Chuyện nuôi lợn thời bao cấp

06/02/2019 11:00 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Kể lại chuyện nuôi lợn thời bao cấp, có lẽ không ai quên được chuyện “lợn nuôi tiến sĩ” về cố giáo sư Văn Như Cương. Đó có thể là giai thoại, nhưng chuyện nuôi lợn thời bao cấp ở thành phố quả có nhiều chuyện bi hài.

Tìm về chợ Tết thời bao cấp

Tìm về chợ Tết thời bao cấp

Từ ngày 26/1 đến 27/1 tại Hà Nội diễn ra sự kiện "Nét xưa Hà Nội 2019 - Thời bao cấp".

Vào những năm 1980, đối với các gia đình công nhân như nhà tôi, nuôi lợn thực chất là một cách tiết kiệm từ những thứ dư thừa hàng ngày như cọng rau, nước gạo, cơm thừa canh bỏ, cộng thêm với việc đi kiếm thêm rau bèo sẵn có ở các khu vực hồ ao gần nhà để làm thức ăn cho lợn. Vả lại lương thực, thực phẩm khi đó quả là khó khăn nên nếu không tự nuôi lợn thì có lẽ cơ hội ăn miếng thịt ngon cực kỳ khó, cả nhà cũng chẳng biết lúc nào mới được ăn bát cháo lòng có miếng dồi kèm theo. Nghe thì đơn giản nhưng thực sự đúng là như vậy.

Để nuôi lợn thì việc đầu tiên phải lo đó là chuồng lợn. Với căn hộ tập thể khép kín tầng một diện tích 24m2 có đủ cả bếp, nhà vệ sinh, nhà tắm mà những 6 người sinh sống thì việc có thêm một chú “ỉn” quả là cũng không đơn giản chút nào. Đất xung quanh nhà không có, nếu có quây thêm chuồng phía cạnh nhà thì lại phát sinh việc không có cống thoát để xử lý phân chuồng. Hơn nữa, để chuồng lợn ở ngoài thì gặp phải vấn đề trộm cắp, kẻ trộm lợn thời đó hay dùng bao đựng tro bếp, khi bắt trộm lợn thì dùng bao trùm lên đầu, lợn bị sặc không kêu được cho nên chủ nhà không phát hiện dễ bị mất.

Cuối cùng phương án an toàn nhất là nuôi trong nhà tắm, hàng ngày hót phân đổ đi rồi vệ sinh cho sạch, còn chủ nhà thì phải quây tạm nhà tắm ra ngoài hoặc ra nhà tắm công cộng sử dụng, cả nhà chấp nhận mùi hôi. Kể cũng cực kỳ bất tiện nhưng buộc phải chấp nhận.

Có chỗ nuôi rồi, việc còn lại là lo thức ăn cho lợn. Ngoài việc đi xin các gia đình không nuôi lợn đặt thùng nước gạo để tận dụng thức ăn thừa, còn lại chủ yếu là đi kiếm rau lợn ở ngoài đồng, ngoài ruộng bỏ hoang, trong các ao hồ, đầm gần khu vực sinh sống của gia đình.

Chú thích ảnh
Nuôi lợn trong nhà tập thể thời bao cấp là hình ảnh quen thuộc một thời. Ảnh dựng lại trong một chương trình truyền hình. Nguồn: phunuvietnam.vn

Để đi lấy rau lợn, đồ nghề của chúng tôi – lúc đó đang học cuối năm lớp 6 - phải chuẩn bị là một sợi dây thừng dài tầm 20m – thường là chắp nối – một cái liềm để cắt rau dại, một bao tải để vác rau về. Dây thừng thì một đầu sẽ buộc một nửa viên gạch lỗ hoặc một cái móc sắt để quăng ra xa kéo bèo vào gần bờ cho dễ lấy, vì ao hồ sâu và bẩn cho nên ít khi dám bơi ra vớt bèo vào.

Có đồ nghề rồi thì việc tiếp theo là tìm kiếm khu vực có sẵn bèo hay rau dại, việc này buộc chúng tôi khi đi học sáng hay chiều cũng vậy đều phải đi sớm hơn, phải “mua đường” vòng vèo qua các khu ruộng bỏ hoang gần trường, những khu vực có ao hồ để “tăm tia” nguồn rau trước khi vào lớp học, sau đó đi học về nhanh chân rủ nhau đi lấy kẻo hết. Mùa Đông lạnh, rau dại và bèo cũng trở nên khan hiếm chứ không phải sẵn có, vì vậy thi thoảng lợn phải ăn “cám loãng” chống đói.

Nuôi như vậy thế nhưng cũng không tránh khỏi chuyện may rủi, có đợt sắp xuất chuồng, chú lợn nhà tôi bỗng lăn quay ra ốm. Mẹ tôi lo lắng tất tả đi xin gừng pha với rượu, đêm tối không có điện thắp ngọn đèn dầu vào ngồi xoa bóp đánh gió, miệng lầm rầm mong cho nó mau khỏi để kịp bán có tiền dịp nghỉ lễ, mấy anh em cả nhà lo lắng chỉ sợ nó chết là công toi mấy tháng trời chăm bẵm.

Ấy vậy mà gia đình tôi vẫn còn may mắn, chứ như ở khu tập thể bên cạnh nhà thằng bạn còn khóc dở mếu dở vì chuyện nhốt lợn trong nhà vệ sinh trên tầng 3. Hàng ngày gia đình đều phải xách nước từ tầng 1 lên quét dọn phân, cọ sàn nhà vệ sinh cho đỡ mùi hôi, tuy nhiên cũng chẳng ăn thua gì cả. Cống thoát nước thời kỳ đó làm bằng sành không lắp đặt chìm như hiện nay cho nên khi bị tắc vỡ nước chảy xuống nhà tầng dưới gây xích mích hàng xóm nên thi thoảng lại cãi vã ầm ĩ. Nước máy lúc bấy giờ cũng không phải sẵn có như hiện nay cho nên việc dọn sạch không đơn giản. Cuối cùng gia đình phải quyết định bán sớm không thì mất đoàn kết khu dân cư. Ngày bán lợn, bố mẹ cậu bạn sợ nó ị bẩn ra cầu thang ảnh hưởng đến mọi người cho nên làm một cái võng bằng bao tải lủng lẳng dòng dây đưa chú ỉn xuống đất theo đường ban công. Đúng thật quá vất vả.

Theo lời kể của nhà khảo cổ học Vũ Thế Long, thời ấy, mổ lợn là phải xin phép, khá phức tạp nhưng cũng chẳng mấy ai chấp hành. “Tôi đã có lần được ông nội cho tham gia một vụ giết lợn chui vào dịp giỗ cụ nội tôi vào cuối tháng Chạp. Bữa ấy tôi lo lắm, chỉ sợ lợn nó cắn. Người ta lấy một cái thùng phuy nhỏ, đổ tro bếp vào thùng, đặt thùng ngang mặt chuồng lợn. Kẻ giữ thùng, người lừa đẩy mông con để lợn chui đầu vào miệng thùng sau dựng đứng thùng lên. Đầu lợn và nửa thân trước cắm vào trong thùng, mông đuôi chổng lên trời. Lợn bị sặc vì hít phải tro không kêu được tiếng nào. Người ta dội thêm nước vào kẽ thùng phuy cho lợn sặc ngất đi rồi chọc tiết thật êm. Hàng xóm đang ngủ say cũng không hề biết có một cuộc tàn sát đẫm máu diễn ra sát vách. Lần ấy, tôi chỉ góp một tay vào việc lừa lợn chui vào thùng. Nhìn vào nhiều chuồng lợn, thấy bầy lợn đông cả chục con sống hoà thuận cũng thấy thương”…

ŽCho đến giờ, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh tôi và thằng bạn cùng lớp những hôm trời lạnh đạp xe lên dốc cầu Đuống nhảy ùm ùm xuống lặn ngụp vớt rau lợn. Khi lên bờ cả hai thằng người tím tái đốt vội đống cỏ khô rồi chạy quanh cho ấm nhìn như mấy ông bộ tộc da đỏ trên phim. Rồi những đêm đi soi ếch về, mũi ông nào ông nấy đầy muội khói từ lốp xe cháy, mặt đen ám khói, mông quần có đứa còn lấm bùn vì trơn trượt. Có những bận, chúng tôi đạp xe chai cả mông xa nhà hàng chục cây số mà vẫn không tìm được nguồn rau, sợ lợn đói đành làm liều cắt trộm rau ở ngoài ruộng, cũng bị bắt vạ, bị phạt vài lần. Nghĩ lại thấy quả là dại dột.

Cuộc sống giờ đây đã thay đổi, thế nhưng nghĩ lại những tháng ngày nuôi lợn thời bao cấp đối với chúng tôi là những kỷ niệm khó quên. Những trải nghiệm lúc đó cũng là những bài học cho chúng tôi về sau này, hiểu thêm được giá trị của lao động, sự cực nhọc của những gia đình chăn nuôi. May mắn là không đứa nào bị tai nạn gì ghê gớm, không xảy ra chuyện gì ảnh hưởng đến học tập.

Nghĩ một chút mới thấy thương cho họ khi xảy ra tình trạng “được mùa mất giá”, những lúc bệnh dịch tràn lan thiệt hại không thể tính được. Quả thực là rất vất vả, có lúc cực kỳ bấp bênh giữa được và mất, đúng là không biết đường nào mà lần.

Sang năm mới Kỷ Hợi, xin chúc cho các hộ chăn nuôi đặc biệt là nuôi lợn luôn may mắn, chăm sóc đàn lợn tốt, bảo đảm không dịch bệnh và có được đầu ra ổn định.

Giai thoại GS Văn Như Cương nuôi lợn

40 năm trước, thầy giáo Văn Như Cương tốt nghiệp tiến sĩ ở Liên Xô về, nhưng vì kinh tế khó khăn, phải nuôi lợn. Cả 5 nhân khẩu sống trong một phòng tập thể chỉ rộng 11m2 nhưng vẫn dành một góc nhỏ trong khu sinh hoạt chung của tập thể để nuôi hai chú lợn. Mỗi lứa lợn, tính toán tiền lãi và tiền cám dư còn được 70 đồng, bằng đúng tiền lương của một tiến sĩ ngày đó. Có giai thoại kể, khi bị lập biên bản, thầy cứ bắt người ta phải ghi lại câu chữ, rằng: “Các anh không được viết, tôi nuôi lợn làm ảnh hưởng tới môi trường, mà phải viết lợn nuôi tôi làm ảnh hưởng tới môi trường, thì tôi mới ký”.

Đào Quốc Thắng
Thể thao & Văn hóa Xuân Kỷ Hợi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm