biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao và lây lan nhanh chóng, bám chặt hơn vào các thụ thể của tế bào phổi và có khả năng làm giảm phản ứng kháng thể đơn dòng.

Covid-19, biến thể Delta, biến thể Covid-19, biến thể Ấn Độ, đại dịch toàn cầu, SARS-CoV-2
Các loại biến thể của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19. (Đồ họa: The Conversation0

Tháng 5/2021, WHO đã xếp biến thể Delta vào diện biến thể "đáng lo ngại" ở cấp độ toàn cầu, cũng như các biến thể Alpha, Beta và Gamma.

*Lây lan nhanh chóng

Biến thể Delta hiện đang lây lan nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu.

Tại Mỹ, tỷ lệ nhiễm chủng Delta gia tăng từng ngày và cũng có nguy cơ là chủng thống trị ở nước này trong thời gian tới. Tiến sĩ Anthony Faucity, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, khẳng định biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 là mối đe dọa lớn nhất đối với nỗ lực của Mỹ nhằm chấm dứt đại dịch Covid-19 ở trong nước. Các nhà khoa học ở Mỹ cũng lo ngại rằng biến thể Delta sẽ đe dọa những người dân chưa được tiêm chủng và một nền kinh tế đang nhanh chóng mở cửa trở lại.

Phân tích dữ liệu cho thấy chủng virus Delta cũng đã và đang bắt đầu lây lan ở Israel. Hôm 21/6, Bộ Y tế Israel đã ghi nhận thêm 125 ca mắc Covid-19, mức cao nhất trong vòng 2 tháng qua, nâng tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 trên toàn quốc lên 477 ca, trong đó có 26 ca đang trong tình trạng nguy kịch. Thủ tướng Israel Naftali Bennett ngày 22/6 cho biết, sự gia tăng số ca mắc Covid-19 trong mấy ngày qua chính là "một đợt tái bùng phát" mới tại quốc gia này.

Ở châu Âu, biến thể Delta đã xuất hiện ở nhiều quốc gia và đang làm dấy lên lo ngại biến chủng mới này có thể cản trở những nỗ lực mà EU đã đạt được trong vòng hai tháng qua trong việc giảm các ca mắc và tử vong do Covid-19 xuống mức thấp nhất kể từ mùa thu năm ngoái. Tại Anh, số ca mắc Covid-19 đã tăng gấp ba trong tháng qua với biến chủng Delta chiếm khoảng 98% tổng số ca mắc Covid-19. Chỉ trong 1 tuần từ ngày 7 đến 13/6, hơn 1.300 bệnh nhân Covid-19 đã phải nhập viện. Sau khi dữ liệu chính thức cho thấy biến chủng Delta dường như làm tăng nguy cơ nhập viện gấp 2,2 lần so với biến chủng Alpha được phát hiện tại Anh, chính phủ Anh đã lùi lộ trình dỡ bỏ phong tỏa đất nước thêm 4 tuần. Tại Scotland, số ca nhập viện vì biến thể Delta cao gấp đôi số ca nhập viện do biến thể Alpha. Tại Bồ Đào Nha, biến thể Delta chiếm tới 96% các ca mắc mới Covid-19 tại nước này. Trong khi đó, biến thể Delta chiếm hơn 20% tại Italy, khoảng 16% tại Bỉ và xuất hiện tại một số khu vực ở Tây Ban Nha, khiến các quan chức y tế châu Âu cảnh báo cần phải hành động để ngăn chặn sự lây lan của biến chủng này. Tại Đức, biến thể Delta đã được phát hiện ở cả 16 bang với tỷ lệ tăng lên đáng kể trong thời gian qua. Mặc dù số liệu hiện tại chưa được công bố, nhưng theo chuyên gia về virus Christian Drosten, tỷ lệ mắc biến thể Delta ở Đức có thể đã lên tới 20%. Tại Pháp, biến chủng Delta chiếm từ 2% đến 4% các mẫu virus được phân tích ở Pháp. Một số nhà khoa học lo ngại biến chủng Delta có thể đã lan rộng nhưng chưa bị phát hiện do việc giải trình tự gen để xác định các biến chủng ít được thực hiện tại châu Âu do chi phí cao và tốn thời gian. LB Nga cũng đang trải qua đợt bùng phát mạnh Covid-19 do biến thể Delta lây lan với tốc độ nhanh với số ca nhiễm mỗi ngày lên tới gần 17.000 ca mà đáng lo ngại nhất là tình hình ở thủ đô Moskva.

Covid-19, biến thể Delta, biến thể Covid-19, biến thể Ấn Độ, đại dịch toàn cầu, SARS-CoV-2

thể Delta cũng đang hoành hành tại châu Á. Dòng biến thể của virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện tại Ấn Độ (B.1.617.2) đã gây ra làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai ở nước này. Theo hãng tin Sputnik, ngày 21/6, bang Maharashtra của Ấn Độ đã ghi nhận 20 trường hợp nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 với tên gọi là “Delta plus” là biến thể mới của biến thể Delta. Bộ Y tế Singapore cho biết nước này đã phát hiện biến thể Delta là dòng biến thể phổ biến nhất trong số các ca mắc các biến thể virus SARS-CoV-2 đáng lo ngại trong cộng đồng của nước này với 428 ca mắc. Campuchia và Việt Nam cũng đang trải qua làn sóng dịch Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng lần thứ ba và lần thứ tư với sự xuất hiện của biến thể Delta.

* Vaccine vẫn là phao cứu sinh

Trong suốt năm 2020, cả thế giới đã trông đợi vaccine ngừa Covid-19 như một chiếc phao cứu sinh để thoát khỏi đại dịch toàn cầu. Sự ra đời cấp tốc của vaccine chỉ sau hơn 1 năm nghiên cứu là một kỳ tích khoa học mang theo hy vọng toàn cầu về việc quay trở lại với cuộc sống bình thường. Thế nhưng hiện thế giới đang phải đối mặt với các đột biến của virus SARS-CoV-2 ngày càng nhiều hơn, nguy hiểm hơn và các loại vaccine trở nên kém hiệu quả đối với các biến thể mới, đặc biệt là biến thể Delta. Tuy nhiên, WHO cho rằng các loại vaccine hiện có vẫn có tác dụng với loại biến thể này, ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng và tử vong.

Nghiên cứu của WHO cho thấy những người đã tiêm đủ hai liều vaccine sẽ được bảo vệ trước biến thể Delta, có khả năng cao tránh được nguy cơ bệnh tiến triển nặng phải nhập viện khi mắc Covid-19. Những người đã tiêm 1 mũi vaccine của BioNTech/Pfizer được cho là có thể tránh bệnh tiến triển nặng ở mức 94%, tỷ lệ này thậm chí đạt 96% khi tiêm đủ 2 liều. Trong khi đó, tỷ lệ tránh được bệnh tiến triển nặng ở những người tiêm vaccine của AstraZeneca là 71% sau liều thứ nhất và 92% sau liều thứ hai.

Các chuyên gia khẳng định rằng biến chủng Delta sẽ “thống trị” tại bất cứ nơi nào nó xuất hiện, và chìa khóa để giải quyết vấn đề là tăng tỷ lệ người dân được tiêm đủ 2 mũi vaccine, đồng thời làm chậm quá trình lây lan của virus càng nhanh càng tốt. Tiêm vaccine phòng Covid-19 trên diện rộng được xem là chiến thuật hiệu quả nhất để tự vệ trước diễn biến phức tạp của đại dịch.

Thanh Lâm (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm