Bầu cử Mỹ: Nhan nhản các “trò bẩn” trước giờ G

05/11/2012 06:00 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2012 chuẩn bị diễn ra trong tuần này và kết quả thăm dò cho thấy hai ứng cử viên chính đang bám đuổi rất sát nhau, hàng loạt các trò bẩn đã xuất hiện, không nhằm ngoài mục đích làm lung lay sự lựa chọn của cử tri hoặc tạo thêm lợi thế vào những phút chót. 

Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy Tổng thống Barack Obama và đối thủ Mitt Romney đang bám đuổi sát nhau tại một số bang chiến địa như Florida và Virginia. Kết quả cuộc chiến tại những nơi này sẽ quyết định kết cục của cuộc bầu cử, vì thế người ta sẽ không ngại ném “phụ gia” để khiến cán cân nghiêng về một bên nào đó.

Từ lừa đảo cử tri

Những người cổ súy cho quyền được bỏ phiếu nói rằng các hoạt động lừa gạt chính trị và các âm mưu nham hiểm khác đang tăng lên trông thấy trong mấy ngày gần đây. Đơn cử như tại bang Indiana, giới chức bang đã mở cuộc điều tra về việc có kẻ gọi điện tới nhiều gia đình ở đây, nói với họ rằng việc bỏ phiếu qua điện thoại đã được chính quyền bang công nhận. Sự thực hoàn toàn không phải vậy. Nhân vật này thậm chí còn nhiệt tình "hướng dẫn" cử tri bỏ phiếu sớm qua điện thoại.

Còn tại quận Broward, Florida, các cử tri cao tuổi đã được một người lạ mặt thông báo rằng anh ta được chính quyền trao quyền tới để lấy phiếu bầu cử sớm của họ. Tuy nhiên Alma Gonzalez, một quan chức cao cấp của đảng Dân chủ phụ trách hoạt động bảo vệ bỏ phiếu nói rằng sẽ không có bất kỳ ai được giao quyền này.

"Thật không may, có vẻ như một số kẻ giấu mặt đang muốn ngăn cản người dân bỏ phiếu sớm" - Eric Marshall, giám đốc pháp lý tại tổ chức Ủy ban các luật sư vì Quyền dân sự theo luật (LCCRUL) cho biết. Tổ chức này là một phần của một liên minh mang tên “Bảo vệ bầu cử”, chuyên giám sát hoạt động tham gia bỏ phiếu và quyền bỏ phiếu trên toàn quốc. Họ cũng lập các đường dây nóng miễn phí để cử tri tiện tố cáo sai phạm. "Mỗi lá phiếu bầu của người Mỹ đều có ý nghĩa. Nó quan trọng với họ và quan trọng với cả cộng đồng" - Marshall nói.

Tới bôi nhọ ứng viên

Bà Jane Bowman, cử tri Florida đã thấy có điều bất ổn khi phát hiện một chiếc đĩa DVD nằm tại hòm thư của gia đình, bên trong mang nội dung chất vấn danh tính cha đẻ của Obama.

"Tôi nghĩ đây là một trò bẩn. Nó chỉ khiến tôi ngạc nhiên thôi. Tôi cho rằng người ta đang làm tất cả để thắng tại Florida. Đó là một tình trạng rất đáng buồn" - bà Bowman, một cư dân Jacksonville cho biết và nói rằng bà sẽ vẫn bỏ phiếu cho Obama như cách đây 4 năm.

Đạo diễn chiếc đĩa DVD, Joel Gilbert, tuyên bố ông ta đã gửi 7 triệu chiếc đĩa tới các gia đình ở một số bang dao động của Mỹ. Ông ta nói rằng mình không có liên quan tới các ủy ban vận động tranh cử và chiếc đĩa DVD là "thành quả của nỗ lực nghiên cứu rất kỹ nền tảng gia đình Obama".



Đĩa DVD bôi nhọ ông Obama đã được phát tán tại nhiều bang chiến địa quan trọng.

Đĩa DVD mang tựa đề "Các giấc mơ tới từ cha thật của tôi", nhại lại một cuốn sách của Obama viết về lịch sử gia đình. Nội dung của nó nói rằng cha đẻ Obama là một nhà thơ sống ở Hawaii tên Frank Marshall Davis, chứ không phải ông bố Kenya như người ta đã biết.. Được biết cuốn sách của Obama có nói tới một nhà thơ tên Frank, người vốn là bạn của ông ngoại Obama.

Trong đĩa DVD kể trên, đạo diễn Gilbert mô tả mình là người độc lập, không ủng hộ ho chính đảng nào và ông chỉ cố kể lại một câu chuyện hết sức quan trọng. Gilbert cho biết ông không phối hợp việc phân phối đĩa DVD với bất kỳ đảng phái chính trị nào và cũng không nhận tiền đóng góp gây quỹ chính trị để làm phim.

Tuy nhiên chiếc đĩa DVD của vị đạo diễn "vô tư, khách quan" này vẫn chỉ nhằm vào các cử tri ở một số bang chiến địa chủ chốt, gồm 1,5 triệu người ở bang Florida và 1,2 triệu người ở bang Ohio, theo thông tin do chính trang web của Gilbert cung cấp. Gilbert đã từ chối tiết lộ việc ông ta lấy vốn ở đâu ra để làm đĩa DVD và phân phối nó. Ông ta còn "nổ" rằng mình đã làm các phim tài liệu về việc có phải Elvis Presley còn sống hay không, về mối quan hệ giữa Hồi giáo - Do Thái giáo và tham vọng hạt nhân của Iran.

Khi đòn bẩn biến thành hăm dọa

Ngoài việc lừa đảo và cung cấp thông tin sai lạc như ở trên, các hành vi hăm dọa cử tri cũng đã xuất hiện tăng mạnh.

Một số tấm biển quảng cáo với nội dung cảnh báo cử tri rằng họ sẽ phải vào tù nếu gian lận phiếu bầu đã xuất hiện tại các khu vực thiểu số ở hai bang Ohio và Wisconsin. Các quảng cáo này mới đây đã bị gỡ xuống sau khi có những phàn nàn nói rằng chúng có nội dung đe dọa các cử tri Mỹ gốc Phi và Mỹ gốc Latin. Những người đã dựng lên các biển báo kể trên hiện vẫn chưa trình diện trước cảnh sát.

"Thật khó tin khi thấy các biển quảng cáo đó chỉ nhằm mục đích thông báo thuần túy. Những khu vực dân cư này đã trở thành mục tiêu đe dọa" - Marshall đánh giá.

FBI hiện còn đang điều tra nhiều lá thư gửi tới các cử tri ở ít nhất 23 quận ở Florida, với nội dung chất vấn quyền công dân của cử tri. Họ còn cung cấp các mẫu ghi danh để cử tri điền vào và phải lập tức giao nộp cho các quan chức phụ trách bầu cử, nếu không tên họ sẽ bị xóa khỏi cuộc bầu cử.

"Một cử tri chưa ghi danh, khi đi bỏ phiếu ở bang Florida sẽ bị bắt, bỏ tù hoặc vấp phải các cáo buộc hình sự khác" - một lá thư viết.

Lá thư này có vẻ ngoài trông khá trang trọng và chính thống, dường như chỉ nhắm tới các cử tri ủng hộ phe Cộng hòa. Thư ký bang Florida, Ken Detzner, đã kêu gọi các nhân viên giám sát bầu cử của bang báo cáo nếu họ thấy các bức thư tương tự xuất hiện. Ông cũng yêu cầu khởi tố những kẻ phát tán thư bậy kiểu này.

Một số hình thức hăm dọa khác cũng được nhắc tới, ví dụ như trường hợp các chủ doanh nghiệp yêu cầu người lao động phải bỏ phiếu cho một ứng cử viên Tổng thống nhất định, nếu không muốn bị sa thải. Nhiều kiểu lừa đảo khá lạ cũng xuất hiện, ví dụ như nhóm cử tri sinh viên và một số nhóm cử tri khác từng bị lừa rằng họ có thể tới bỏ phiếu sau ngày bầu cử một hôm, nếu thấy dòng người xếp hàng chờ bỏ phiếu quá dài.

Lách luật

Theo Marshall, các đòn bẩn như trên luôn xuất hiện trong mọi cuộc bầu cử vì ở nhiều bang, việc lừa gạt người khác về thời gian, địa điểm diễn ra bầu cử hoặc lừa dối về tư cách của ứng cử viên không phải hành động phạm pháp. Luật pháp chỉ ngăn chặn việc đe dọa cử tri không cho họ đi bỏ phiếu và đảm bảo họ thực sự tới các điểm bỏ phiếu.

Những kẻ bị phát hiện khi đang chơi bẩn như trên thường nói rằng tất cả chỉ là "hiểu lầm". "Rất khó để ngăn chặn lối chơi bẩn kiểu này" - Marhsall thổ lộ - "Chiến thuật chơi bẩn đã liên tục biến đổi, tiến hóa, nhưng luật pháp thì không như vậy".


Tường Linh (theo AP)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm