Chơi xe đạp ở 'thành phố Hoa phượng'

17/02/2014 13:21 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Ở thời buổi mà Hải Phòng, cũng như nhiều thành phố lớn khác, xe máy sành điệu, xe hơi “khủng” ngang dọc trên mọi con đường mà chiều chiều vẫn thấy từng đoàn người đủ độ tuổi, nhiều nhất là trung niên, đạp xe như những tay đua.

Đó là những câu lạc bộ xe đạp tự phát, hoặc có khi chẳng cần có câu lạc bộ, “người chơi” đơn giản muốn đạp xe rèn luyện sức khỏe, hay coi đó là cách thư giãn. 

Chi 80 triệu đồng chơi xe đạp

Trước kia, Hải Phòng có thể xem là “xứ sở của xe đạp mini Nhật”. Bến cảng và làn sóng làm thuỷ thủ tàu viễn dương đã tạo cho thành phố này một đặc điểm mà người ở những địa phương lân cận rất ngưỡng mộ…

Đến thời kỳ kinh tế phát triển, người ta luôn tìm cách sắm cho mình chiếc xe gắn máy, rồi ô tô để đi nhanh hơn, đỡ mệt hơn và cũng để khẳng định cho sự thành đạt. Kí ức về xe đạp không phai nhưng thói quen thì đã mất. Cho đến một ngày với nhiều mục đích khác nhau, họ lại tìm đến xe đạp. Rèn luyện sức khỏe, đua với bạn bè, muốn mình khác biệt… Dù là lí do gì thì “chơi xe đạp” là cụm từ mà họ có thể thao thao bất tuyệt hàng giờ đồng hồ bên li cà phê.


Ở Hải Phòng vẫn còn nhiều chợ xe đạp

Một trong những người như thế là anh Trương Thuận Đức, chủ một quán bar ở Hải Phòng. Chơi xe đạp chưa lâu nhưng anh Đức đã kịp sở hữu ngót nghét 10 chiếc xe. Ban đầu là chiếc Bridgestone để tập thể dục, dần dà những chiếc xe tốt hơn, đẹp hơn cứ nối đuôi nhau về và giá cả thì cái sau lại cao hơn cái trước. Chiếc xe đắt tiền nhất mà anh sở hữu là chiếc xe đua Colnago của Italy giá thành lên tới 80 triệu đồng và chiếc xe địa hình Kona có giá trên 30 triệu.

Anh đến với thú chơi đắt đỏ này từ khi mắc một số bệnh bắt buộc phải kiêng khem và dùng thuốc thường xuyên. Khi được hỏi vì sao phải mua những chiếc xe đắt tiền trong khi thể dục thì chỉ cần chiếc xe 2-3 triệu là đủ, anh say sưa kể về việc trục giữa, khung, phanh, vành, lốp, may-ơ… như một chuyên gia xe đạp thứ thiệt. Và kết luận: Cơ chế vận hành của chiếc xe phụ thuộc nhiều vào những thứ kể trên và chất lượng của nó được quyết định bởi giá cả và thương hiệu.

Chiếc Colnago của anh Đức có trục giữa được làm bằng gốm. Khi đạp với tốc độ cao và chạy lâu trên đường nó sẽ sinh nhiệt ít hơn so với bộ phận làm bằng kim loại. Đương nhiên giá thành để sản xuất nó cũng cao hơn. Anh bảo khi hiểu những vấn đề đó mà lờ đi, chỉ sắm một chiếc xe dưới tầm thì là có tội với bản thân. Với anh, chiếc xe tay ga có thể cáu bẩn, ô tô bụi bặm anh mặc kệ vì những thứ đó dịch vụ đầy rẫy, hô một cái là có người làm cho bóng loáng. Xe đạp thì không. Bởi anh không thể mang chiếc xe yêu thích cho một bác thợ ngoài vỉa hè quen sửa xe thồ. Chính vì thế nên anh thường tự tay chăm sóc cho xe đạp của mình. Dần dần hình thành tình cảm đặc biệt với chiếc xe và tạo thú vui cho bản thân nhiều hơn, khác với việc đi xe 4 bánh nặng tính khẳng định với xã hội.

Một điều thú vị nữa là niềm say mê xe đạp của anh Đức đã ảnh hưởng tới ban nhạc và một số nhân viên tại quán bar của anh để giờ đây, mỗi người đều sở hữu một chiếc và hằng ngày cùng nhau rong ruổi.


Trương Thuận Đức (bên phải) và Hà Dũng bên 2 chiếc xe có giá ngang với xe máy tay ga hàng hiệu

“Cuộc chạy đua” ngầm trong giới chơi xe đạp

Anh Hà Dũng, một nghệ sĩ guitar lâu năm tại thành phố cảng, còn là chủ một cửa hàng bán vật liệu xây dựng khá lớn. Điều kiện kinh tế đủ để Hà Dũng làm “đối trọng” với Trương Thuận Đức trong việc “chạy đua vũ trang” về xe đạp.

Lúc trước Hà Dũng thường say sưa với Super Cub, Peugeot 103, Mobylette và đã sở hữu vài chiếc. Khi sự say mê xe đạp của Trương Thuận Đức lan sang những người xung quanh, Hà Dũng cũng không thua kém khi “thửa” cho mình một chiếc Cannondale địa hình với giá 50 triệu đồng. Khác với anh Đức, Hà Dũng không ồ ạt mà tỉ mỉ, cẩn trọng. Anh đặt hàng theo nguồn riêng, tìm hiểu thấu đáo và kiên nhẫn ngồi đợi hàng về.

Thuở hàn vi, Hà Dũng cũng là một người có “gu” chơi xe. Ngày ấy dù không dư dả như bây giờ nhưng với bản tính của một tay chơi điệu đà, Hà Dũng luôn sở hữu cho mình những chiếc xe cuốc Nhật (theo cách gọi của người Hải Phòng) đầy nam tính. Anh có kinh nghiệm đến mức mỗi khi bạn bè mua xe, anh lại phải lên đường để xem xét, phân tích, sờ mó từng cái ghi đông, đùi đĩa, xích, líp, may-ơ… để bạn mình có được những chiếc cuốc Nhật ưng ý.

Dòng xe đó bây giờ dân sưu tầm xe thường gọi là xe thuỷ thủ. Trong một lần lang thang chợ xe Hải Phòng. Hà Dũng gặp một chiếc thuỷ thủ còn nguyên bản từ những năm 80 thế kỷ 20. Đèn cá mập, trục giữa automatic, tem cờ còn gin theo xe, đề, líp tầng… Anh gọi chủ xe ra hỏi giá. Người chủ xe sau một hồi lề mề tiến tới buông giọng ngạo nghễ: “Ông không đủ tiền mua con xe này đâu”. Chẳng ai bán hàng cái kiểu như vậy cả. Nóng mặt, Hà Dũng nói: “Tôi đủ tiền mua cả cửa hiệu xe của ông và mua được cả ông đấy”. Tưởng mọi việc trở nên căng thẳng thì có một người biết cả hai tiến ra dàn xếp. Thế là mọi việc ổn thoả và cuộc bàn bạc về xe vô tiền khoáng hậu trị giá 80 triệu đồng diễn ra.

Người Hải Phòng là vậy. Rất ngang tàng, cả người bán và người mua, nhất là liên quan đến xe đạp. Thành phố này có tiếng về xe đạp thời bao cấp đến mức nhiều du khách đến thành phố đứng ở ngã tư hàng chục phút để nghe tiếng kít của phanh xe mini Nhật. Và đến nay, thú chơi này vẫn là nét riêng của “thành phố cảng”…

An Chi
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm