Biến thể Delta khiến người nhiễm có nguy cơ phải nhập viện cao gấp đôi Alpha

28/08/2021 11:15 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Biến thể Delta, có khả năng lây nhiễm cao và đang là biến chủng lây lan chính trên thế giới, có thể khiến người nhiễm có nguy cơ phải nhập viện cao gấp đôi so với biến thể Alpha. Đây là kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet ngày 28/8.

Người nhiễm biến thể Delta có lượng virus gấp 300 lần so với SARS-CoV-2 gốc

Người nhiễm biến thể Delta có lượng virus gấp 300 lần so với SARS-CoV-2 gốc

KDCA công bố kết quả nghiên cứu cho thấy những người nhiễm biến thể Delta có tải lượng virus cao gấp 300 lần so với phiên bản gốc của virus SARS-CoV-2.

Các nhà khoa học đã thực hiện nghiên cứu đối với hơn 43.338 ca mắc COVID-19 tại vùng England (Anh) từ ngày 29/3 đến 23/5, trong đó chỉ có 1,8% bệnh nhân đã được tiêm đủ 2 liều vaccine ngừa COVID-19, còn lại khoảng 3/4 bệnh nhân hoàn toàn chưa được tiêm chủng và 24% bệnh nhân mới được tiêm mũi vaccine thứ nhất.

Do đó, nhà thống kê học cao cấp thuộc Đại học Cambridge, người cũng là đồng tác giả nghiên cứu trên, Anne Presanis cho rằng nghiên cứu này chủ yếu dựa trên đánh giá đối với những bệnh nhân chưa được tiêm vaccine hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ. Tiêu chí đánh giá bao gồm tình trạng tiêm chủng, cấp cứu, nhập viện và những yếu tố dịch tễ khác của bệnh nhân. 

Theo nghiên cứu, phần lớn số bệnh nhân (80%) là nhiễm biến thể Alpha, phần còn lại là nhiễm biến thể Delta. Tỷ lệ nhập viện là 1/50 trong vòng 14 ngày kể từ lần xét nghiệm dương tính đầu tiên. Tuy nhiên, sau khi xét đến các yếu tố của các ca bệnh nặng, như tuổi tác, sắc tộc, và tình trạng vaccine, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nguy cơ phải nhập viện ở những người nhiễm biến thể Delta cao hơn gấp đôi so với những ca nhiễm biến thể Alpha. 

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại một bệnh viện ở Tehran, Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN

Người nhiễm biến thể Delta có thể lây lan virus 2 ngày trước khi có triệu chứng

Kết quả nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nature mới đây cho thấy người nhiễm biến thể Delta có thể lây lan virus khoảng gần 2 ngày trước khi có triệu chứng. Đây được xem làm một trong những nguyên nhân khiến số ca mắc Covid-19 tăng vọt trong thời gian gần đây.

Sự lây nhiễm tiền triệu chứng là một đặc điểm của các biến thể trước đó khi nghiên cứu trên cho thấy khoảng cách từ lúc có kết quả dương tính tới lúc xuất hiện các triệu chứng là 0,8 ngày. Tuy nhiên, với biến thể Delta, khoảng thời gian này là 1,8 ngày. Do đó, gần 3/4 số ca nhiễm biến thể Delta xảy ra trong giai đoạn tiền triệu chứng.

Giám đốc y tế của Lực lượng chống dịch COVID-19 của DispatchHealth, một dịch vụ chăm sóc y tế theo yêu cầu, Stefen Ammon cho rằng "biến thể Delta dễ lây nhiễm hơn một phần là bởi những người mắc bệnh mang và làm bắn ra nhiều virus hơn so với các chủng trước đó".

Theo chuyên gia này, trong khi các chủng virus trước đó có khả năng lây nhiễm giống như cảm lạnh thông thường thì biến thể Delta có mức độ lây nhiễm còn hơn cả cúm mùa, bệnh bại liệt, đậu mùa, Ebola, cúm gia cầm và có mức độ lây nhiễm tương đương bệnh thủy đậu.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại trung tâm y tế ở Apple Valley, California, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN

Do mức độ lây nhiễm cao nên biến thể Delta đã trở thành biến thể lây lan chính trên thế giới hiện nay. Số người nhiễm biến thể này cũng chiếm hơn 90% số ca bệnh tại Mỹ. Trong khi vaccine vẫn có hiệu quả cao để ngăn ngừa các ca nhập viện và tử vong vì COVID-19 thì các nghiên cứu cho thấy những người được tiêm vaccine vẫn có thể nhiễm virus, còn gọi là "các ca lây nhiễm đột phá", có thể có tải lượng virus cao ngang với những người chưa tiêm vaccine, điều đó tức là họ vẫn có thể lây lan dịch bệnh.

Dù vậy, những nghiên cứu gần đây vẫn cho thấy tầm quan trọng của việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 với sức khỏe cá nhân và hạn chế sự lây nhiễm.

Trong khi đó, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Temple ở Philadelphia, Jason Gallagher, cho rằng thực tế là những người tiền triệu chứng lây lan virus không phải là thông tin mới. Theo chuyên gia này, hai nghiên cứu hiện nay cho thấy RNA của virus giảm nhanh hơn ở những người đã tiêm vaccine so với người chưa tiêm, cho thấy họ ít lây lan virus sang người khác hơn.

Những phát hiện mới cùng với sự gia tăng nhanh chóng số ca COVID-19 cũng khiến các nước trên thế giới quay lại các biện pháp y tế công cộng như đã áp dụng vào thời kỳ đầu đại dịch, trong đó có đeo khẩu trang và giữ khoảng cách. Nhà dịch tễ học tại cơ quan y tế cộng đồng bang Massachusetts, Elizabeth Beatriz nhận định tất cả mọi người, dù tiêm vaccine hay chưa đều nên đeo khẩu trang khi ở nơi công cộng hoặc đám đông.

Điều này đặc biệt cần thiết nếu sống ở khu vực có nhiều ca mắc COVID-19 hoặc sống cùng những người chưa được tiêm vaccine như trẻ em, hay những người bị suy giảm miễn dịch, hoặc những người có thể trải qua các triệu chứng nặng nếu họ mắc bệnh.

Trần Quyên/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm